Bộ trưởng Bộ TT&TT: Minh bạch thông tin để 'lấy cái đẹp dẹp cái xấu"
Bản tin ICT - Ngày đăng : 08:50, 19/04/2017
Nội dung được chất vấn là: Công tác quản lý an toàn thông tin mạng; việc xử lý các cá nhân, tổ chức có hành vi đăng tải thông tin xuyên tạc, sai sự thật trên các phương tiện thông tin điện tử gây hoang mang trong dư luận, gây thiệt hại về kinh tế, tổn hại danh dự, nhân phẩm của cá nhân, tổ chức khác. Việc kiểm duyệt chương trình, nội dung quảng cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn trực tiếp đăng đàn trả lời chất vấn các nội dung nêu trên.
Sau khi nghe các đại biểu Quốc hội chất vấn, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn trực tiếp đăng đàn trả lời chất vấn các nội dung nêu trên. Lãnh đạo Bộ Quốc phòng, Bộ Công an tham gia trả lời chất vấn.
Dự phiên họp có Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng; Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh; Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam,...
Báo điện tử Infonet tường thuật trực tiếp phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Mời quý vị và bạn đọc theo dõi.
Có 16 đại biểu đăng ký đặt câu hỏi với Bộ trưởng Trương Minh Tuấn.
ĐB Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận):Hành vi đăng tải thông tin xuyên tạc, sai sự thật khá phổ biến trên mạng, lập trang facebook giả của lãnh đạo Đảng và Nhà nước. Việc này nguy hiểm vì gây hệ lụy, nhiều nước đã phải có các biện pháp ngăn chặn. Bộ trưởng có giải pháp gì để xử lý tình trạng này?
Thứ 2, vấn đề tin nhắn rác, tôi đã từng chất vấn nguyên Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son. Đến nay sim rác đã giảm nhưng chưa khắc phục triệt để. Hôm qua, báo Vietnamnet có đăng tải thông tin có địa phương vẫn bán tràn lan sim rác, trên thực tế các nhà mạng cũng bán…Vậy giải pháp tiếp theo của Bộ là gì? Trách nhiệm của các nhà mạng ra sao?
ĐB Nguyễn Tọa (Lâm Đồng):Qua phản ánh của cử tri, một số chương trình của Đài THVN và một vài đài truyền hình khác có những chương trình hoạt động thực tế phản cảm, “thà xem thế giới động vật còn hơn xem game show”, xin hỏi Bộ trưởng có giải pháp như thế nào?
Trong thời gian qua, có hiện tượng mạng xã hội tung tin phát tán thông tin xấu, kích động, vu khống, xúc phạm nhân phẩm danh dự uy tín của một cá nhân, tổ chức, Bộ TT&TT xử lý vấn đề này như thế nào trong thời gian vừa qua, giải pháp giải quyết triệt để vấn đề này là gì?
ĐB Công Thuật (Quảng Bình): Thời gian qua mạng xã hội xuất hiện những clip bôi nhọ lãnh tụ, vi phạm nhân quyền… Báo chí tham gia công tác phòng chống tham nhũng nhưng vẫn còn một số cơ quan báo chí, nhà báo sai phạm. Bộ trưởng có giải pháp gì để khắc phục những vấn đề trên trong thời gian tới?
Bộ trưởng Trương Minh Tuấn: Như chúng ta biết, thế giới đang dịch chuyển cùng với sự phát triển không ngừng của lĩnh vực TT&TT, mạng xã hội giúp người dùng giao lưu chia sẻ nhanh chóng thông tin, chính vì những đặc tính ưu việt, mạng xã hội đóng vai trò quan trọng trong thông tin.
Nhiều nước coi mạng xã hội như một kênh thông tin. Các mạng xã hội nước ngoài cung cấp xuyên biên giới vào Việt Nam như Facebook, Yahoo, YouTube… Số lượng người dùng mạng xã hội Việt Nam thuộc hàng cao thế giới. Mạng xã hội như con đường, trên đường đi có người tốt người xấu, người xấu dùng mạng xã hội làm điều ác. Thông tin trên mạng lan truyền với tốc độ chóng mặt, khắp công sở, đường phố, mọi ngõ ngách đời sống xã hội, tin xấu sẽ gây hậu quả khôn lường cho xã hội.
Các đối tượng xấu lợi dụng mạng xã hội để tung tin, bôi nhọ. Trên mạng còn có những kẻ nói xấu, chửi bới người khác. Thế giới cũng rất đau đầu về vấn đề này.
Việt Nam cũng không ngoại lệ, phải đối mặt với những mặt trái của mạng xã hội.
Nội dung thông tin trên mạng hiện nay được cung cấp bởi hai nguồn: Thứ nhất là từ các cơ quan báo chí chính thống (gồm báo chí in, báo chí điện tử và phát thanh, truyền hình) và thứ 2 là từ truyền thông xã hội (các trang thông tin điện tử và mạng xã hội, do tổ chức, cá nhân (không phải là cơ quan báo chí) đăng tải. Với hai nguồn cung cấp như trên, tác động của từng nguồn đối với xã hội cũng khác nhau.
Các trang mạng xã hội trong nước phần lớn tuân thủ pháp luật, chỉ có một phần sai phạm là truyền bá nội dung trái thuần phong mỹ tục... Việt Nam là 1 trong 10 nước có số người sử dụng Facebook lớn nhất thế giới nhưng những thông tin bôi xấu Đảng, Nhà nước... chủ yếu xuất phát từ các trang mạng xã hội nước ngoài. Những trang mạng xã hội nước ngoài này khó kiểm soát, hiện nay chúng ta đã bắt đầu kiểm soát, bước đầu có quy định pháp luật về vấn đề này.
Bộ TT&TT đã ban hành Thông tư 38, đồng thời đẩy mạnh cung cấp thông tin chính thống; trong sạch hóa đội ngũ người làm báo; minh bạch thông tin... để 'lấy cái đẹp, dẹp cái xấu'; xử phạt nghiêm minh các trường hợp sai phạm (xác định được nhân thân); đối với các trường hợp không xác định được nhân thân thì yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp thông tin xuyên biên giới gỡ bỏ những thông tin vi phạm.
Thời gian qua Bộ TT&TT đã yêu cầu gỡ bỏ hơn 2.000 clip xấu độc trên kênh YouTube;... Thời gian tới Bộ sẽ phối hợp với Facebook để gỡ bỏ những trang giả mạo; bên cạnh các giải pháp kỹ thuật, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho công chúng, Bộ cũng sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng, các doanh nghiệp của Việt Nam và quốc tế để quản lý chặt chẽ vấn đề này.
Việc quản lý thông tin trên mạng liên quan đến nhiều bộ ngành, cần có sự phối hợp chặt chẽ với các bộ ngành liên quan. Thời gian qua, Bộ TT&TT đã phối hợp rất tốt với Bộ Công an, các bộ, sở TT&TT ở các địa phương và các cơ quan chức năng để xử lý các cá nhân vi phạm…
Về vấn đề sim rác, tin nhắn rác:
Bản thân tôi cũng là nạn nhân của sim rác và tin nhắn rác. Việc mạng viễn thông phát triển bùng nổ đã mang lại nhiều tác động tích cực lớn lao trong xã hội. Tuy nhiên đi kèm những lợi ích thì cũng phát sinh những vấn đề tiêu cực, điển hình là tin nhắc rác.
Nguồn gốc gây ra việc có tin nhắn rác là do bán sim trả trước tràn lan mà người dân bị sử dụng thông tin cá nhân mà không biết. Tôi đi Nhật Bản 3 ngày không mua được sim. Điều này thể hiện sự thiếu quản lý của các ngành liên quan trong đó có ngành chúng tôi mà trách nhiệm của người đứng đầu. Ví dụ trường hợp chủ tịch Bắc Ninh bị sử dụng sim rác nhắn tin đe dọa. Tin nhắn rác mặc dù tồn tại nhiều năm nhưng chưa được giải qiyết triệt để. Nguyên nhân có nhiều, do lợi ích của nhiều bên từ nhà mạng, đại lý sim thẻ, người dùng… Ngành TT&TT đã xử lý khá quyết liệt vấn đề này.
Từ tháng 10/2016, khi xem xét thấy cách làm trước đây “vừa thả gà vừa bắt gà” nghĩa là không xử lý từ gốc mà chỉ đi thu gom, hơn nữa chỉ xử lý từ các đại lý, cho nên, giải pháp chúng tôi làm hiện nay là xử lý từ các nhà mạng, truy trách nhiệm từ các nhà mạng. Yêu cầu các nhà mạng nếu không xử lý được sim rác từ kho số của anh đã phát hành thì chúng tôi sẽ xử lý người đứng đầu. Nhờ đó đã thu hồi được 20 triệu sim nhắn rác. Trên thực tế còn số lượng khá lớn, chúng tôi quyết định làm tiếp. Chúng tôi cho công khai thông tin các nhà mạng bán sim đã kích hoạt là để hôm nay chúng tôi tiếp tục xử lý. Bên cạnh đó chúng tôi đưa ra một loạt các giải pháp (như thu hồi sim 11 số, tăng cường khuyến khích thuê bao trả sau).
Lâu nay các DN có các gói cước cho sim trả trước với nhiều tiện lợi cho nên khi khách hàng sử dụng sim đó xong họ bỏ đi mua sim khác, nên giải pháp đặt ra là khuyến khích sử dụng thuê bao trả sau...
Về truyền hình thực tế:
Hiện nay dư luận rất quan tâm. Thực hiện công tác quản lý nhà nước về vấn đề này, Bộ thường xuyên tăng cường công tác giám sát, hậu kiểm qua đó phát hiện nhiều chương trình sai phạm, đó là những chương trình thiếu kiểm chứng, gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các đơn vị. ví dụ như chương trình Cà phê sáng của VTV phát phóng sự dùng chổi quét rau giả sâu ăn, chương trình thực tế chuyện hẹn hò trên VTV7 có người chơi tự xưng là công an nhưng công an phản hồi là không có ai như vậy trong lực lượng; vụ các cơ quan báo chí đăng tải thông tin nước mắm nhiễm asen; chương trình game show cuộc đua kỳ thú, hội ngộ danh hài… để xảy ra lời thoại phản cảm…
Trước những sai phạm như vậy, Bộ TT&TT nghiêm khắc xử lý, nhẹ thì nhắc nhở tại giao ban báo chí, nặng thì xử phạt như thu hồi thẻ nhà báo, đình bản… yêu cầu các cơ quan phải đăng tin cải chính xin lỗi. Nhằm tránh sai sót trong thời gian tới, Bộ đã tăng cường công tác hậu kiểm. Bộ phối hợp với Ban tuyên giáo tăng cường tập huấn nâng cao kỹ năng cho đội ngũ làm báo…
Về vấn đề An ninh mạng:
Trong những năm qua, tình hình an ninh mạng là chủ đề nóng được sự quan tâm của tất cả các quốc gia. Thống kê trên thế giới những vụ việc này có xu hướng tăng trên cả quy mô, mức độ. Tấn công mạng bằng mã độc có xu hướng ngày càng tinh vi. Và các quốc gia có nền kinh tế lớn, phát triển mạnh như Nga, Anh, Mỹ, Trung Quốc... giành nhiều nguồn lực lớn về vật chất, con người để quản lý nguy cơ, rủi ro nhưng quốc gia này vẫn chịu ảnh hưởng nặng nề về cuộc tấn công mạng. Kết quả khảo sát năm 2016, có 41% cơ quan, tổ chức không kiểm tra, đánh giá rủi ro về An toàn thông tin; 51% cơ quan, tổ chức chưa có quy trình thao tác chuẩn…
Nguyên nhân của tình trạng này là nhận thức về an toàn thông tin chưa đầy đủ, nhân lực mỏng (Bộ đã thu hút được một lượng lớn chuyên gia giỏi nhưng rồi họ lần lượt xin về các DN); tiêu chuẩn, quy chuẩn còn yếu.
Về giải pháp, Bộ TT&TT đã ban hành một số giải pháp như quy trình xử lý sự cố an ninh mạng, quy trình hướng dẫn diễn tập an toàn thông tin mạng, đẩy mạnh an toàn thông tin quy mô quốc gia…Tăng cường phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ CA triển khai các quy chế phối hợp hợp tác nhằm đảm bảo an toàn thông tin mạng…
- 15h: ĐB Nguyễn Quốc Bình (Hà Nội): Chúng tôi thấy rằng Bộ trưởng rất quyết tâm xử lý vấn đề tin rác, sim rác, nhưng vẫn chưa giải quyết được triệt để. Theo báo cáo, Bộ trưởng xác định được tính quan trọng của nhà mạng và đại lý sim thẻ, Bộ trưởng có thể nêu rõ các giải pháp, chế tài cụ thể đối với những đối tượng này?
Thứ 2, vấn đề an ninh mạng và an toàn thông tin chỉ được giải quyết triệt để khi chúng ta tự làm chủ, tự viết được phần mềm. Về cách mạng cách mạng công nghệ 4.0, hiện nay đa phần chúng ta có nhiều sản phẩm mua từ nước ngoài, một số bộ ngành địa phương mua của nước ngoài mà không sử dụng hết, trong khi hoàn toàn có thể sử dụng sản phẩm Việt Nam cung cấp... Vậy cần làm gì để ưu tiên cho doanh nghiệp trong nước?
ĐB Trần Văn Lâm (Bắc Giang)hỏi về vai trò quản lý của các bộ ngành đối với việc kinh doanh trên mạng, bán hàng online… Với vai trò bộ chủ quản, trách nhiệm của Bộ TT&TT đến đâu, sự phối hợp quản lý như thế nào? Giải pháp nào để tới đây tăng cường hiệu quả?
ĐB Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp):Trong các nhóm giải pháp mà Bộ TT&TT đề ra nhằm thực hiện an toàn thông tin mạng, giải pháp nhiều, vậy giải pháp nào là căn cơ lâu dài, giải pháp nào trước mắt? Khi chúng ta đặt ra vấn đề an toàn thông tin mạng ở quy mô quốc gia, các tổ chức… Bộ trưởng nhắc tới một số sự cố cho thấy nguy cơ cao. Chúng ta nhận rõ lỗ hổng, vậy Bộ trưởng xác định trách nhiệm nào thuộc về bộ chủ quản, trách nhiệm nào thuộc về các Bộ ngành liên quan? Trách nhiệm nào thuộc về cơ quan, DN và giải pháp cụ thể cho từng nhóm?
ĐB Mai Thanh (Ninh Bình):Bộ có giải pháp gì để kiểm duyệt thông tin trên mạng xã hội, đặc biệt các thông tin xấu tác động đến giới trẻ?
Bộ trưởng Trương Minh Tuấn: Tin nhắn rác có gốc là sim rác, nên chúng tôi tìm cách chặn nguồn tán phát tin nhắn rác, phối hợp với các cơ quan chức năng truy tìm, xử lý, nâng cao chế tài. Ngoài việc phạt hành chính chúng tôi phối hợp với Bộ Tài chính nâng cao mức truy thu đối với những tổ chức phát tán tin nhắn rác. Bên cạnh đó, tăng cường các biện pháp khác như tăng ưu đãi hơn cho những người sử dụng sim trả sau, hạn chế ưu đãi cho sim trả trước. Tăng cường kiểm tra các đại lý có sim trả trước.
Vấn đề an toàn an ninh mạng, hiện nay nguồn nhân lực chưa đáp ứng cả số lượng và chất lượng. Giải pháp trước mắt là cử cán bộ đi đào tạo ngắn hạn ở nước ngoài. Về giải pháp lâu dài là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, các cơ sở đào tạo trọng điểm được ưu tiên chất lượng đầu tư. Bên cạnh đó Bộ TT&TT cũng đã có hợp tác với các nước như Pháp, Thụy Điển, Séc Phần Lan, Hunggary để đào tạo cán bộ và đã thu được những kết quả bước đầu.
Về an toàn thông tin mạng, nhất trí với đại biểu là để đảm bảo an toàn thông tin phải làm chủ công nghệ. Với trình độ hiện nay chỉ có một số rất ít nước làm chủ được công nghệ. Việt Nam là nước đang phát triển, thời gian qua, có một số DN làm chủ được sản phẩm về An toàn thông tin, chúng tôi tiếp tục hỗ trợ, khuyến khích các DN này tiếp tục phát triển.
Đối với bán hàng online, Bộ TT&TT không quản lý nội dung mà chỉ quản lý kỹ thuật, vì vậy thông tin bán hàng online là thuộc thẩm quyền Bộ Công Thương. Về quảng cáo quá thực tế, hiện nay Bộ đã có sự phối hợp với các cơ quan liên quan để quản lý hoạt động này như phối hợp với bộ Công Thương, Văn hóa, Y tế.
Đối với việc kiểm soát thông tin xấu độc trên mạng, hiện nay, chúng tôi đang tiếp tục làm việc với các tổ chức, DN nước ngoài như Google, Facebook để ngăn chặn, xử lý. Xây dựng công cụ đo lường, đánh giá; xây dựng cơ chế phối hợp với Bộ Công an, Văn hóa và các DN nghiên cứu xây dựng các bộ lọc để kịp thời ngăn chặn chia sẻ khi phát hiện thông tin xấu trên mạng Internet.
Có những thời điểm khai thác quá nhiều các vụ án mạng gây tác dụng không tốt, chúng tôi đã nêu rất nhiều. "Cướp giết hiếp", "bỏng mắt", "đắng lòng"… khi viết về vụ án mô tả chi tiết rùng rợn, viết về tai nạn càng thảm khốc càng tốt, khi viết về thiên tai càng nặng mới có giá trị… Điều đó không đúng.
Chúng tôi trong những cuộc họp giao ban báo chí đã chỉ đạo báo chí: Không mô tả chi tiết các hành vi giết người man rợ, không mô tả những kẻ thủ ác như người anh hùng.
Ngày 19/8, Bộ TT&TT đã có văn bản yêu cầu phải chấp hành nghiêm các quy định của báo chí, không khai thác các thông tin giật gân, xâm phạm quyền riêng tư của nạn nhân.
Bộ TT&TT sẽ tiếp tục xử lý nghiêm khắc các cơ quan báo chí nếu để tiếp tục xảy ra sai phạm trong thời gian tới. Việc chỉ đạo thường xuyên kịp thời, thông tin về các vụ án đã làm mờ ảnh những vụ giết người, không khai thác rùng rợn.
Trong thời gian tới, Bộ phối hợp với Ban Tuyên giáo tiếp tục tăng cường chỉ đạo vấn đề này, tăng cường thanh tra, kiểm tra nhằm đảm bảo báo chí hoạt động đúng tôn chỉ mục đích. Không phải thông tin nào cũng được đưa hết lên mặt báo, làm thế nào để một bài báo vừa có tính giáo dục vừa có tính răn đe.
Về tác động thông tin xấu từ mạng xã hội cần phản ứng nhanh, Bộ có giao cho chính quyền địa phương trực tiếp liên hệ với các DN điều hành mạng xã hội. Cái này chúng tôi không ôm về một mình, chúng tôi cũng khuyến khích đề nghị chính quyền địa phương, Sở TT&TT làm việc với các nhà mạng trong nước tuy nhiên có vấn đề khó.
Đối với các mạng xã hội ở nước ngoài, ngay ở trung ương gần đây mới làm việc được với họ, gọi họ không sang. Hiện bộ có thể giao cho các địa phương nhưng làm thế nào để tiếp cận với nhà cung cấp này?
Có hôm tôi làm việc với giám đốc điều hành Google, họ có nói mỗi phút có 400 clip được tung lên mạng, nên không kiểm soát được. Gần đây ta yêu cầu cả một danh sách để họ sàng lọc. Tới đây, Bộ sẽ việc với các bộ ngành để có xây dựng cơ chế phối hợp tốt nhất.
Thời gian tới Bộ sẽ tăng cường thanh tra kiểm tra các trang thông tin điện tử. Thực hiện các giải pháp thành lập tổ công tác xử lý vi phạm thông tin, giải pháp về cơ chế chính sách, hợp tác quốc tế, tham gia phối hợp với các bộ ngành. Bộ đã phối hợp với Bộ Công an, Bộ Quốc phòng xử lý vấn đề này.
Về vấn đề quản lý an toàn thông tin đảm bảo quyền con người: Đảm bảo trật tự xã hội, quyền tự do dân chủ trong nhân dân. Hai mặt này không trái với nhau, đây là vấn đề rất cần thiết mà Chính phủ đã chỉ đạo và Bộ đang làm. Hiện nay Bộ đang triển khai giải pháp trước mắt và lâu dài: Kịp thời phát hiện nguồn phát tán thông tin, thiết lập cơ chế chia sẻ thông tin tức thời. Thời gian vừa qua chúng tôi đã chia sẻ rất nhiều thông tin với Bộ Công an… Giải pháp phát triển tài nguyên thông tin số, phát triển chuyên trang có nội dung hấp dẫn nhằm hướng đến đối tượng cụ thể, thu hút bạn đọc; tăng cường thông tin chính thống trên các trang mạng xã hội, phát triển mạng xã hội của Việt Nam để thu hút đông đảo người tham gia, sử dụng. Hỗ trợ phát triển cộng đồng để người sử dụng kịp thời phản ánh thông tin. Thúc đẩy văn hóa ứng xử khi tham gia vào mạng xã hội, chia sẻ thông tin lành mạnh…
Bộ TT&TT mong muốn tất cả hệ thống chính trị, cử tri cả nước tham gia thực hiện các giải pháp này. Bên cạnh đó là hợp tác quốc tế trong ngăn chặn thông tin không đúng từ nước ngoài vào Việt Nam, từ Việt Nam phát tán ra nước ngoài… Giải pháp lâu dài là tiếp tục hành lang pháp lý tạo điều kiện thuận lợi, vừa quản lý vừa đảm bảo quyền tự do dân chủ theo hiến pháp, pháp luật. Đảm bảo an toàn thông tin, nêu cao trách nhiệm của mọi cá nhân tổ chức, mỗi người dân phải đảm bảo an toàn thông tin cho mình khi sử dụng các phương tiện thông tin thông minh như smart phone… Huy động nguồn lực và sự tham gia của toàn xã hội để đảm bảo xây dựng xã hội thông tin lành mạnh.
Về ĐB hỏi giải pháp để tránh vừa đá bóng vừa thổi còi khi bộ chủ quản DN và có cơ quan báo chí: Ở đây phải phân biệt rạch ròi bởi nếu nói như thế thì giống như Bộ Giao thông không được tham gia giao thông. Các bộ đều có cơ quan báo chí của mình. Bộ không bao che, thậm chí xử lý nghiêm hơn, kiên quyết hơn đối với các cơ quan báo chí của ngành. Cụ thể năm 2016, vụ nước mắm asen thì báo Vietnamnet, Infonet bị xử lý, thậm chí Infonet còn tước thẻ 1 nhà báo, cho nghỉ việc… Quan điểm của Bộ thì các cơ quan báo chí của Bộ càng phải xử lý nghiêm, coi là tình tiết tăng nặng.
Về vấn đề diễn tập hacker, hiện nay các bạn trẻ rất cần sân chơi bằng các cuộc diễn tập tấn công mạng chia thành 2 phe (tấn công, phòng thủ) gần đây nhất là tháng 3 đã tổ chức quy mô lớn. Việc này làm thường xuyên, rất mong các bạn trẻ giỏi về CNTT tham gia. Qua đó giúp tìm kiếm tài năng trẻ, phối hợp với các DN tổ chức cuộc thi hacker mũ trắng, thu hút hàng ngàn bạn trẻ, lựa chọn ứng viên đi thi vòng khu vực, Đông Nam Á. Hy vọng các hoạt động trên góp phần thu hút nhân tài.
Vấn đề Quảng cáo: Nội dung quảng cáo do các cơ quan chuyên ngành quản lý: ví dụ thuốc thì ngành y tế quản lý, thậm chí cơ quan chức năng Bộ Y tế còn phê duyệt toàn bộ nội dung quảng cáo…
Về phối hợp với các doanh nghiệp nước ngoài xử lý quảng cáo xấu: Hiện Bộ yêu cầu Google gỡ bỏ toàn bộ nội dung quảng cáo xấu độc; xử lý hành vi sai phạm của Facebook trong quảng cáo, kinh doanh trái phép, không đóng thuế, vi phạm pháp luật Việt Nam của Facebook. Việc quảng cáo trên báo chí, phát thanh, truyền hình tới đây do Bộ TT&TT quản lý, do đó, Bộ sẽ tăng cường thanh kiểm tra và xử lý sai phạm. Bộ đang đề xuất sớm sửa đổi Luật quảng cáo, nhằm quản lý tốt hoạt động quảng cáo.
Câu hỏi của ĐB Đặng Hoàng Tuấn liên quan đến cơ chế phối hợp giữa các Bộ TT&TT, Công an, Quốc phòng: An ninh mạng giao cho Bộ Công an, chiến tranh mạng giao Bộ Quốc phòng, còn Bộ TTTT quản lý thông tin mạng nói chung. Bộ cũng chỉ đạo các địa phương chủ trì phối hợp.
Kết thúc phiên chất vấn, Phó Chủ tịch Phùng Quốc Hiển đánh giá cao phần trả lời của Bộ trưởng Bộ TT & TT Trương Minh Tuấn, ghi nhận nỗ lực trong việc đề xuất giải quyết các bất cập. Theo đó, Bộ trưởng đã giải đáp rõ những câu hỏi của đại biểu. Đặc biệt sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ - Bộ TT&TT về luật An toàn thông tin mạng. Thực tế số lượng cuộc tấn mạng có chiều hướng gia tăng, đòi hỏi thực hiện đồng bộ nhiều nhóm giải pháp. Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ghi nhận những giải pháp mà Bộ trưởng nêu, thời gian tới tập trung giải quyết một số vấn đề: Hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn; hoàn thành cơ chế phối hợp cụ thể giữa các bộ ngành; đẩy mạnh công tác kiểm tra đánh giá An toàn thông tin mạng.
Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá, phiên chất vấn được tiến hành theo đúng quy định, những vấn đề chất vấn đều là những vấn đề bức xúc, được cử tri và ĐBQH quan tâm. Nội dung chất vấn đã giành được sự quan tâm của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Không khí phiên chất vấn thẳng thắn, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao. Các ĐB nêu câu hỏi ngắn, các vị Bộ trưởng trả lời thẳng thắn, chỉ ra những giải pháp trong thời gian tới trong thẩm quyền của mình đáp ứng được nguyện vọng của cử tri.
Theo Infonet