Thúc đẩy văn hóa đọc

Xu hướng - Dự báo - Ngày đăng : 14:05, 14/04/2017

Từ năm 2014, “Ngày sách Việt Nam” (21-4) đã chính thức được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trở thành hoạt động hằng năm. Đến nay, vào “Ngày sách Việt Nam”, nhiều hoạt động tôn vinh văn hóa đọc được tổ chức trên khắp mọi miền, góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước qua việc bồi đắp tri thức của mỗi cá nhân. Từ nỗ lực của cơ quan chức năng và sự hưởng ứng của xã hội, phong trào đọc sách, nâng cao văn hóa đọc ngày càng phát triển, với nhiều hình thức phong phú, đa dạng.

Ảnh minh họa (Nguồn: NXB Kim Đồng)

Tháng 3-2016, một nhóm nghiên cứu thuộc Trường đại học Trung tâm bang Connecticus (Cơ-ne-ti-cớt - Hoa Kỳ) công bố bảng xếp hạng 61 quốc gia đọc sách nhiều nhất trên thế giới, trong đó không có Việt Nam. Và nửa năm sau, bảng xếp hạng này lại trở thành minh chứng để một nhà văn Việt Nam kết luận rằng, văn hóa đọc của nước ta chỉ là “huyền thoại”, vì trong danh sách các quốc gia đọc sách nhiều nhất trên thế giới “tìm mỏi mắt không thấy có Việt Nam”! Với tinh thần khách quan, cầu thị, chúng ta coi bảng xếp hạng đã đề cập là thông tin cần tham khảo, song nếu chỉ dựa duy nhất vào xếp hạng đó để phán xét thì cần cân nhắc. Bởi Trường đại học Trung tâm bang Connecticus không phải là một trường tiếng tăm, chỉ đứng ở vị trí 601 trên tổng số 800 trường đại học được xếp loại tại Hoa Kỳ, người tham gia nghiên cứu không thật sự danh tiếng và số liệu thống kê chỉ dừng lại ở số 61 thay vì hơn 200 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới, vì thế Việt Nam hoàn toàn có thể nằm trong số các quốc gia chưa được khảo sát. Như vậy, bảng xếp hạng của Trường đại học Trung tâm bang Connecticus không phải là mẫu mực cho nên chỉ có một vài tờ báo trên thế giới đăng tải lại thông tin này.

Dù phải thừa nhận trong thời đại công nghệ phát triển, thú vui đọc sách, tìm hiểu tri thức qua sách vở có phần bị lép so với các phương tiện truyền tải văn hóa, thông tin khác, nhưng phủ nhận sự tồn tại của văn hóa đọc tại Việt Nam là cái nhìn có phần tiêu cực, trái với thực tế sôi động đang diễn ra trong cộng đồng đọc sách ở nước ta. Thậm chí, tham chiếu trên internet (in-tơ-nét) có thể thấy nhiều người mê sách đã tận dụng ưu thế của công nghệ để tìm kiếm, chia sẻ, nhân rộng sở thích, vốn hiểu biết của mình với cư dân mạng. Trước khi trào lưu sử dụng mạng xã hội phổ biến như ngày nay, không ít nghệ sĩ, nhà khoa học, độc giả nghiệp dư đã dùng nền tảng blog, website để xây dựng các trang tin sách, điểm sách uy tín, trở thành địa chỉ truy cập thường xuyên của bạn đọc cả nước... Gần đây, phải kể tới một xu hướng mới trong văn hóa đọc là sự tham gia của các cá nhân, cộng đồng đọc sách, chơi sách trên mạng xã hội. Nhiều người nhận thấy bên một số hạn chế, tiêu cực nảy sinh từ Facebook, Twitter thì nhiều công cụ, chức năng của chúng là rất hữu ích cho hoạt động quảng bá, giới thiệu sách. Sẽ là thiếu sót nếu bỏ qua khả năng kết nối của mạng xã hội với các thuật toán hỗ trợ tìm kiếm, gợi ý tương tác giữa những người cùng đam mê, mục đích,... giúp các nhóm đọc sách, chơi sách trên các trang Facebook, Instagram,... thu hút ngày càng nhiều sự quan tâm của cư dân mạng, nhất là giới trẻ. Nhiều doanh nghiệp, nhà sách đã và đang coi các hình thức tài trợ, giao lưu, đối thoại với độc giả trên mạng xã hội như phương thức kêu gọi nguồn vốn, quan hệ công chúng,... kết hợp với việc thành lập các cộng đồng, nhóm đọc sách với nhiều tiêu chí chuyên biệt để góp phần nâng cao văn hóa đọc. Đáng kể trong số này là mô hình Trạm đọc (Readstation), Cùng đọc sách (Let’s read) và nhiều fanpage, trang facebook cá nhân của các cá nhân tâm huyết khác như CLB Đọc sách cùng con (do TS Nguyễn Thụy Anh sáng lập), Bên phía nhà Z (biên tập viên Nguyễn Quyên),... Đó là chưa kể sự tham gia của các nhà sưu tầm và buôn bán sách cổ từng nổi danh trên các diễn đàn sưu tầm sách trong nước. Các thể loại sách được giới thiệu, bình luận trên mạng xã hội cũng hết sức đa dạng và phong phú. Thí dụ, hệ thống các trang facebook của Alphabook thường xuyên cộng tác với độc giả, người viết điểm sách ưa thích các tác phẩm thuộc thể loại phi hư cấu; Bên phía nhà Z có mối quan tâm đến dòng văn học dịch và đội ngũ dịch giả trẻ; Con lười đọc sách chuyên phê bình và trích dẫn các tác phẩm văn học kinh điển của Nhật Bản và Hàn Quốc; CLB Đọc sách cùng con hướng đến hoạt động tuyên truyền và hỗ trợ văn hóa đọc cho trẻ nhỏ; Thơ sống thơ dành riêng diễn đàn để giới thiệu, phê bình các tác phẩm, tác giả thơ mới ở Việt Nam;... Từ những hiện tượng nêu trên, có thể thấy số liệu được tổng hợp từ hệ thống thư viện, doanh số phát hành sách của các nhà xuất bản, hay quang cảnh tại các phố sách như Tràng Tiền, Nguyễn Xí, Đinh Lễ (Hà Nội), Nguyễn Văn Bình (TP Hồ Chí Minh) chưa thể phản ánh hết nhu cầu đọc nói riêng và văn hóa đọc của người Việt Nam nói chung.

Có thể thấy trong những năm qua, bên những hoạt động thúc đẩy văn hóa đọc của các cơ quan chức năng liên quan, từ sự say mê sách của mình mà nhiều cá nhân, tập thể đã sáng tạo các mô hình tự phát đến tự giác, thúc đẩy văn hóa đọc thông qua các kênh, phương tiện vốn chỉ được coi là không gian ảo dành cho các hoạt động giải trí nhẹ nhàng. Bước đầu hoạt động đánh giá, điểm sách, phê bình sách của đội ngũ này ít nhiều tạo dấu ấn trong lòng người đọc, trong đó phải kể đến: mục điểm sách và tóm tắt sách của các thành viên, cộng tác viên Trạm đọc; loạt bài giới thiệu các bản dịch hiếm và trò chuyện với dịch giả nổi tiếng: Như Mai, Đăng Thư và Hoàng Đăng Lãnh của Bên phía nhà Z... Tuy nhiên, phải nghiêm túc thừa nhận, các trang fanpage, cá nhân quảng bá, giới thiệu sách hiện nhiều về số lượng, phong phú về chủng loại, nhưng nội dung còn yếu, chưa đủ sức thuyết phục, chưa trở thành địa chỉ lựa chọn tin cậy của bạn đọc. Phần lớn đánh giá mới chỉ dừng lại ở cảm quan cá nhân, chưa có sự công tâm, khách quan như các bài điểm sách của các độc giả nước ngoài trên kênh Facebook, Youtube của họ. Thậm chí, có người mở trang điểm sách, giới thiệu sách chỉ để lấy tiếng vì nội dung các bài viết đều tổng hợp, trích dẫn, khai thác từ các bài viết khác nhưng lại không chú thích, dẫn nguồn. Một số trang như Mạng xã hội văn học, Hội thích đọc sách ngoại văn biến tướng thành các mục chia sẻ hình ảnh, trích dẫn từ các tiểu thuyết, truyện ngôn tình rẻ tiền, ngày một xa rời với tên gọi của mình. Bên cạnh đó, một bộ phận người đọc tự cho mình là đại diện cho lớp “trí thức tinh hoa” thường xuyên giới thiệu, quảng bá các đầu sách khoa học nhân văn, lịch sử, chính trị mang nhan đề giật gân, chủ đề nhạy cảm của các tác giả, học giả mà chính giới nghiên cứu Tây phương cũng phải e dè khi bàn luận. Mới đây bài viết Từ chủ nghĩa dân tộc công cụ đến chủ nghĩa dân tộc lưu manh - sự lạm dụng lòng yêu nước ở Việt Nam (Đọc hai cuốn sách Dân tộc tính và Chủ nghĩa dân tộc: Lý thuyết và so sánh và Chủ nghĩa dân tộc và nhà nước) của một người làm việc tại một viện nghiên cứu trong nước đã gây tranh cãi lớn trong cộng đồng mạng bởi cách nhìn nhận vấn đề đầy thiên kiến và ngộ nhận mà tác giả rút ra sau khi đọc các cuốn sách của hai sử gia Hoa Kỳ là P.R. Brass (PR. Bơ-rát) và J. Breuilly (J. Bơ-rây-ly). Trước đó, tác giả này cũng không ít lần bị độc giả chỉ trích vì lối làm việc “ngồi phòng máy lạnh, thông qua văn bản mà chém gió”, lắp ghép tùy tiện. Một vài người đọc khác lại giới thiệu các cuốn sách, tác giả bị cấm xuất bản tại Việt Nam; cổ xúy các hình thức vi phạm luật xuất bản, như tự xuất bản, in lậu của một số cá nhân,... gây hiểu lầm trong một bộ phận người đọc trẻ rằng, đọc sách cấm, sách bị thu hồi là… “sành điệu”! Một vấn đề khác là một số người điểm sách, giới thiệu sách trên mạng xã hội và diễn đàn điện tử đang vô tình hoặc cố tình cổ xúy cho các hình thức vi phạm bản quyền, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới tác giả, nhà xuất bản, công ty truyền thông, nhà sách ở trong nước và nước ngoài. Nhiều người trong số này tự ý thành lập, tham gia đăng tải, sao chép tác phẩm, công trình nghiên cứu nổi tiếng đưa lên internet với lý do phục vụ cộng đồng mà không hề quan tâm đến quyền lợi của tác giả, đơn vị mua bản quyền, dịch và phát hành sách ở trong nước và nước ngoài.

Trong mắt một bộ phận thuộc đội ngũ trí thức hiện nay, văn hóa đọc Việt Nam có thể vẫn chưa phát triển như kỳ vọng, nhưng qua không khí trao đổi, chia sẻ, tranh luận về sách sôi nổi trên các diễn đàn trực tuyến, blog và mạng xã hội như hiện nay, nhất là với sự tham gia tương tác của nhiều học giả cùng nhiều bạn đọc tâm huyết cho thấy, đọc sách vẫn là nhu cầu giải trí thiết yếu của nhiều người Việt Nam. Bởi vậy, những ai quan tâm văn hóa đọc hãy cùng kết nối, giới thiệu cho độc giả những cuốn sách tinh hoa của văn hóa, văn minh Việt Nam và nhân loại. Bởi văn hóa đọc là thước đo đánh giá tầm vóc tri thức của mỗi người, khi một cộng đồng, một dân tộc có nhiều người ham đọc sách thì đó là một tín hiệu đáng mừng cho sự phát triển bền vững.

Quang Minh