Sản xuất chương trình truyền hình là vấn đề sống còn của các Đài PTTH

Chính sách và chiến lược - Ngày đăng : 15:32, 22/03/2017

Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn nhấn mạnh, các Đài Phát thanh Truyền hình (PTTH) cần phải xác định rằng sản xuất chương trình là vấn đề sống còn, cốt tử của Đài trong thời gian tới.

Ngày 22/3, Bộ TT&TT đã tổ chức Hội nghị Triển khai kế hoạch công tác năm 2017 và Tổng kết phong trào thi đua khen thưởng năm 2016 lĩnh vực PTTH. Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn đã tham dự và chỉ đạo Hội nghị.

Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn phát biểu chỉ đạo Hội nghị

Chỉ đạo công tác năm 2017 lĩnh vực PTTH, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn nhấn mạnh, các Đài PTTH phải xác định sản xuất chương trình là vấn đề sống còn, cốt tử của Đài, phải thấy giá trị của nội dung chương trình để đầu tư sản xuất chương trình. Các Đài PTTH cần phải đổi mới, nâng cao chất lượng các chương trình PTTH, nhất là trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4, tăng thời lượng chương trình tự sản xuất theo hướng phát triển nội dung lành mạnh, những nội dung cho thanh thiếu niên, nhiều chương trình thuần Việt. Nếu không đổi mới nội dung,chương trình PTTH sẽ tụt hậu rất xa so với mạng xã hội.

Các đài PTTH cần bám sát, tuyên truyền các sự kiện quan trọng của đất nước và quốc tế trong năm 2017 theo các định hướng của Ban tuyên giáo, Bộ TT&TT, Hội Nhà báo Việt Nam, đặc biệt đẩy mạnh tuyên truyền bảo vệ chủ quyền biển đảo và các nhiệm vụ an ninh quốc phòng, tuyên truyền có hiệu quả việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, và các cuộc vận động khác của Đảng, Nhà nước và Mặt trận tổ quốc... Các Đài cũng cần tập trung: Xây dựng các chương trình, chuyên trang về những nhân tố, điển hình tiên tiến mới, các tấm gương người tốt việc tốt;  Xây dựng nông thôn mới và đấu tranh vạch mặt các thế lực thù địch. Hiện nay những công tác này mới chỉ một số đài lên tiếng đơn lẻ…

Toàn cảnh Hội nghị

Các Đài liên kết xây dựng chương trình phong phú nhưng đài phải tự chủ nắm quyền kiểm soát, phải quyết định nội dung phát sóng, không được làm ảnh hưởng tiêu cực đến tính định hướng nội dung thông tin… Hoạt động liên kết chương trình cần tuân thủ Luật báo chí 2016 và các Nghị định, Thông tư hướng dẫn. Tránh tính trạng biến liên kết thành bán sóng, bán kênh truyền hình để tư nhân chi phối, thao túng các chương trình.

Các Đài PTTH chủ động rà soát chương trình quảng cáo theo đúng quy định, giảm thời lượng phim nước ngoài, thực hiện đúng lộ trình đến năm 2020 các đài tự chủ về tài chính, tiếp tục thực hiện Quy hoạch truyền dẫn PTTH đến năm 2020 và Đề án số hóa truyền hình mặt đất đến năm 2020.

Năm 2017, Bộ trưởng yêu cầu lĩnh vực PTTH chung sức, đồng lòng để thực hiện tốt công tác tuyên truyền sự chỉ đạo, điều hành lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, xây dựng lòng tin của nhân dân đối với các quyết sách của Đảng, Nhà nước. Cán bộ lĩnh vực PTTH khắc phục, hạn chế tối đa yếu kém để đáp ứng công tác tuyên truyền, thực sự là người lính xung kích trên mặt trận tư tưởng.

Bộ trưởng Trương Minh Tuấn trao Cờ thi đua và Bằng khen của Bộ TT&TT cho các tập thể và cá nhân dẫn đầu phong trào thi đua năm 2016

Tại Hội nghị, ông Nguyễn Thanh Lâm, Cục trưởng Cục PTTH&TTĐ khẳng định năm 2016, các đài PTTH hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích; bám sát thực tiễn đời sống xã hội, thực hiện tốt nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu tiếp nhận thông tin của nhân dân. Đa số các Đài PTTH địa phương đã có sự đầu tư nâng cao chất lượng các chương trình, mở mới và tăng thời lượng phát sóng chương trình PTTH. Đặc biệt, trong năm 2016 nhiều đài chú trọng đầu tư nâng cao chất lượng các chương trình tin tức, thời sự được khán thính giả đón nhận, đánh giá cao.

Các đài PTTH đã bám sát định hướng, chỉ đạo, chủ động xây dựng kế hoạch tuyên truyền, thông tin sâu rộng, thường xuyên, có hệ thống và hiệu quả, góp phần vào thành công chung của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng; cuộc bầu cử Đại biểu quốc hội khóa XIV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 – 2021; tích cực tuyên truyền đưa Nghị quyết Đại hội XII của Đảng vào cuộc sống; tuyên truyền đậm nét các Nghị quyết của Đại hội, Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ…

Theo Cục PTTH&TTĐT, hiện cả nước có 67 đài PTTH trung ương và địa phương, bao gồm: 02 Đài quốc gia là Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam; 01 Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC; 64 Đài PTTH địa phương (gồm 62 đài phát thanh, truyền hình của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; riêng TP. Hồ Chí Minh có hai đài: Đài Truyền hình TP. Hồ Chí Minh và Đài Tiếng nói nhân dân TP. Hồ Chí Minh).

Có 05 đơn vị hoạt động truyền hình không có hạ tầng phát sóng truyền hình riêng, bao gồm: Đài Tiếng nói Việt Nam (Kênh Truyền hình VOV TV, Kênh Truyền hình Quốc hội); Trung tâm PTTH, Điện ảnh Công an nhân dân của Bộ Công an (Kênh Truyền hình Công an nhân dân ANTV); Trung tâm Truyền hình thông tấn- TTXVN (Kênh VNews); Trung tâm PTTH Quân đội (Kênh Truyền hình Quốc phòng); Báo Nhân dân (Kênh Truyền hình Nhân dân). 03 đơn vị có chương trình truyền hình phát sóng trên Đài Truyền hình quốc gia VTV, gồm: Trung tâm Truyền hình nhân đạo (Chương trình Truyền hình Nhân đạo); Trung tâm Truyền thông - Truyền hình Công thương (Chương trình Truyền hình Công thương); Trung tâm vận động truyền thông xã hội, Cục Bảo trợ chăm sóc trẻ em- Bộ Lao động, Thương Binh và Xã hội (Chương trình Truyền hình Vì trẻ em).

Triển lãm giới thiệu thiết bị, công nghệ truyền dẫn phát sóng của một số doanh nghiệp tại Hội nghị

Tổng số kênh PTTH trong nước đã được cấp phép là 268 kênh, trong đó: Kênh phát thanh phát quảng bá: 77 kênh; kênh phát thanh phát trên dịch vụ truyền hình trả tiền: 9 kênh; kênh truyền hình phát quảng bá: 103 kênh; kênh truyền hình sản xuất phục vụ truyền hình trả tiền: 79 kênh (tăng 4 kênh so với 2015); 50 kênh chương trình nước ngoài được cấp phép biên tập (trong đó, mới có 43/50 kênh chính thức phát sóng trên truyền hình trả tiền Việt Nam). Tuy nhiên các kênh truyền hình nước ngoài không vượt quá 30% trên tổng số kênh cung cấp của từng hệ thống dịch vụ truyền hình trả tiền theo quy định.

Về dịch vụ truyền hình trả tiền, hệ thống truyền hình trả tiền ở Việt Nam phát triển rất mạnh trong những năm qua bằng nhiều loại công nghệ truyền dẫn: cáp, vệ tinh, số mặt đất và công nghệ IPTV, PTTH trên mạng Internet.

Năm 2016, cả nước có 30 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền (giảm 4 DN so với năm 2015 và thêm 1 DN mới năm 2016 là VNPT Technology). Theo báo cáo của các DN, tổng doanh thu năm 2016 ước đạt 12.000 tỷ đồng, số lượng thuê bao đạt khoảng 12,5 triệu thuê bao.

Đời sống vật chất của người dân không ngừng được nâng lên, sự phát triển mạnh mẽ của khoa học và công nghệ tạo điều kiện cho lĩnh vực PTTH phát huy được lợi thế về loại hình, liên tục đổi mới, nâng cao chất lượng chương trình, tăng cường hoạt động hợp tác. Tuy vậy, về cơ bản, năm 2016, các đài PTTH nói riêng và ngành PTTH nói chung vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.

Tổng doanh thu năm 2016 của các đài PTTH ước đạt 10.867 tỷ đồng, có sự giảm sút do nguồn thu từ quảng cáo bị ảnh hưởng bởi sự cạnh tranh của các loại hình báo chí, các loại hình truyền thông xã hội như mạng xã hội, trang thông tin điện tử, ứng dụng trên mạng… đồng thời áp lực cạnh tranh giữa các kênh truyền hình, giữa các đài truyền hình ngày càng tăng cao. Theo số liệu báo cáo, năm 2016 có 27/66 đài bị sụt giảm về doanh thu; 32/66 đài tăng doanh thu và 7/66 đài tăng trưởng bằng năm 2015. Tính đến hết năm 2016, tổng số nhân sự của ngành PTTH ước khoảng 15.600 người, trong đó 6.685 người đã được cấp thẻ nhà báo.

Lan Phương - Mạnh Vỹ