Trường học vùng cao mong có những chiếc máy vi tính

Chính phủ số - Ngày đăng : 12:50, 13/03/2017

Đó là mong muốn của các thầy cô giáo tại trường Phổ thông Dân tộc bán trú tiểu học Nậm He, xã Mường Tùng, huyện Mường Chà, tỉnh Điện Biên.

Chúng tôi có dịp đến với các em tiểu học nơi đây vào đầu tháng 3 này. Trường tiểu học bán trú dân nuôi Nậm He hiện dạy học và chăm sóc cho hơn 300 em học sinh tiểu học, đa số các con em các gia đình vùng sâu, xa của các hộ nghèo, cận nghèo. Trường có 1 điểm trường Trung tâm và 13 điểm trường lẻ. Các điểm trường lẻ nằm cách điểm trung tâm hàng chục cây số đường núi.

Đầu năm mới này, nhà trường đã có thêm một số thầy cô giáo rất trẻ về dạy học, trong đó có cô giáo Lù Thị Mắn mới về dạy tin học tại trường từ đầu tháng 2/2017.  Mắn mới tốt nghiệp Đại học Tây Bắc vào tháng 6/2016, chuyên ngành sư phạm Tin.

Mắn sinh ra và lớn lên tại huyện vùng cao Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La, thuộc Tây Bắc, nên Mắn luôn khát khao truyền kiến thức mình đã học được cho các em học sinh trên chính vùng cao nơi đây. Mắn chia sẻ giản dị: "Học xong em muốn được đi dạy học ngay, để giúp các em biết đến máy tính, biết sử dụng để rồi tiếp cận với công nghệ thông tin đã và đang mang lại những cơ hội to lớn cho mỗi người". Tuy nhiên, mơ ước này của cô giáo trẻ vẫn chưa thể thực hiện bởi cơ sở vật chất còn thiếu thốn, lớp học còn đơn sơ nên máy tính dành cho các em có lẽ vẫn còn là xa.

Những lớp học đơn sơ

Hiện tại, cô giáo Lù Thị Mắn mới chỉ hướng dẫn các thầy cô giáo trong trường sử dụng một số phần mềm hỗ trợ giảng dạy như là Violet, LectureMaker,.. để làm bài giảng sinh động giúp cho học sinh thêm hứng thú học tập. Đồng thời, Mắn cho biết, em sẽ học hỏi thêm chuyên môn để có thể hỗ trợ nhà trường nhiều hơn nữa trong dạy và học.

Trao đổi với PV Tạp chí CNTT&TT, cô Nguyễn Thị Đức, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, là trường bán trú dân nuôi nhưng hầu hết cơ sở vật chất tối thiểu, gạo cho các cháu được nhà nước hỗ trợ. Hiện sách vở, gạo ăn cho các em đã được nhà nước cấp tương đối đầy đủ. Về cơ sở vật chất, cô Đức chỉ cho chúng tôi một khu nhà nhỏ xây theo kiểu nhà “3 cứng” đó là nền cứng, khung cứng, mái cứng, được các thầy cô giáo của nhà trường đóng góp vừa xây dựng xong. Xung qua khu nhà nhỏ mới này là các lớp học còn khá đơn sơ.

"Nhà trường vẫn rất cần thêm những sự ủng hộ về vật chất, nhu yếu phẩm và những chiếc máy vi tính để các em có điều kiện được tiếp xúc với những điều mới mẻ mà máy tính và Internet có thể mang lại", cô Đức chia sẻ.

Những gương mặt thơ ngây

Theo cô Đức, trường đang chuẩn bị giảng dạy theo mô hình trường học mới VNEN của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Đây là mô hình sư phạm nhằm xây dựng mô hình nhà trường tiên tiến, hiện đại, phù hợp với mục tiêu phát triển và đặc điểm của giáo dục Việt Nam. Học sinh sẽ được rèn các kĩ năng tham gia, hợp tác trong các hoạt động và thậm chí có thể tự tổ chức các hoạt động nên rất cần các công cụ giảng dạy, học tập như máy vi tính để hỗ trợ.

Tại trường, hiện nay các thầy cô giáo đã có thể truy cập Internet và sử dụng thư điện tử nhờ sóng 3G của Vinaphone nhưng đường truyền cũng rất giới hạn bởi bị che chắn do nằm trong vùng núi cao bao quanh.

Cô giáo Ngô Thị Hồng Tuyên, người Phú Thọ cũng mới lên nhận công tác tại trường, giảng dạy môn âm nhạc cho các em cũng chia sẻ khó khăn về đường truyền Internet này. Cô vẫn luôn truy cập Internet để tải về các bản nhạc về quê hương đất nước, bản nhạc mới để các em được tiếp cận và truyền cảm hứng cho các em học sinh thân yêu.

Vui chơi trong nắng ấm

Chia sẻ thêm, cô Nguyễn Thị Đức cho biết việc hỗ trợ cơ sở vật chất sẽ giúp các em học sinh của nhà trường có đẩy đủ điều kiện học tập được tốt hơn, cán bộ giáo viên nhà trường yên tâm công tác, cống hiến cho sự nghiệp giáo dục của xã nhà.

Và mong ước đó của các thầy cô giáo trường tiểu học vùng cao, tôi xin được chia sẻ để trường học nơi vùng cao Tây Bắc này có thêm sự hỗ trợ.

Lan Phương - Mạnh Vỹ