Thúc đẩy hợp tác xuất bản với Frankfurt Book Fair

Hội nhập - Ngày đăng : 09:25, 03/03/2017

Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn và Chủ tịch Frankfurt Book Fair, ông Juergen Boos đã thống nhất thúc đẩy hợp tác chặt chẽ trong các hoạt động xuất bản trong thời gian tới.

Ngày 2/3, Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn đã có buổi làm việc với Chủ tịch Frankfurt Book Fair, ông Juergen Boos, về hợp tác trong hoạt động xuất bản và thảo luận về khả năng Việt Nam trở thành khách mời danh dự của Hội chợ sách tại Frankfurt vào năm 2021. Cùng dự có bà Claudia Kaiser, Phó Chủ tịch Frankfurt Book Fair và các cơ quan liên quan thuộc Bộ TT&TT.

Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn tiếp ông Juergen Boos, Chủ tịch Frankfurt Book Fair.

Bộ trưởng Trương Minh Tuấn đã chào mừng ông Juergen Boos và bà Claudia Kaiser tới làm việc tại Bộ TT&TT và trao đổi về tình hình xuất bản của Việt Nam. Năm 2013, Luật Xuất bản ra đời, hoạt động xuất bản tiếp tục được chú trọng. Hiện nay, Việt Nam có 60 nhà xuất bản (NXB) thuộc sở hữu Nhà nước, được tổ chức hoạt động theo 2 loại hình là đơn vị sự nghiệp công lập (44 NXB) và công ty TNHH một thành viên 100% vốn nhà nước (16 NXB). Ngành Xuất bản Việt Nam đã có bước phát triển đáng kể về cơ cở vật chất - kỹ thuật, công nghệ cũng như nguồn nhân lực và cơ chế hoạt động, huy động mọi nguồn lực của xã hội để phát triển; tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm 15 - 20% về số bản sách,  từ 8-10% về số đầu sách, 10-15% về trang in.

Trong quá trình phát triển, hoạt động xuất bản Việt Nam đã có sự chủ động hội nhập với nền xuất bản tiên tiến, hiện đại trong khu vực và thế giới. Việt Nam đã trở thành thành viên của Tổ chức mã số sách ISBN, Hiệp hội Xuất bản Châu Á - Thái Bình Dương. Ngành Xuất bản tiếp tục hợp tác với các nước đối tác truyền thống như Lào, Liên bang Nga, Cu Ba, Trung Quốc, Mỹ, Đức, Nhật Bản, Ấn Độ... trong các hoạt động giới thiệu, quảng bá xuất bản phẩm Việt Nam.

Các hoạt động về quảng bá xuất bản phẩm tại Việt Nam trong những năm gần đây được diễn ra trên phạm vi rộng, mang lại nhiều hiệu ứng tốt với người đọc như: Hội chợ sách quốc tế Việt Nam, Hoạt động kỷ niệm ngày sách Việt Nam tại các tỉnh thành trên toàn quốc, các hoạt động Đường sách – Phố sách tại các tỉnh thành lớn (Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng), Hội sách mùa thu. Đại diện của Frankfurt Book Fair đã từng tham gia Hội chợ sách quốc tế Việt Nam 2010 và phối hợp với Cục Xuất bản tổ chức Hội thảo về mô hình xuất bản Đức trong nền kinh tế thị trường và công nghệ số. Về hợp tác bản quyền trong lĩnh vực xuất bản, đến nay đa số các NXB, các công ty liên kết xuất bản đã rất chủ động, nỗ lực khảo sát nhu cầu thị trường Việt Nam, thương thảo với các công ty xuất bản các nước để mua bản quyền xuất bản sách. 

Tại Hội chợ sách quốc tế ở Frankfurt hàng năm, Việt Nam đã tổ chức gian hàng giới thiệu xuất bản phẩm Việt Nam bằng các thứ tiếng Anh, Pháp, Tây Ban Nha, song ngữ Anh Việt, tiếng Việt. Mặc dù diện tích gian hàng nhỏ nhưng Việt Nam luôn cố gắng để thiết kế, trưng bày gian hàng ấn tượng, mang đậm bản sắc Việt Nam với họa tiết hoa sen, nón lá, cây tre… tùy từng năm. Gian hàng Việt Nam tại Hội chợ sách còn là nơi gặp gỡ của Việt Nam với các hiệp hội xuất bản, các doanh nghiệp xuất bản Việt Nam với đối tác của họ tại hội chợ để giao dịch mua bán bản quyền và xuất nhập khẩu sách.

Chủ tịch Frankfurt Book Fair, ông Juergen Boos, đánh giá cao sự coi trọng các hoạt động xuất bản tại Việt Nam, đặc biệt Việt Nam đã tổ chức được các phố sách là nơi không chỉ giới thiệu sách mà còn tổ chức các hoạt động giao lưu về sách…. Đây là hoạt động ấn tượng và đáng chú ý không phải quốc gia nào cũng có hoạt động này. Sách là ngôn ngữ, là vấn đề quốc tế cần phải được giao lưu, trao đổi kinh nghiệm. Kể từ năm 2005, công nghệ làm sách đã có nhiều thay đổi nên việc trao đổi những điểm mới nhất là rất cần thiết.

Việt Nam là quốc gia có dân số lớn thứ 14 trên thế giới nên gian hàng sách của Việt Nam tại Hội chợ sách tại Frankfurt cần phải được mở rộng hơn. Phía Đức sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam hiện diện tại Hội chợ và với tư cách khách mời danh dự. Hội chợ sách tại Frankfurt không chỉ là cơ hội giới thiệu sách mà còn là nơi để các tác giả giới thiệu sách, các nhà thiết kế giao lưu học hỏi, có các hoạt động giới thiệu về văn hóa, ẩm thực, trình chiếu phim ảnh, truyền hình … Hội chợ sách Frankfurt hàng năm đón khoảng 200 tập đoàn sách và liên quan đến sách đến để ký các hợp đồng và khoảng 150 lãnh đạo các quốc gia đến tham dự. Bên cạnh đó, Hội chợ sách còn tổ chức các hoạt động về sách tại các nước trên thế giới về đào tạo, phát triển thị trường, mua bán bản quyền nội dung sách.

Cũng tại buổi tiếp, bà Claudia Kaiser, Phó Chủ tịch Frankfurt Book Fair, cho biết thêm: Hội chợ còn tập trung vào việc sử dụng tối đa nội dung sách, đó là bán nội dung sách để sử dụng vào các công tác nghệ thuật, bảo tàng, ẩm thực… Hội chợ sách Frankfurt năm 2017 được tổ chức vào  tháng 10 tới mong muốn kết nối các nước ASEAN qua một không gian chung. ASEAN là khu vực đang được quan tâm bởi các nước ASEAN là nơi mua bản quyền sách lớn.

Bà Claudia bày tỏ mong muốn hỗ trợ Việt Nam trong biên dịch và bán bản quyền sách Việt Nam ra thế giới nhiều hơn. Kế hoạch hoạt động của Frankfurt Book Fair,trong năm 2017 tại khu vực châu Á và Việt Nam là sẽ tổ chức liên kết đào tạo các các biên tập viên xuất bản của Việt Nam và các biên tập viên xuất bản ASEAN sang Đức vào tháng 6/2017 và tổ chức một hội nghị phát triển thị trường tại Singapore vào tháng 11.

Bộ trưởng Trương Minh Tuấn đã nhất trí với các kế hoạch hợp tác của Frankfurt Book Fair với ngành Xuất bản của Việt Nam và giao cho các đơn vị liên quan của Bộ như Vụ Hợp tác quốc tế, Cục Xuất bản phối hợp tổ chức, tham gia và mong muốn Frankfurt Book Fair sẽ phát triển lên tầm cao mới, đóng góp vào sự phát triển của nhân loại.

Lan Phương