Nghị quyết 36a: 31/73 nhiệm vụ cụ thể đã hoàn thành

Xu hướng - Dự báo - Ngày đăng : 11:45, 08/02/2017

Theo báo cáo của Văn phòng Chính phủ về tình hình thực hiện Nghị quyết số 36a/NQ-CP của Chính phủ về Chính phủ điện tử năm 2016, 31/73 các nhiệm vụ cụ thể được giao tại Nghị quyết 36a được đánh giá là đã hoàn thành, đạt tỷ lệ 42%.

Đa phần các cơ quan đã hoàn thành một số nhiệm vụ được giao cụ thể trong Nghị quyết 36a, nhưng có 6/23 cơ quan chưa hoàn thành bất cứ nhiệm vụ được giao.

Trong đó, cơ bản hoàn thành kết nối, liên thông các hệ thống quản lý văn bản của các bộ, ngành, địa phương với Văn phòng Chính phủ. Cụ thể, đã có 26/30 bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoàn thành kết nối liên thông phần mềm quản lý văn bản tới Văn phòng Chính phủ, hình thành một hệ thống quản lý văn bản điện tử thống nhất, thông suốt từ trung ương đến địa phương, cho phép tự động nhận biết được trạng thái xử lý văn bản giữa các cơ quan.

Ngoại trừ Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và Ban Quản lý lăng Chủ tịch  Hồ Chí Minh là 3 cơ quan đặc thù, đang nghiên cứu phương án kết nối riêng để bảo đảm an toàn, an ninh thông tin, còn lại Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia chưa hoàn thành kết nối, liên thông phần mềm quản lý văn bản với Văn phòng Chính phủ.

Văn phòng Chính phủ đang phối hợp với Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh hoàn thiện liên thông văn bản điện tử từ trung ương đến cấp tỉnh, trong đó có sử dụng chữ ký số trong việc gửi/nhận văn bản điện tử, làm cơ sở cho nhân rộng ra toàn quốc.

Văn phòng Chính phủ cũng đang triển khai tích hợp thông tin kết quả thực hiện ý kiến chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ (theo Quy chế được ban hành kèm theo Quyết định số 42/2014/QĐ-TTg ngày 27/7/2014 của Thủ tướng Chính phủ) lên hệ thống kết nối liên thông cập nhật tình hình, theo dõi kết quả một cách tự động và trực tuyến.

100% địa phương đã công khai tiến độ xử lý hồ sơ

Đã có 63/63 tỉnh, thành phố và 19/30 bộ ngành đã công khai tiến độ xử lý hồ sơ trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ.

Ngoại trừ Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh là 3 cơ quan đặc thù, các cơ quan sau đây chưa công khai tiến độ xử lý hồ sơ trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ: Thanh tra Chính phủ, Đài Tiếng nói Việt Nam, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam và Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.

Văn phòng Chính phủ đã hoàn thành xây dựng Đề án thiết lập Cổng dịch vụ công Quốc gia và gửi Bộ Thông tin và Truyền thông, đề xuất nguồn kinh phí từ Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam để triển khai thực hiện. Hiện tại, hệ thống thử nghiệm Cổng dịch vụ công Quốc gia đã tích hợp một số dịch vụ công mức độ 3, 4 từ một số bộ, ngành, địa phương lên hệ thống   thử nghiệm.

Về tình hình thực hiện 82 dịch vụ công trực tuyến của các Bộ, ngành Trung ương được ban hành trong Danh mục các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 thực hiện năm 2016, đã có 63/82 dịch vụ công trực tuyến đã triển khai theo Danh mục, đạt tỷ lệ 77%.

Ngoài ra cũng đã bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách về tài chính, đầu tư trong lĩnh vực công nghệ thông tin.

Theo Chỉ số phát triển Chính phủ điện tử (E-Government Development Index – EGDI) công bố tháng 7 năm 2016 (thực trạng 2013 – 2015) của Liên Hợp Quốc, Việt Nam xếp thứ 89 trên thế giới – tăng 10 bậc so với xếp hạng năm 2014; xếp thứ 6 trong khối các nước Đông Nam Á, đứng sau các nước: Singapore, Malaysia, Thái Lan, Philippines và Brunei.

Trong đó, so với xếp hạng năm 2014: Chỉ số thành phần về cung cấp dịch vụ công trực tuyến tăng; các chỉ số thành phần về hạ tầng viễn thông và về nguồn nhân lực giảm.

Hoàng Diên