Nhiều tờ báo chỉ khai thác mặt trái của xã hội để “câu view”
Xu hướng - Dự báo - Ngày đăng : 21:24, 29/12/2016
Sáng nay (29/12), tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội Nhà báo Việt Nam, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp tổ chức Hội thảo quốc gia với chủ đề “Báo chí 30 năm đổi mới – những vấn đề lý luận và thực tiễn”.
Nhà báo Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam khẳng định: Nhìn lại chặng đường 30 năm đổi mới, chúng ta có quyền tự hào về những đóng góp rất quan trọng của báo chí cách mạng Việt Nam đối với công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Hội thảo thu hút đông đảo các nhà quản lý, lãnh đạo các cơ quan báo chí và các nhà báo trong cả nước
Tuy nhiên, bên cạnh đó, báo chí cũng bộc lộ một số khuyết điểm, yếu kém; đồng thời đang phải đối mặt với những khó khăn, thách thức rất gay gắt cần được tập trung khắc phục, tháo gỡ.
Báo chí ngại thông tin, mạng xã hội sẽ “nói hộ”
Các tham luận nhấn mạnh tới công tác chỉ đạo, quản lý báo chí truyền thông. Theo đó, trước yêu cầu mới của cách mạng, tăng cường công tác quản lý, phát huy vai trò của báo chí là yêu cầu khách quan, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Bài viết “Nhận diện nguy cơ “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong lĩnh vực báo chí” của TS. Trương Minh Tuấn, Bộ trưởng Bộ Thông tin – Truyền thông đã giúp người làm nghề và công chúng giải đáp một số thắc mắc, hiểu rõ hơn về những thách thức của báo chí trong thời đại bùng nổ thông tin như hiện nay.
Ông Trương Minh Tuấn cho rằng, thành tựu 30 năm đổi mới có đóng góp quan trọng của báo chí, đó là điều không thể phủ nhận. Tuy nhiên, đã và đang có một bộ phận người làm báo và cơ quan báo chí bộc lộ không ít tiêu cực, hoặc đang có dấu hiệu thể hiện khuynh hướng lệch lạc, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” có thể gây tác động khôn lường.
Tiếp cận ở góc độ rất cụ thể đối với việc đề cao vai trò và trách nhiệm của các phương tiện thông tin đại chúng đối với việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ - Tổng Giám đốc Đài TNVN cho rằng, ngôn ngữ báo chí phải đảm bảo tính chính xác, nhanh nhạy, đầy đủ và đương nhiên phải trung thực, khách quan.
PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ - Tổng Giám đốc Đài TNVN trình bày tham luận tại Hội thảo
Để đạt được các yêu cầu này, rất cần đến tư duy, năng lực, trình độ, kỹ năng của người làm báo; trong đó có trình độ, kỹ năng về ngôn ngữ. Coi trọng việc sử dụng tiếng Việt, giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt trên các loại hình, phương tiện truyền thông, mỗi cơ quan báo chí nên có một bộ phận thường xuyên chăm lo trau dồi ngôn ngữ trên các các phương tiện truyền thông của mình.
Ông Nguyễn Thế Kỷ cũng nhấn mạnh, trong bối cảnh mạng xã hội đã và đang trở thành một đối thủ “đáng gờm” của báo chí truyền thống, hoạt động báo chí ngày càng khó khăn, phức tạp, đặt ra yêu cầu cấp thiết phải tiếp tục không ngừng đổi mới. “Nhiều cái chúng ta ngại nói, ngại thông tin trên báo chí chính thống thì mạng xã hội sẽ “nói hộ”, thậm chí nói sai, nói theo kiểu vu khống.
Tình hình vừa nêu đặt ra yêu cầu cấp thiết là phải không ngừng đổi mới, nâng cao năng lực, bản lĩnh, chất lượng, hiệu quả công tác lãnh đạo của Đảng, sự quản lý Nhà nước đối với báo chí; đối với nội dung, tư duy, phong cách và phương thức lãnh đạo của Đảng đối với các cơ quan báo chí, đối với nội dung, tư duy, phong cách và phương thức lãnh đạo của Đảng đối với cơ quan báo chí” – Tổng Giám đốc Đài TNVN nói.
Cảnh báo về sa sút đạo đức nghề báo
Hội thảo cũng thừa nhận, trong những năm qua, vấn đề vi phạm đạo đức nghề nghiệp của nhà báo luôn là chủ đề được dư luận xã hội, đặc biệt là các cấp hội cũng như các cơ quan báo chí quan tâm. Những biểu hiện tiêu cực về đạo đức báo chí không những không thuyên giảm, mà đang có xu hướng tăng lên, gây tổn hại nghiêm trọng đến lòng tin của người dân đối với báo chí và sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước.
Nhà báo Phan Quang, nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo Việt chỉ rõ: “Không ít người làm báo xa rời tôn chỉ, mục đích cơ quan mình làm việc, nhận lương của báo này nhưng làm cho báo khác là chính. Đáng quan tâm là nhận thức chưa đúng về tự do ngôn luận, phát ngôn thiếu thận trọng, sử dụng không kiểm tra nguồn tin từ mạng xã hội…”.
Nhà báo Nguyễn Vân Chương, Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Điện Biên thừa nhận, nhiều tờ báo chỉ chăm chăm khai thác mặt trái của xã hội, cùng cách rút tít, viết sa pô và trình bày đậm nét những nội dung này, đã khiến một bộ phận công chúng lầm tưởng đó là bản chất của xã hội.
Thượng tá Nguyễn Văn Hải – Báo Quân đội nhân dân cảnh báo đã và đang xuất hiện một số người làm báo lạm dụng quyền hạn nghề báo, bất chấp đạo đức nghề nghiệp để háo danh, trục lợi; làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự, uy tín báo giới và gây mất niềm tin trong công chúng, xã hội.
Nhiều cơ quan báo chí và nhà báo đã bị cơ quan chức năng đình chỉ hoạt động, thu hồi thẻ nhà báo, bị xử lý kỷ luật ở các mức độ khác nhau. Điều này đã gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh về sự sa sút đạo đức nghề nghiệp rất đáng báo động và không thể xem thường.
Bên cạnh đó, các nhà báo đều chung quan điểm, trong kỷ nguyên bùng nổ thông tin, việc nắm bắt những thông tin nhanh, sắc bén luôn là yếu tố quan trọng hàng đầu quyết định đến sự sống còn của mỗi cơ quan báo chí. Để nâng cao trách nhiệm cũng như đạo đức báo chí, quan trọng nhất là người làm báo phải có lập trường, tư tưởng vững vàng, có óc phân tích vấn đề và sự khéo léo để truyền tải thông tin một cách đúng mực, hấp dẫn và có lợi cho xã hội./.