Bộ Tem đờn ca tài tử gợi nhớ Nỗi nhớ quê hương miền Tây Nam Bộ
Chuyển đổi số - Ngày đăng : 22:00, 12/12/2016
Đờn ca tài tử Nam Bộ là di sản văn hóa phi vật thể thứ tám của Việt Nam được UNESCO công nhận là di sản văn hóa đại diện của nhân loại và được bảo vệ ở cấp độ quốc tế, thể hiện sự trân trọng và ngưỡng mộ của cộng đồng quốc tế đối với loại hình nghệ thuật độc đáo này của Việt Nam. Bởi vì phạm vi của nghệ thuật này tương đối nhỏ, chủ yếu trong sinh hoạt gia đình, tại đám cưới, đám giỗ, sau khi thu hoạch mùa vụ, và thường được biểu diễn vào những đêm trăng sáng ở xóm làng. Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại này được công nhận vào ngày 5 Tháng Mười Hai, 2013.
Soạn giả Yên Lang, chia sẻ: “Nhạc tài tử bắt nguồn từ đâu, bây giờ chưa ai xác định rõ ràng được, và chưa có quyển sách nào tra cứu một cách minh bạch được. Chỉ biết rằng vào khoảng thời gian vua Hàm Nghi rời kinh thành để kêu gọi kháng chiến chống thực dân Pháp thì có một số trung thần theo vua, trong đó có ông Nguyễn Quang Đại, tự Ba Đợi, là một người coi về nhạc lễ của triều đình Huế. Ông vào định cư ở Đồng Nai, rồi sau về miệt Cần Giuộc, Cần Đước lập đội cổ nhạc để tập luyện”.
Bằng điệu đờn, tiếng hát, loại hình sinh hoạt văn hóa này gắn kết cộng đồng thông qua thực hành và sáng tạo nghệ thuật, trên cơ sở nhạc Lễ, nhạc Cung đình triều Nguyễn và âm nhạc dân gian miền Trung, miền Nam, nên vừa có tính bình dân, vừa mang tính bác học. Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ không ngừng được sáng tạo nhờ tính “ngẫu hứng”, “biến hóa lòng bản” theo cảm xúc, trên cơ sở của 20 bài gốc (bài Tổ) và 72 bài nhạc cổ. Nhạc cụ tham gia trình diễn gồm: đàn kìm, đàn tranh, đàn tỳ bà, đàn bầu, đàn cò, sáo, tiêu, song loan và hai nhạc cụ của phương Tây là violon và ghi ta, đã được "cải tiến" - violon được lên dây quãng 4, còn ghita được khoét phím lõm, để tăng sự nhấn nhá trong điệu đàn.
Thông qua việc thực hành Đờn ca tài tử Nam Bộ, cộng đồng còn góp phần giới thiệu, bảo tồn và phát huy các tập quán xã hội khác liên quan, như: lễ hội, văn hóa truyền khẩu, nghề thủ công,… Đến nay, Đờn ca tài tử Nam Bộ vẫn được thực hành ở mọi lúc, mọi nơi: trong lễ hội, ngày giỗ, cưới, sinh nhật, họp mặt,… Khán giả có thể cùng tham gia thực hành, bình luận và sáng tạo lời mới. Lễ giỗ Tổ vẫn được duy trì vào ngày 12 tháng 8 Âm lịch hằng năm. Đối với người phương Nam, Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ là một loại hình sinh hoạt văn hóa tinh thần không thể thiếu và là di sản văn hóa phi vật thể quý giá của cộng đồng. Hoạt động văn hóa cộng đồng này đang góp phần phục vụ du lịch bền vững ở địa phương, duy trì sự đa dạng văn hóa của quốc gia và quốc tế.
Với ý nghĩa tiêu biểu của văn hóa và con người miền Nam, cùng những đặc trưng trong giai điệu, ca từ và lối biểu diễn, hòa quyện vào trang phục dân gian miền Nam, mà mỗi ngừoi con vùng đất Nam bộ đi xa, sẽ nhớ về quê hương đến da diết khi nhớ về đờn ca tài tử Nam bộ.
Họa sĩ Vũ Kim Liên của Tổng công ty Bưu điện Việt Nam đã thiết kế, gồm 3 mẫu tem và 1 bloc tem, giới thiệu nét đặc trưng văn hóa dân gian vùng sông nước Tây Nam Bộ. Mẫu 1 là không gian trình diễn tại miệt vườn; Mẫu 2 là không gian trình diễn trên sông nước; Mẫu 3 là không gian trình diễn ở đình chùa. Bloc của bộ tem là hình ảnh không gian trình diễn ở sân nhà. Các mẫu tem cũng thể hiện các hình ảnh trang phục và các loại nhạc cụ đặc trưng như áo bà ba đen, khăn rằn, đàn tranh, sáo, nguyệt, nhị, đàn bầu, ghi ta phím lõm và đàn tì bà.