Việt Nam – Hoa Kỳ tổ chức tọa đàm hợp tác phát triển cơ sở hạ tầng và đô thị thông minh
Diễn đàn - Ngày đăng : 15:43, 24/11/2016
Về phía Việt Nam có đại diện các Cục, Vụ liên quan trực thuộc Bộ TT&TT, đại diện các doanh nghiệp viễn thông, CNTT. Về phía Hoa Kỳ có sự tham dự của đại diện 31 doanh nghiệp, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực CNTT-TT.
Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng phát biểu tại Tọa đàm
Phát biểu tại Tọa đàm, Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng nhận định, xây dựng và phát triển thành phố thông minh (smart city) đang trở thành chủ đề nóng trên thế giới và tại Việt Nam trong những năm gần đây. Chính sự phát triển mạnh mẽ của quá trình đô thị hóa đã kéo theo những thách thức như: gia tăng dân số kèm theo tình trạng dân số già, thách thức về môi trường, xu thế cắt giảm ngân sách, yêu cầu về chăm sóc sức khỏe và sự phát triển bền vững… Tất cả những thách thức đó đã tạo áp lực buộc quá trình đô thị hóa phải điều chỉnh để tiến tới hình thành những thành phố đáng sống hơn, phát triển bền vững hơn. Các thách thức trên buộc quá trình đô thị hóa phải xử lý bởi những giải pháp “thông minh”. Một trong những yếu tố quan trọng cho quá trình dịch chuyển này chính là CNTT-TT.
Về phía Bộ TT&TT, từ đầu năm 2016, Bộ đã đẩy mạnh hợp tác quốc tế học tập kinh nghiệm phát triển các đô thị tiên tiến, xây dựng mô hình đô thị thông minh phù hợp với Việt Nam, đánh giá các nền tảng công nghệ quan trọng, các bộ tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật CNTT và rà soát hiện trạng ứng dụng CNTT-TT để đánh giá các điều kiện cần thiết tiến tới xây dựng thành phố thông minh. Đồng thời, một số địa phương trên cả nước như Hà Nội, Thừa Thiên Huế, Lâm Đồng, TP.HCM, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh… đã bắt tay vào việc xây dựng và phê duyệt các đề án, quy hoạch phát triển đô thị thông minh.
Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng đề nghị các đại biểu Hoa Kỳ và Việt Nam tham gia Tọa đàm cùng thảo luận một số vấn đề cấp thiết như: Thách thức của các đô thị Việt Nam hiện nay là gì? Giao thông, y tế, ô nhiễm môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, giáo dục và môi trường học tập, môi trường kinh doanh đối với doanh nghiệp? Mật độ dân số cao chỉ là vấn đề riêng của Hà Nội và TPHCM, Thứ trưởng chia sẻ.
“Trong quá trình dịch chuyển sang thành phố thông minh, CNTT-TT chỉ là công cụ giúp thành phố giải quyết các vấn đề cụ thể chứ không phải là mục tiêu phát triển của thành phố. Vì vậy, xây dựng và phát triển thành phố thông minh phải quan tâm đến nhiều vấn đề khác, không chỉ đơn thuần dựa vào các giải pháp về công nghệ”, Thứ trưởng nhấn mạnh.
Thứ trưởng bày tỏ mong muốn, tại buổi Tọa đàm, các đại biểu Việt Nam, Hoa Kỳ tích cực chia sẻ kinh nghiệm về xây dựng và phát triển đô thị thông minh. Phía Việt Nam cần tạo điều kiện cung cấp thông tin để các doanh nghiệp Hoa Kỳ tiếp cận, đánh giá tính sẵn sàng và đề xuất sự tham gia có hiệu quả vào quá trình phát triển các đô thị thông minh của các địa phương tại Việt Nam. Hai bên cùng nhau xác định các điều kiện cần thiết để đề xuất các cơ chế hợp tác hiệu quả giữa các cơ quan chính phủ và doanh nghiệp hai nước nhằm phát huy tối đa năng lực về công nghệ của Hoa Kỳ cũng như tiềm năng phát triển đô thị thông minh tại Việt Nam.
Chia sẻ quan điểm của Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng về xây dựng, phát triển đô thị thông minh, Đại sứ Ted Osius cho biết, ngay cả các nền kinh tế phát triển hiện nay cũng đang gặp phải những thách thức trong việc xây dựng các thành phố thông minh, kết nối, an toàn và bền vững, trong đó các công nghệ thông minh sẽ giúp chính phủ giải quyết những khó khăn của các đô thị trong hiện tại và tương lai.
Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Ted Osius phát biểu tại Tọa đàm
“Công nghệ thành phố thông minh có tác động lớn đến sự thịnh vượng của một khu vực vì thành phố thông minh là động lực phát triển kinh tế”, Đại sứ nhấn mạnh. Theo một nghiên cứu mới đây, thị trường thành phố thông minh trong các lĩnh vực năng lượng, giao thông, y tế, xây dựng, cơ sở hạ tầng… có giá trị lên tới 1.500 tỷ USD vào năm 2020 trên toàn cầu.
Ngoài ra, sự phát triển của thành phố thông minh còn có tác động trực tiếp đến sự sáng tạo và tinh thần kinh doanh của cả một xã hội. Thành phố thông minh sẽ trở thành trung tâm sáng tạo trong tương lai và là vườn ươm các doanh nhân thành công.
Đại sứ đánh giá buổi tọa đàm được tổ chức hôm nay là nhằm kết nối các doanh nghiệp Hoa Kỳ đang hoạt động trong các lĩnh vực về an toàn thông tin, y tế điện tử, điện lưới điện tử với các doanh nghiệp Việt Nam, thúc đẩy hoạt động đầu tư kinh doanh vào lĩnh vực thành phố thông minh tại Việt Nam. Các doanh nghiệp Hoa Kỳ có mặt trong buổi Tọa đàm đều là những doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực họ đang hoạt động và họ đang hỗ trợ phát triển các thành phố thông minh tại Mỹ.
Đại biểu Việt Nam và Hoa Kỳ tham dự Tọa đàm chụp ảnh lưu niệm
Đại sứ chia sẻ kinh nghiệm cụ thể của phía Mỹ trong xây dựng, phát triển thành phố thông minh. Theo đó, Bộ Giao thông Mỹ đã tổ chức cuộc thi thành phố thông minh tại Mỹ và giải thưởng trị giá tới 40 triệu USD nhằm giúp thành phố định nghĩa rõ ràng thế nào là “thành phố thông minh” và giúp thành phố đó trở thành thành phố đầu tiên của Mỹ tích hợp đầy đủ các công nghệ tiên tiến nhất vào mạng lưới giao thông gồm: xe hơi tự lái, xe cộ được kết nối, các bộ cảm biến thông minh. Ngoài ra, trong tháng 10 vừa qua, Bộ Giao thông Mỹ công bố các cộng đồng địa phương trên toàn nước Mỹ sẽ nhận được các khoản hỗ trợ tài chính lên tới 65 triệu USD hỗ trợ cho các dự án giao thông sử dụng công nghệ tiên tiến.
Ngoài ra, chính phủ Hoa Kỳ thông qua cơ quan USAID đã hỗ trợ chính phủ Ấn Độ trong việc tăng cường khả năng đối phó với thiên tai tại các thành phố thông minh. Cụ thể: phía Mỹ hỗ trợ đào tạo chính quyền địa phương quản lý thiên tai, tăng cường sức mạnh của các hệ thống cảnh báo sớm như các trạm dự báo thời tiết tự động. Từ đó, các địa phương có khả năng tích hợp các biện pháp giảm thiểu rủi ro khí hậu vào các kế hoạch phát triển dài hạn các thành phố thông minh, Đại sứ chia sẻ./.