Góp ý xây dựng quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam

Xu hướng - Dự báo - Ngày đăng : 09:43, 17/11/2016

Ngày 16/11, tại Hà Nội, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức hội thảo đóng góp ý kiến xây dựng quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam.

Lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam chủ trì hội thảo. Ảnh: VH

Hội thảo nhằm tập hợp các ý kiến của các nhà báo lão thành, đại diện các cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí, các cơ quan nghiên cứu, các cơ quan báo chí hàng đầu của cả nước để tiến tới hoàn chỉnh Bộ Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam.

Phát biểu tại hội thảo, đồng chí Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam cho biết: Trong quá trình xây dựng quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam, Ban soạn thảo đã nhận được sự chỉ đạo, quan tâm, phối hợp chặt chẽ của Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông cùng sự quan tâm, hưởng ứng, đóng góp ý kiến tích cực của dư luận xã hội và các cấp Hội trên toàn quốc. Tuy nhiên, đời sống báo chí hiện nay rất sôi động, đa dạng và có những diễn biến rất phức tạp, vấn đề đạo đức báo chí đang thu hút sự quan tâm rất lớn của dư luận xã hội, vì vậy, khi xây dựng quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam cần phải thể hiện được tất cả những nội dung cơ bản nhất, thiết yếu nhất.

Hiện nay, Ban soạn thảo đã cân nhắc, chắt lọc và đưa ra bản dự thảo Quy định gồm 9 điều. Bộ Quy định mới được xây dựng dựa trên 3 yếu tố chính: Một là, có sự kế thừa Bộ Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam ban hành năm 2005; đồng thời có sự tham khảo từ các Bộ Quy định đạo đức báo chí của các nước khác. Hai là, dựa trên cơ sở nhận thức về mối quan hệ giữa luật pháp và đạo đức; hai phạm trù này luôn có sự gắn kết, thống nhất với nhau. Đây là điểm mới và rất cơ bản của Bộ Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo lần này, nghĩa là tuy không thể bê nguyên si toàn bộ những điều quy định trong Luật Báo chí vào Quy định nhưng những gì thuộc về nền tảng, cơ bản, cốt lõi của hoạt động báo chí phải được thể hiện, đặc biệt vấn đề liên quan trực tiếp đến đạo đức, lương tâm, trách nhiệm của nhà báo thì phải được đưa vào. Ba là, căn cứ và những biến động, thay đổi, nét mới của đời sống xã hội, đời sống báo chí và thời đại truyền thông kỹ thuật số... mà Bộ Quy định trước đây chưa đề cập tới.

Tại hội thảo, các đại biểu đã thảo luận các nội dung nổi bật như: sự cần thiết phải bổ sung, hoàn thiện Bộ Quy định về đạo đức người làm báo Việt Nam để thực hiện cùng với Luật Báo chí 2016; sự thay đổi của hoạt động báo chí so với các năm trước; những điều mới cần phải đưa vào Bộ Quy định về đạo đức người làm báo Việt Nam...

Nhà báo lão thành Phan Quang cho rằng, nội dung Bộ Quy định về đạo đức người làm báo Việt Nam cần phải bao quát đường lối của Đảng, Hiến pháp của Nhà nước, lời lẽ phải mềm mỏng. Bên cạnh đó, làm thế nào để quy định đi vào đời sống báo chí, nhà báo vi phạm thì cơ quan báo chí xử lý, người đứng đầu cơ quan báo chí vi phạm thì cơ quan chủ quản xử lý, chứ không cần đến các cơ quan cấp cao hơn... Nhà báo Nguyễn Hồng Vinh, nguyên Tổng Biên tập báo Nhân Dân, nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cho biết: Bộ Quy định về đạo đức người làm báo Việt Nam cần thực hiện theo phương châm: ngắn gọn, cô đọng, dễ hiểu, dễ nhớ, cố gắng chắt lọc những gì cơ bản nhất thể hiện đạo đức người làm báo Việt Nam.

Dưới góc độ cơ sở đào tạo báo chí, PGS. TS Đặng Thị Thu Hương, Chủ nhiệm Khoa Báo chí, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn cho rằng: Bộ Quy định về đạo đức người làm báo Việt Nam là vấn đề then chốt của nhiều cơ quan báo chí, của các cơ sở đào tạo, các nhà báo, đặc biệt là những nhà báo trẻ. Việc xây dựng Bộ Quy định về đạo đức người làm báo Việt Nam nên có cẩm nang hướng dẫn, diễn giải những tình huống cụ thể để giúp nhà báo, phóng viên, nhất là những nhà báo trẻ hành nghề một cách chuẩn mực nhất.

Ông Nguyễn Thanh Lâm, Cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông chia sẻ: Bộ Quy định về đạo đức người làm báo Việt Nam cần súc tích, ngắn gọn, dễ nhận biết, bởi so với Bộ Quy định về đạo đức người làm báo Việt Nam trước, về cơ bản Bộ Quy định đã sửa đổi, bổ sung vẫn có 9 điều, và nhiều nội dung phải đọc kỹ thì mới nhận ra điểm khác biệt. “Nên chăng, Bộ Quy định về đạo đức người làm báo Việt Nam sẽ có 8 điều hoặc 10 điều để những người làm báo có thể phân biệt được với Bộ Quy định trước đây” – ông Nguyễn Thanh Lâm đề xuất.

Tiếp thu các ý kiến tham luận tại hội thảo, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi khẳng định, Bộ Quy định về đạo đức người làm báo Việt Nam được giới báo chí cả nước hết sức quan tâm, góp ý kiến xây dựng. Trong thời gian tới, Hội Nhà báo Việt Nam tin rằng, Bộ Quy định sẽ được lan tỏa trong đời sống báo chí và tác động tích cực, trực tiếp đến đội ngũ những người làm báo Việt Nam./.

VH