VNPT tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện Đề án tái cơ cấu giai đoạn 2014-2015

Diễn đàn - Ngày đăng : 08:56, 17/11/2016

Ngày 14/11/2016, tại Hà Nội, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) đã tổ chức Hội nghị tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện Đề án tái cơ cấu giai đoạn 2014-2015. Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm đã đến tham dự.

20161114-pg1.jpg

Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn VNPT - ông Trần Mạnh Hùng phát biểu tại Hội nghị

Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn VNPT - ông Trần Mạnh Hùng cho biết, trong 2 năm 2014 và 2015 với tinh thần nghiêm túc, khẩn trương, VNPT đã thực hiện tái cơ cấu đúng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ TT&TT. “VNPT đã thực hiện một cuộc đổi mới quyết liệt, toàn diện và triệt để”, ông Hùng nhấn mạnh. Đến hết năm 2015, VNPT đã hoàn thành về cơ bản mục tiêu đề ra trong Quyết định 888 của Thủ tướng Chính phủ về tái cơ cấu VNPT và chính thức đi vào hoạt động theo mô hình 3 lớp: Hạ tầng – Dịch vụ - Kinh doanh theo phương châm Chuyên biệt - Khác biệt - Hiệu quả.

Trong 2 năm qua, Tập đoàn đã thực hiện khối lượng công việc lớn để thay đổi mô hình tổ chức kinh doanh, đã tách bạch hoạt động kinh doanh, kỹ thuật khỏi toàn bộ các đơn vị trực thuộc VNPT theo hướng chuyên biệt hóa, tổ chức hình thành hệ thống kênh bán hàng thống nhất, xuyên suốt từ cấp tỉnh đến huyện, xã, phường. Đã thành lập và đưa vào hoạt động 3 tổng công ty: VNPT Vinaphone, VNPT Net và VNPT Media. Đã sắp xếp và kiện toàn xong cơ cấu quản lý của công ty mẹ.

Đồng thời, VNPT đã đưa vào áp dụng các phương pháp quản trị doanh nghiệp hiện đại như: thẻ điểm cân bằng, lương 3P toàn tập đoàn, áp dụng công cụ quản trị hiện đại đã tạo ra sự thay đổi trong bố trí và sử dụng lao động một cách hiệu quả hơn.

Đặc biệt, Chủ tịch Hội đồng thành viên Trần Mạnh Hùng nhấn mạnh, VNPT đã chuyển hướng đẩy mạnh phát triển dịch vụ CNTT và giá trị gia tăng để tìm nguồn thu mới bù đắp cho sự suy giảm của dịch vụ viễn thông truyền thống. Đồng thời khởi động tái cấu trúc khối công nghiệp, từng bước có nhiều sản phẩm công nghệ cao do VNPT sản xuất 100% và đưa vào khai thác trên toàn mạng lưới.

Để chứng minh rõ sự khác biệt về mô hình tổ chức, hiệu quả hoạt động kinh doanh, năng suất lao động thời kỳ trước và sau tái cơ cấu, Tổng Giám đốc Tập đoàn VNPT - ông Phạm Đức Long cho biết, trước tái cơ cấu, bộ máy Tập đoàn cồng kềnh, kém hiệu quả; điều hành sản xuất kinh doanh qua nhiều khâu trung gian; nhiệm vụ giữa các đơn vị bị trùng lặp, việc cung cấp sản phẩm bị chồng chéo, cạnh tranh nội bộ. Lao động gián tiếp chiếm hơn 22% tổng số lao động,  năng suất lao động thấp. Chưa có đơn vị làm đầu mối xúc tiến đầu tư ra nước ngoài.

20161114-pg4.JPG

Tổng giám đốc Tập đoàn VNPT - ông Phạm Đức Long phát biểu tại Hội nghị

Về hạ tầng mạng lưới, sản phẩm dịch vụ, do có nhiều đơn vị quản lý nên hạ tầng bị chia cắt, chất lượng mạng lưới không được điều hành xuyên suốt. Đặc biệt Tập đoàn VNPT không có một sản phẩm CNTT nào.

Về hạ tầng bán hàng, lực lượng lao động làm công tác kinh doanh ít và yếu dẫn đến mất thị phần vào tay đối thủ cạnh tranh. Mỗi huyện chỉ có một điểm giao dịch. Cả nước có khoảng 800 điểm giao dịch, chỉ bằng ¼ so với điểm giao dịch của đối thủ, lại mang nặng tính hình thức. Ngoài ra, chưa quan tâm đúng mức đến nghiên cứu thị trường xem khách hàng cần gì.

Về hệ thống cơ chế, cơ chế kế hoạch đầu tư không sát với thị trường, cơ chế quản lý đơn vị trực thuộc chậm đổi mới, cơ chế tạo động lực cho người lao động chưa có hoặc tự phát, cơ chế đánh giá hiệu quả chưa có tiêu chí rõ ràng.

Từ những nguyên nhân trên dẫn đến kết quả sản xuất kinh doanh của Tập đoàn trước tái cơ cấu (năm 2013) không thực sự ấn tượng. Doanh thu đạt khoảng 43.401 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 2.187 tỷ đồng. Thuê bao cố định chiếm 76,5% thị phần. Thuê bao Vinaphone chiếm 17,45% thị phần. Thuê bao băng rộng cố định chiếm 51,3% thị phần. Hạ tầng kỹ thuật với 19.342 trạm BTS 2G , 10.548 Node B 3G.

Cũng theo ông Phạm Đức Long, sau khi trải qua quá trình tái cơ cấu với 3 giai đoạn, Tập đoàn VNPT đã chuyển dịch từ nhà cung cấp dịch vụ viễn thông truyền thống trở thành nhà cung cấp dịch vụ viễn thông và CNTT. Hình thành Công ty VNPT Soft - đơn vị chủ lực, chuyên trách về CNTT. Đã thực hiện thoái vốn trên 31% tổng giá trị vốn đầu tư trên sổ sách, thực hiện đổi mới sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp.

Với VNPT Vinaphone, hình thành hệ thống bán hàng thống nhất xuyên suốt với gần 160.000 điểm bán lẻ, nhân viên kinh doanh tăng từ 4.000 người lên 15.000 người. Lao động gián tiếp giảm từ 22% xuống còn 10%.

Đặc biệt, trong lĩnh vực CNTT, VNPT đã có bước tiến ấn tượng từ chỗ không có sản phẩm nào đến chiếm 50% thị phần về CNTT trong lĩnh vực y tế, đã ký kết hợp tác phát triển CNTT, cung cấp phần mềm ứng dụng cho các Bộ ngành, doanh nghiệp.

Về sản xuất công nghiệp, VNPT đã đáp ứng 100%  nhu cầu cáp quang, modem wifi xDSL, cung cấp ra thị trường 800.000 thiết bị đầu cuối cho khách hàng cá nhân...

Đánh giá sau 2 năm tiến hành tái cơ cấu, Tổng Giám đốc Phạm Đức Long nhận định: Lợi nhuận tăng trưởng gấp đôi, từ 2.187 tỷ đồng năm 2013 tăng lên 4.200 tỷ đồng năm 2016. Thuê bao di động Vinaphone từ 20 triệu khách hàng tăng lên 31 triệu, thị phần trên thị trường di động của Vinaphone tăng từ 17,45% lên 23,71%.  Như vậy, trong bối cảnh vừa phải tập trung nhân lực để tái cơ cấu một cách toàn diện, sắp xếp lại nguồn nhân lực, tổ chức lại sản xuất kinh doanh trong toàn Tập đoàn, Tập đoàn VNPT vẫn đảm bảo tốt hoạt động sản xuất kinh doanh, duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định. Những kết quả này đã được Chính phủ và Bộ TT&TT ghi nhận.

Tuy nhiên, Chủ tịch Hội đồng thành viên VNPT Trần Mạnh Hùng cũng thẳng thắn thừa nhận những tồn tại, hạn chế của VNPT, của các đơn vị thành viên sau quá trình tái cơ cấu. Đó là thị trường viễn thông CNTT cạnh tranh khắc nghiệt, môi trường kinh doanh không chờ đợi VNPT hoàn thiện mô hình. Đặc biệt sắp tới Bộ TT&TT sẽ siết chặt quản lý về SIM rác dẫn đến doanh thu dịch vụ giá trị gia tăng trên mạng di động sẽ giảm sút.

Với việc chuyển dịch cơ cấu sản phẩm dịch vụ sang CNTT, Tập đoàn VNPT cần khẩn trương đào tạo chuyển hệ nguồn nhân lực từ viễn thông sang CNTT. Nhu cầu nhân lực điện tử viễn thông giảm 18-20% trong thời gian tới trong khi nhu cầu nhân lực CNTT không ngừng gia tăng.

Ông Trần Mạnh Hùng cho biết, sắp tới VNPT sẽ tiến hành tái cơ cấu khối CNTT để CNTT thực sự trở thành "quả đấm" mạnh của VNPT bên cạnh các "quả đấm" mạnh về hạ tầng, kinh doanh, dịch vụ giá trị gia tăng. Ông Trần Mạnh Hùng cũng bày tỏ mong muốn nhận được sự ủng hộ của Bộ TT&TT về việc thành lập một đơn vị trực thuộc Tập đoàn phụ trách về CNTT thay vì nằm rải rác tại 64 tỉnh, thành như hiện nay./.

Giang Phạm