Hình ảnh nghệ thuật dân gian "múa rối" trên con tem Bưu chính phát hành chung Việt Nam - Thái Lan
Chuyển đổi số - Ngày đăng : 15:14, 07/11/2016
Từ xa xưa, con người và thiên nhiên luôn gắn bó với nhau, con người đã biết dựa vào thiên nhiên để lao động sản xuất làm ra của cải vật chất phục vụ mình, đồng thời còn sáng tạo ra những loại hình nghệ thuật độc đáo trong đó có nghệ thuật múa rối. Đó là loại hình nghệ thuật có ở nhiều nước trên thế giới, mỗi nước có tên gọi chung và tên gọi riêng cho từng loại rối. Ở Việt Nam, múa rối ngày một phát triển và trở thành một loại hình sân khấu truyền thống được nhiều người yêu thích, đặc biệt là lứa tuổi thiếu nhi.
Nghệ thuật múa rối có một vai trò quan trọng trong việc bảo tồn các giá trị văn hóa của dân tộc và phát triển du lịch bởi nghệ thuật múa rối là một loại hình sân khấu dân gian, để hình thành nên nó là sự tổng hòa của nhiều loại hình nghệ thuật khác nhau như: Âm nhạc, điêu khắc, văn học… Chính vì vậy, bảo tồn và phát huy nghệ thuật múa rối chính là góp phần bảo tồn và phát huy những giá trị của nhiều loại hình hình nghệ thuật dân gian của dân tộc.
Về sân khấu
Yếu tố độc đáo của rối nước là sử dụng mặt nước làm sân khấu để con rối diễn trò, đóng kịch. Buồng trò rối nước (nhà rối hay thủy đình), được dựng lên giữa ao, hồ với kiến trúc cân đối tượng trưng cho mái đình của vùng nông thôn Việt Nam. Tất cả buồng trò, sân khấu cùng trang bị cờ, quạt, voi, lọng, cổng hàng mã đúng là một đình làng thu nhỏ lại với những mái uốn cong lung linh phản chiếu trên mặt nước. Sân khấu rối nước là khoảng trống trước mặt buồng trò, nó chỉ thực sự hoàn chỉnh khi đã vào chương trình biểu diễn và cũng bắt đầu mất đi ngay khi chấm dứt tiết mục cuối cùng.
Về con rối
Quân rối nước chính là sản phẩm của nghệ thuật điêu khắc gỗ dân gian, vừa giàu tính hiện thực, vừa mộc mạc, đằm thắm, trữ tình. Hình thù của con rối thường tươi tắn, ngộ nghĩnh, tính hài và tính tượng trưng cao. Quân rối nước làm bằng gỗ tốt sẽ nặng và chìm và gỗ sung là chất liệu thông dụng để tạc con rối.
Về kỹ thuật điểu khiển
Kỹ thuật điều khiển trong múa rối nước rất được coi trọng, tạo nên hành động của quân rối nước trên sân khấu, đó chính là mấu chốt của nghệ thuật múa rối. Quân rối đẹp mới chỉ có giá trị về mặt điêu khắc. Sự thành công của quân rối nước chủ yếu trông vào sự cử động của thân hình, hành động làm trò đóng kịch của nó. Các nghệ nhân dân gian đã dựa vào kinh nghiệm và khả năng sáng tạo để làm ra nhiều kiểu máy rối nước phong phú và đa dạng. Máy điều khiển được giấu trong lòng nước, lợi dụng sức nước, tạo sự điều khiển từ xa, cống hiến cho người xem nhiều bất ngờ kỳ diệu. Báo nước ngoài từng viết: "Con rối được điều khiển bằng sự khéo léo khó mà tưởng tượng. Con rối như có phép thuật điều khiển." Đấy chính là sự tài tình, là điều hấp dẫn và sáng tạo của nghệ thuật múa rối nước.
Về âm nhạc
Khởi thủy là biểu diễn trên sân khấu ngoài trời giữa ao hồ, nên rối nước cần âm thanh mạnh để giữ tiết tấu và khuấy động không khí buổi diễn. Các phường hội dân gian chuyên dùng bộ nhạc gõ dân tộc như trống cái, não bạt, mõ, pháo, tù và ốc. Âm nhạc rối nước mang tính đại náo của hội hè, có tác dụng kích động mạnh cả người diễn lẫn người xem.
Trong kho tàng múa rối nước Việt Nam, có hơn 30 tiết mục cổ truyền và hàng trăm tiết mục hiện đại kể về những sự tích dân gian và cuộc sống hàng ngày của người dân Việt Nam, nội dung của những buổi biểu diễn múa rối xoay quanh những đề tài cơ bản về sinh hoạt đời thường, những lễ hội truyền thống: múa rồng, rước kiệu, đấu vật, chọi trâu... hay trích đoạn một số tích cổ như Thạch Sanh, Tấm Cám... đặc biệt là trích đoạn “Sự tích hồ Hoàn Kiếm” miêu tả anh hùng dân tộc Lê Lợi lãnh đạo cuộc khởi nghĩa đánh thắng xâm lược nhà Minh giành độc lập.
Với những ý nghĩa độc đáo, đậm đà văn hóa dân tộc như thế, mà Bưu điện Việt Nam đã khéo léo đưa hình ảnh múa rối nước lên con tem bưu chính trong bộ tem Kỷ niệm 40 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam – Thái Lan với hình ảnh vua Lê Lợi trả gươm cho thần Kim Quy.