Viettel cần quyết liệt triển khai IPv6 từ ngay trong nội bộ
Diễn đàn - Ngày đăng : 13:06, 27/10/2016
Ngày 26/10, Ban công tác thúc đẩy IPv6 quốc gia do Thứ trưởng Bộ TTTT Phan Tâm, Trưởng Ban công tác đã có buổi làm việc với Tập đoàn Viettel về tình hình triển khai IPv6 của Tập đoàn.
Thứ trưởng Bộ TTTT Phan Tâm, Ban công tác làm việc với Viettel
Năm 2016 là năm bắt đầu của Giai đoạn 3 – Giai đoạn Chuyển đổi trong Kế hoạch hành động quốc gia về IPv6. Với mục tiêu cung cấp dịch vụ IPv6 tới người sử dụng, việc nắm bắt hiện trạng triển khai IPv6 tại doanh nghiệp, các nhà cung cấp nội dung có vai trò quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu tổng thể của Kế hoạch hành động quốc gia về IPv6. Buổi làm việc với Viettel của Ban công tác là một trong chuỗi các buổi làm việc với các doanh nghiệp cung cấp hạ tầng, dịch vụ Internet tại Việt Nam.
Theo báo cáo của Viettel, hiện Tập đoàn này đã sẵn sàng về hạ tầng hỗ trợ IPv6. Viettel đã tích cực tham gia quá trình chuyển đổi, bám sát lộ trình chuyển đổi IPv6 quốc gia. Trong các năm 2015 – 2016, Viettel đã có những công tác chuẩn bị, đào tạo nhân sự, đầu tư hạ tầng mạng lưới sẵn sàng IPv6, thử nghiệm trên lab, cung cấp thử nghiệm dịch vụ trên tập khách hàng thật tại Vũng Tàu. Trước khi được cấp phép 4G, Viettel cũng triển khai thử nghiệm IPv6 cho dịch vụ 4G tại Vũng Tàu, theo đó đã thử nghiệm thành công cấp phát IPv6 cho các thuê bao truy cập vào các ứng dụng web hỗ trợ IPv6 như Facebook, Youtube, Google… và tiếp tục thử nghiệm đối với các dịch vụ giá trị gia tăng.
Viettel cũng đã thực hiện rà soát toàn bộ các thiết bị cung cấp dịch vụ băng rộng cố định về khả năng hỗ trợ IPv6, thử nghiệm thành công triển khai IPv6 cho dịch vụ băng rộng cố định trên Lab tại Hòa Lạc, khách hàng tại Vũng Tàu; mở rộng triển khai IPv6 cho khách hàng băng rộng cố định tại 28 tỉnh, thành phố trên toàn quốc và sẽ tiếp tục mở rộng triển khai IPv6 cho các khách hàng tại các tỉnh, thành phố còn lại trong năm 2017 trở đi.
Viettel dự định tháng 12/2016, Viettel sẽ triển khai hạ tầng mạng lưới sẵn sàng cung cấp dịch vụ IPv6 cho gần 6.500 khách hàng băng rộng cố định tại 28 tỉnh: Lai Châu, Điện Biên, Phú Thọ, Yên Bái, Vĩnh Phúc, Hòa Bình, Lào Cai, Sơn La, Thái Bình, Hưng Yên, Hà Nam, Nam Định, Ninh Thuận, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Gia Lai, Bình Định, Quảng Nam, Kon Tum, Quảng Ngãi, Bình Dương, Đồng Nai, Bình Phước, Vũng Tàu, Long An, Bến Tre, Vĩnh Long, Tiền Giang theo lộ trình đưa thiết bị quản lý khách hàng băng rộng cố định xuống tỉnh. Các tỉnh còn lại sẽ hoàn thành trong Quý 4 năm 2017 và cung cấp IPv6 cho khách hàng 4G LTE. Từ 2016 – 2019, Viettel thực hiện chuyển đổi IPv6 cho dịch vụ băng rộng cố định, di động, hosting IDC.
Tại buổi họp, các bộ phận chuyên môn tại Viettel cũng cho biết một số khó khăn như khách hàng còn e dè bởi chưa nhận thức rõ hết các ưu điểm của việc chuyển đổi sang IPv6, tài liệu, quy trình còn thiếu và cần phải có truyền thông mạnh mẽ hơn nữa về ưu điểm của IPv6. Theo đại diện của công ty IDC Viettel, nhiều khách hàng có những nhạy cảm khi sử dụng tài nguyên mới, IDC sẽ phải bắt buộc đáp ứng hạ tầng. Trong tháng 11/2016, các nền tảng, dịch vụ của công ty IDC Viettel có thể cung cấp cho khách hàng trên nền tảng IPv6.
Ban công tác đã bày tỏ những kỳ vọng trong việc chuyển đổi IPv4 sang IPv6 của Viettel. Ông Trần Minh Tân, Giám đốc Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC), Phó Trưởng Ban công tác và các chuyên gia của Ban đã chia sẻ những kinh nghiệm, tình hình triển khai IPv6 trên thế giới và Việt Nam với kỳ vọng Viettel có kết quả nổi bật hơn.
Nắm bắt những khó khăn này, các thành viên của Ban Công tác đã trao đổi, giải đáp những băn khoăn, khó khăn của Viettel. Theo Ban công tác, truy cập mạng, các dịch vụ nội dung thế hệ mới bằng điện thoại smartphone là một xu thế của thế giới và IPv6 đáp ứng việc truy cập nhanh, tiếp cận các dịch vụ tiên tiến nên không phải ngẫu nhiên mà các công ty công nghệ hàng đầu thế giới như Google, Facebook… đã triển khai IPv6 từ rất sớm mặc dù vẫn còn tài nguyên IPv4.
Theo Ban công tác cho biết gần đây, tại Việt Nam tỉ lệ sử dụng địa chỉ IPv6 của Việt Nam tăng trưởng tốt và đạt con số tương đối khả quan. Cuối tháng 9/2016, phòng đo kiểm của Tổ chức quản lý địa chỉ khu vực Châu Á – Thái Bình Dương (APNIC) công bố tỉ lệ triển khai IPv6 của Việt Nam đạt 2,92%. Phòng đo kiểm của Cisco đánh giá số lượng người sử dụng IPv6 của Việt Nam (IPv6 users) đạt 1.385.000 người. Các tỉ lệ này đã vượt mục tiêu triển khai IPv6 của Việt Nam trong năm 2016 theo kết luận thống nhất tại hội thảo Ngày IPv6 Việt Nam 2016. Sở dĩ Việt Nam đạt được kết quả này là nhờ các hoạt động đúng hướng trong công tác thúc đẩy phát triển IPv6 quốc gia của Ban Công tác. Với việc khai trương IPv6 Việt Nam ngày 06/05/2013, VNNIC cùng các doanh nghiệp đã xây dựng, phát triển mạng cơ sở hạ tầng IPv6 quốc gia, sẵn sàng cho các hoạt động triển khai thực tế IPv6 của Việt Nam. Bên cạnh đó, thời gian gần đây, một số doanh nghiệp tiêu biểu, dẫn đầu là FPT Telecom đã triển khai thực tế, tích cực việc cung cấp dịch vụ IPv6 cho người sử dụng theo đúng cam kết của doanh nghiệp đã nêu tại Hội thảo Ngày IPv6 Việt Nam 2016.
Thứ trưởng Phan Tâm tại buổi làm việc cũng đã ghi nhận và đánh giá cao các kế hoạch công tác chuẩn bị cho chuyển đổi sang IPv6 của Viettel theo lộ trình quốc gia. Viettel về cơ bản đã sẵn sàng mạng lưới. Các thiết bị Viettel sản xuất đáp ứng tương thích IPv6 đã khẳng định và đánh giá cao Viettel làm chủ công nghệ truyền thống và làm chủ công nghệ tiên tiến.
Để thúc đẩy tiến độ triển khai IPv6 tại một doanh nghiệp hàng đầu của ngành TTTT như Viettel, Thứ trưởng Phan Tâm đã chỉ đạo: Từ nay đến cuối năm đặc biệt sang năm 2017, Viettel cần quyết liệt triển khai ứng dụng IPv6 ngay từ trong nội bộ Tập đoàn. Việc triển khai này sẽ là một thực tiễn tốt nhất để Viettel nhanh chóng hơn trong việc mở rộng triển khai IPv6 rộng rãi ra bên ngoài cho các khách hàng. Thứ trưởng cũng lưu ý một số công tác triển khai IPv6 đối với Viettel như các trang web nội bộ của Tập đoàn, mạng FTTH, 4G, các kết nối kênh quốc tế, các dịch vụ thuê ngoài Viettel dự định cung cấp cũng cần sẵn sàng IPv6.
Thay mặt cho Tập đoàn Viettel ông Hoàng Sơn, Phó Tổng giám đốc, cũng đã cam kết Viettel sẽ có kế hoạch cụ thể hơn để báo cáo Bộ tình hình triển khai IPv6 trong năm 2017. Các hoạt động chuyển đổi của IPv6 trong thời gian tới của Viettel sẽ được quan tâm hơn, đúng lộ trình, chỉ đạo của Bộ và công tác chuyển đổi sang IPv6 trong nội bộ sẽ tốt hơn.