Phát huy truyền thống đơn vị anh hùng: Đảm bảo thông tin liên lạc phục vụ các cơ quan Đảng, Nhà nước

Điểm tin - Ngày đăng : 10:10, 20/10/2016

Trong 2 cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, cùng với ý chí quyết chiến, quyết thắng của nhân dân ta, không thể không nhắc đến công lao đóng góp của những con người vinh dự được làm nhiệm vụ giao bưu, thông tin liên lạc; những con người đã tỏ rõ lòng trung thành, trung kiên bất khuất, dũng cảm để hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ.

Từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, công tác thông tin liên lạc phục vụ lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã trở thành một trong những mục tiêu quan trọng, góp phần vào sự nghiệp thắng lợi, giành độc lập tự do và toàn vẹn lãnh thổ nước ta. Suốt quá trình phát triển của Cách mạng, lúc thuận lợi cũng như lúc khó khăn, ác liệt, các tổ chức Giao Bưu, thông tin liên lạc bí mật - còn gọi là Giao Bưu thông tin đặc biệt, luôn phục vụ Đảng, Bác Hồ kính yêu một cách tận tụy, trung thành, dũng cảm. Những giao thông viên, từng ngày, từng giờ, âm thầm cống hiến cả tuổi trẻ, nhiệt huyết và cả xương máu của mình cho đất nước, cho nhân dân.

Cách mạng tháng 8 năm 1945 thành công, ở miền Bắc có các tổ chức như: Ban giao thông Trung ương, Ty Bưu điện Đặc biệt, đài vô tuyến điện CP16 được hình thành, trực tiếp đảm bảo thông tin liên lạc phục vụ Bác Hồ, phục vụ Trung ương Đảng ở chiến khu Việt Bắc và từ chiến khu tới các khu ủy, tỉnh ủy và cơ sở Cách mạng. Ở miền Nam, các tổ chức Giao Bưu, thông tin liên lạc ở các cấp, ở tất cả các chiến trường, các cơ sở cách mạng đã phục vụ đắc lực cho cấp ủy Đảng, các tổ chức cách mạng đấu tranh chống quân thù, truyền tải tiếp nhận thông tin liên lạc từ miền Bắc vào miền Nam và ngược lại.

Cuộc sống của giao thông viên rất khó khăn, phải gồng mình chống chọi đói, rét, dẹp bỏ những ham muốn vật chất tầm thường để hoàn thành nhiệm vụ. Mỗi người, chỉ với 1 chiếc bị đựng công văn tài liệu, 2 quả tài liệu, 1 bộ quần áo, 1 ống vầu đựng rang muối, vài kg gạo, tiền ăn 4,8 đồng cho đợt công tác 4 ngày đi, 4 ngày về; mùa mưa có thêm 1 áo tơi, 1 mũ lá. Vậy mà ánh mắt họ vẫn luôn sáng ngời một niềm tin sắt son vào Đảng, vào Bác; nỗ lực bám lấy mọi hành trình thư bảo đảm an toàn tuyệt đối công văn tài liệu, thư tín, tiền mặt, hàng hóa; chung tay góp sức phục vụ thông tin liên lạc được thông suốt.

Năm 1965, chiến tranh đặc biệt của đế quốc Mỹ thất bại, chúng tiếp tục thực hiện chiến tranh cục bộ đưa quân Mỹ vào miền Nam và đẩy mạnh chiến tranh bằng đường không quân và hải quân vào miền Bắc. Chúng hung hãn đưa hạm đội 7 áp sát, ngang nhiên xâm phạm vùng biển miền Bắc, sử dụng tàu chiến cùng máy bay vào trong khu dân cư miền Bắc. Đặc biệt là các điểm nút giao thông đường bộ, đường thủy, đường sắt như cầu, phà, nhà ga, bến cảng trên tuyến quốc lộ; các tuyến đường dây thông tin phục vụ Đảng, Nhà nước nói riêng, đã trở thành mục tiêu bắn phá ác liệt của máy bay địch. Vì vậy, việc đảm bảo an toàn cho công tác thông tin liên lạc phục vụ sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và Chính phủ là yêu cầu cấp bách để đánh thắng chiến tranh phá hoại, xây dựng và bảo vệ miền Bắc Xã hội chủ nghĩa, chi viện cho Cách mạng miền Nam. Yêu cầu phải có một đơn vị làm nhiệm vụ chuyên trách phục vụ thông tin liên lạc cho cơ quan Đảng, Nhà nước trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến thăm tổng đài đa dịch vụ của Cục Bưu điện Trung ương tại T78 TP. Hồ Chí Minh (22/10/1996)

Ngày 17/4/1965 Ban bí thư Trung ương Đảng đã ra Nghị quyết số 115/NQTW về việc thành lập Cục Bưu điện Trung ương. Ngày 17/6/1965, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã ký quyết định thành lập Cục Bưu điện Trung ương tại quyết định số 101/CP với nhiệm vụ “Phục vụ những yêu cầu riêng biệt về thông tin liên lạc, cần được bảo đảm nhanh chóng, kịp thời, chính xác và bí mật giữa Trung ương Đảng và Chính phủ với các cơ quan, các ngành, các cấp”.

Đến ngày 17/1/1967, Tổng cục Bưu điện và Truyền thanh có quyết định số 46/QĐ về việc “Thành lập Bưu điện đặc biệt ở các tỉnh, thành phố”. Như vậy, mạng lưới của Cục đã được thống nhất, trải dọc từ Trung ương đến địa phương. Mạng lưới tổ chức Bưu chính thuộc Cục Bưu điện Trung ương dần hoàn thiện cơ cấu tổ chức gồm: tổ bưu cục BC90, tổ giao thông hỏa tốc nội bộ, tổ vận chuyển đường thư biên giới và tổ đường thư đặc biệt khu 4 từ Hà Nội vào Vĩnh Linh – Quảng Trị.

Các tuyến thư hoạt động trong những điều kiện thiếu thốn, khó khăn và nguy hiểm, song anh em đã phát huy tính tự chủ tự giác, chủ động tranh thủ sự ủng hộ của các cấp bộ Đảng, các Bưu điện tỉnh và tuyến thư nào cũng được quản lý chặt chẽ, huy động mọi sức người sức của, bằng tất cả các phương tiện mô tô, xe đạp, chạy bộ, vượt qua những trọng điểm bom đạn của máy bay, tàu chiến địch. Nhiều tấm gương dũng cảm, như anh Nguyễn Quý Hạ trạm A6, vượt qua cầu Cấm khi máy bay địch đang bắn phá; Phạm Đình Tuấn, Lê Đại Hành, Hà Đăng Đống bị mưa lũ làm nghẽn đường phải nằm lại giữa rừng sâu mấy ngày đêm vẫn tìm đường hoàn thành nhiệm vụ. Nhưng còn đó là những chiến sĩ như đồng chí Ngô Văn Phấn, Nguyễn Văn An bị địch bắn chết mà trên tay vẫn còn ôm chặt bì thư.

Đ/c Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch Quốc hội tại buổi đón nhận danh hiệu Anh hùng Lao động của Bưu điện Trung ương.

Thực hiện Chỉ thị 46 của Tổng cục Bưu điện và Truyền thanh, các tỉnh, thành lập phòng Bưu điện đặc biệt bên cạnh Tỉnh ủy và thành ủy. Phòng Bưu điện đặc biệt được trang bị đầy đủ thiết bị vật tư và phải có đầy đủ: Tổ đài Vô tuyến điện; Tổ Điện thoại; Tổ Bưu chính. Thời gian này, thông tin vô tuyến điện hướng thu phát quốc tế của Cục phát sinh lớn, lực lượng điện báo viên đi các Đài của Đại sứ quán tăng lên rất nhiều lần. Từ khi nhận được quyết định thành lập chính thức, Cục Bưu điện Trung ương đảm nhận cả nhiệm vụ đào tạo cán bộ điện báo viên và cơ công Vô tuyến điện hệ mật phục vụ cho chiến trường. Mỗi lớp ngày một đông có tới 50 đến 60 học viên và mỗi năm có tới 3 đến 4 lớp trong hoàn cảnh hết sức khó khăn và thiếu thốn mọi mặt. Cứ lớp sau ra tiễn chân lớp trước lên đường vào chiến trường theo điều động của Ban tổ chức Trung ương và Ban thống nhất Trung ương. Phục vụ Hội nghị 4 bên đàm phán ở Paris, thời kỳ từ 1968 - 1973, Bưu điện CP16 đã cử các đồng chí giỏi tay nghề như đồng chí Huỳnh Hữu Cự, Nguyễn Văn Tư, sau hiệp định, đồng chí Cự và đồng chí Lê Văn Tỉnh được cử phục vụ thông tin cho phái đoàn giám sát thi hành Hiệp định của Chính phủ lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam cho tới ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng - mở ra kỷ nguyên mới cho dân tộc, kỷ nguyên độc lập, thống nhất, cả nước đi lên CNXH.

Trong 2 cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, cùng với ý chí quyết chiến, quyết thắng của nhân dân ta, không thể không nhắc đến công lao đóng góp của những con người vinh dự được làm nhiệm vụ giao bưu, thông tin liên lạc; những con người đã tỏ rõ lòng trung thành, trung kiên bất khuất, dũng cảm để hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ. Có những câu chuyện về lòng trung thành tuyệt đối đó đến gần đây mới được tiết lộ, góp phần làm nên những trang sử hào hùng cho ngành thông tin và truyền thông. Đó là vào năm 1967, khi Bác Hồ và lãnh đạo Đảng, Nhà nước lên sơ tán tại khu di tích K9 Đá Chông làm nhiệm vụ, một số cán bộ của Cục Bưu điện Trung ương được biệt phái sang Văn phòng trung ương bí mật lên khu K9 – Đá Chông phục vụ kết nối thông tin liên lạc cho lãnh đạo. Hành trình, danh tính của các chiến sỹ ấy được giấu kín bởi trọng trách và nghĩa vụ được nhà nước giao phó. Với những công điện mật, cuộc điện thoại mang tính bí mật quốc gia, người làm nhiệm vụ này luôn đặt ra lời hứa “sống để bụng, chết mang theo”.

“Trung thành, Dũng cảm, Tận tụy, Sáng tạo, Nghĩa tình” là khẩu hiệu mà mỗi cán bộ của Cục luôn khắc sâu trong tâm khảm để tự nhắc nhở bản thân mỗi khi làm nhiệm vụ. Không chỉ phục vụ cho những chuyến thư tối mật cho cơ quan Đảng, Nhà nước, các giao thông viên còn mang trên mình trọng trách “bảo vệ bí mật thông tin”, đó cũng chính là sứ mệnh, xương sống của Cục Bưu điện Trung ương cho đến tận ngày hôm nay.

Với vai trò là đơn vị chuyên trách phục vụ thông tin liên lạc cho các cơ quan Đảng, Nhà nước, Cục Bưu điện Trung ương đã luôn lấy việc phục vụ hiệu quả các nhiệm vụ chính trị là mục tiêu hàng đầu. Trải qua các lần đổi tên khác nhau, nhưng sứ mệnh, trọng trách và vị thế của Cục vẫn luôn vững vàng, kiên định. Cục Bưu điện Trung ương vinh dự được tham gia phục vụ những sự kiện quan trọng của quốc gia và quốc tế như phục vụ các kỳ đại hội Đảng toàn quốc, bầu cử Đại biểu Quốc hội và Hội đồng Nhân dân các cấp, các phiên họp trực tuyến của Chính phủ với các bộ ngành, phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo chỉ đạo của VPTW, VPQH, VPCP, Bộ TTTT; Phục vụ Hội nghị Thượng đỉnh các nước Á - Âu (ASEM) và Hội nghị Thượng đỉnh các nước châu Á - Thái Bình Dương (APEC); Phục vụ các phiên điện đàm giữa Lãnh đạo Chính phủ Việt Nam với ông Ban Ki Moon Tổng thư ký Liên Hợp quốc… Những cố gắng và nỗ lực của Cục đã nhận được sự khen ngợi, đánh giá cao, được thể hiện cụ thể qua các danh hiệu vô cùng cao quý, như danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân năm 2000; Anh hùng Lao động năm 2011, Anh hùng lao động hạng ba về việc tham gia kết nối đường dây nóng giữa lãnh đạo hai nước Việt Nam, Trung Quốc; Huân chương Độc lập hạng 2 năm 2015…

Bước sang giai đoạn mới, lãnh đạo và tập thể CBNV của Cục tiếp tục giữ vững và phát huy truyền thống đơn vị anh hùng: Đảm bảo thông tin liên lạc phục vụ các cơ quan Đảng, Nhà nước; tập trung triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng mạng lưới, dịch vụ, đặc biệt phục vụ các sự kiện trọng đại của đất nước và các sự kiện quốc tế tổ chức tại Việt Nam như đảm bảo phục vụ hội nghị APEC 2017; xây dựng mạng Chính phủ điện tử theo nghị quyết 36a/NQ – CP ngày 14/10/2016 của Chính phủ; từng bước hiện đại hóa hệ thống mạng lưới Cục, ứng dụng hệ thống công nghệ thông tin vào công tác Bưu chính, nâng cao mạng lưới mạng Viễn thông, CNTT đáp ứng nhu cầu hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước. Trong giai đoạn ngắn hạn, hệ thống mạng lưới Cục Bưu điện Trung ương được xây dựng trên cơ sở tận dụng tối đa các mạng TSLCD hiện đang phục vụ các cơ quan Đảng, Nhà nước, trước mắt phân tách, tối ưu và từng bước đầu tư, bổ sung về hệ thống thiết bị cũng như sử dụng tài nguyên viễn thông quốc gia đã được phê duyệt, quy hoạch. Trong giai đoạn dài hạn, Cục sẽ nghiên cứu xây dựng mới mạng Viễn thông dùng riêng (gồm mạng Truyền số liệu dùng riêng, tổng đài dùng riêng, di động dùng riêng, Vô tuyến sóng ngắn và Xe thông tin cơ động, mạng bưu chính dùng riêng) theo Quyết định 26/2013/QĐ-TTg ngày 10/5/2013 dựa trên các xu hướng công nghệ hiện đại trên thế giới hiện nay (như công nghệ ảo hóa SDN, NFV…), nhằm cung cấp kiến trúc mạng hiện đại, đáp ứng đa dịch vụ cho mạng lưới của Cục Bưu điện Trung ương; đảm bảo tính liên tục của các dịch vụ phục vụ các cơ quan Đảng, Nhà nước; Tiết kiệm đầu tư tránh lãng phí và tính an toàn bảo mật của hệ thống mạng; Mạng lưới Cục Bưu điện Trung ương được xây dựng trên cơ sở đa nền tảng kết nối, đáp ứng liên lạc mọi lúc, mọi nơi của các cơ quan Đảng, Nhà nước; đa dịch vụ (từ các dịch vụ cơ bản như thoại, fax, truyền số liệu... đến các dịch vụ gia tăng khác); đảm bảo tính chuẩn hóa của mạng (về quy hoạch đánh số, cấu trúc phân lớp…) và đảm bảo tính mở (cho phép bổ sung thêm dịch vụ mà không phá vỡ tính toàn vẹn của hệ thống hiện có).

Lãnh đạo và CBCNV quyết tâm từng bước xây dựng hình ảnh Cục là một đơn vị chuyên trách đặc biệt có năng lực tổ chức, quản lý an ninh, an toàn, bảo mật nhất và là đầu mối duy nhất triển khai các dịch vụ Bưu chính - Viễn thông - Công nghệ thông tin phục vụ cho công tác chỉ đạo, điều hành của các cơ quan Đảng, Nhà nước. Tiếp tục phát huy truyền thống quý báu của Ngành, thắp sáng ngọn lửa truyền thống của Cục Bưu điện Trung ương, để xứng đáng với niềm tin của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông và các thế hệ cha anh đi trước.

ĐY