Băng rộng FTTH cho thành phố thông minh

Diễn đàn - Ngày đăng : 11:51, 14/10/2016

Cơ sở hạ tầng cáp quang là một nhu cầu cơ bản đối với bất kỳ thành phố thông minh nào và việc lên kế hoạch và thiết kế mạng mạng lưới này nên là một phần quan trọng của bất kỳ dự án nào.

Khu vực đô thị ở châu Á – Thái Bình Dương đang phát triển với một tốc độ nhanh chóng, và các thành phố đang trở nên dày đặc hơn mỗi ngày. Các dự án thành phố thông minh tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương được thiết kế và quản trị thông minh nhằm quản lý các tác động kinh tế, môi trường và xã hội của sự đô thị hóa quy mô lớn. Các thành phố thông minh được kỳ vọng sẽ dẫn dắt sự phát triển của IoT, với 81% sự vật kết nối được tìm thấy trong các thành phố thông minh vào năm 2020.

Theo Hội đồng FTTH châu Á – Thái Bình Dương, một thành phố thông minh cần phải có hệ thống thông tin và truyền thông thông minh, và cách tốt nhất để cung cấp điều này là thông qua một cơ sở hạ tầng cáp quang đáng tin cậy và an toàn. Đây là thông tin được chia sẻ tại Hội thảo “Hội đồng FTTH Châu Á - Thái Bình Dương Việt Nam” năm 2016 ngày 13/10, tại Hà Nội.

 Mạng lưới cáp quang có thể cung cấp băng thông không giới hạn để hỗ trợ các giải pháp kết nối trong tương lai. Đáng tin cậy và an toàn, cơ sở hạ tầng thành phố thông minh dựa trên cáp quang có khả năng tích hợp nhiều mạng lưới thông minh, giảm tải lưu lượng di động thông qua WiFi, truyền tải ngược hệ thống 3G/4G/5G với cáp quang tới các giải pháp anten, hệ thống đo lường thông minh và Internet tốc độ cao.  

Một cơ sở hạ tầng cáp quang sẽ hỗ trợ một loạt các ứng dụng và dịch vụ có dây, không dây thông minh bao gồm năng lượng thông minh, quản lý rác thải và nước; an ninh thông minh, giám sát và kiểm soát truy cập; giao thông vận tải, lưu thông và bãi đỗ xe thông minh; y tế thông minh, giáo dục và phúc lợi; nhà cửa, tòa nhà và các cơ sở công nghiệp thông minh….  Các ứng dụng này được thiết kế để cải thiện chất lượng cuộc sống của mỗi người dân và hỗ trợ nền kinh tế sôi đội, bền vững.  

Để có cơ sở hạ tầng thành phố thông minh bền vững, phát triển dịch vụ băng rộng cáp quang FTTH (Fiber to The Home) đang là xu hướng của các quốc gia khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Theo thống kê, tính đến tháng 12/2015, khu vực châu Á – Thái Bình Dương có khoảng 17,6 triệu người đăng ký sử dụng FTTH/B (tăng 55% so với tháng 12/2014) và khoảng gần 400 triệu hộ gia đình sử dụng FTTH/B (tăng 16% so với tháng 12/2014).

Tại Việt Nam, thị trường FTTH Việt Nam vẫn còn tiềm năng cho các doanh nghiệp mới phát triển. Cụ thể tính đến tháng 8/2016, số thuê bao Internet băng rộng cố định mới đạt hơn 8 triệu, trong đó có khoảng 5,5 triệu là thuê bao băng rộng FTTH.

 Đầu năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình phát triển hạ tầng viễn thông băng rộng đến năm 2020 với mục tiêu: (1) xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng viễn thông băng rộng hiện đại, an toàn, dung lượng lớn, tốc độ cao, vùng phủ dịch vụ rộng trên phạm vi toàn quốc; (2) cung cấp các dịch vụ viễn thông băng rộng đa dạng với chất lượng tốt, giá cước hợp lý theo cơ chế thị trường. Cụ thể là đến năm 2020, có ít nhất 40% hộ gia đình (hoặc thuê bao cá nhân) trên toàn quốc được tiếp cận và sử dụng dịch vụ băng rộng cố định, trong đó ít nhất 60% thuê bao được kết nối với tốc độ tối thiểu đường xuống là 25 Mb/s; 100% các điểm truy nhập viễn thông công cộng trên cả nước sử dụng dịch vụ băng rộng cố định trong đó ít nhất 50% các điểm có truy nhập băng rộng cố định với tốc độ tối thiểu đường xuống là 50 Mb/s….

 Để hoàn thành những mục tiêu mà Chương trình đề ra, cần có sự vào cuộc của các địa phương và doanh nghiệp cung cấp dịch vụ. Về phía cơ quan quản lý nhà nước, thời gian qua Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành nhiều chính sách, văn bản quy phạm pháp luật nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho các thành phần kinh tế có thể tham gia thị trường viễn thông, xây dựng cơ chế, chính sách thúc đẩy tối đa việc kết nối và thực hiện chia sẻ hạ tầng viễn thông giữa các doanh nghiệp viễn thông.

BN