Phố sách thúc đẩy văn hóa đọc trong xã hội

Điểm tin - Ngày đăng : 10:15, 11/10/2016

Sách cần một không gian đúng nghĩa để ở đó các sự kiện tôn vinh văn hóa đọc sẽ diễn ra, và bạn đọc có thể giao lưu, chia sẻ những mối quan tâm đối với sách cũng như đối thoại trực tiếp với các tác giả. Sau TP Hồ Chí Minh, đến tháng 12 tới đây, Hà Nội sẽ chính thức có phố sách. Bên cạnh sự háo hức, vui mừng thì những băn khoăn để phố sách hoạt động thật sự hiệu quả đã và đang được dư luận quan tâm…

Đinh Lễ cũng được nhiều người gọi là phố sách Hà Nội.  (Nguồn: qdnd.vn)

Theo đề án mới công bố gần đây của UBND thành phố Hà Nội, từ ngày 19-12-2016, Hà Nội chính thức có phố sách. Có thể nói, đây là tin vui cho những người yêu sách. Giờ đây, bên cạnh các nhà sách mọc lên trên nhiều tuyến phố, những "vỉa hè sách" tự phát ở các khu vực đông dân cư, và một địa chỉ thường được nhiều độc giả tìm đến khi cần sách là phố Ðinh Lễ, thì việc có một phố sách cố định được mở ra trên phố 19-12 (trước đây thường được biết đến với tên gọi "chợ Âm phủ") hứa hẹn sẽ là một địa chỉ văn hóa mới với nhiều hoạt động lý thú, bổ ích để công chúng yêu sách tìm đến.

Tuy nhiên, sau khi đề án về phố sách 19-12 được thông tin trên báo chí, không ít người lại lo ngại và cho rằng, việc ra đời phố sách mới là không cần thiết, thậm chí khó "hút khách", vì nhiều năm qua phố Ðinh Lễ đã tồn tại như một "phố sách", được người yêu sách mặc nhiên coi là "trung tâm sách" của Thủ đô với nhiều gian hàng và lượng sách dồi dào đến từ các đơn vị xuất bản trên cả nước. Băn khoăn này là có lý nếu quan niệm phố sách chỉ là nơi diễn ra việc mua bán sách, và như vậy, với mạng lưới cửa hàng sách trên địa bàn thành phố, cũng như mật độ dày đặc quầy sách tại phố Ðinh Lễ cũng đủ để đáp ứng nhu cầu của độc giả. Thậm chí với phong cách tiêu dùng hiện đại ngày nay, bạn đọc chỉ cần ngồi nhà, với chiếc máy tính nối mạng là có thể đặt mua những cuốn sách mình quan tâm một cách dễ dàng, không phải tốn công ra đường hoặc chen chúc xếp hàng.

Nhưng có lẽ sách không chỉ như vậy, mà còn cần một không gian khác, ngoài việc thuần túy bán và mua? Bởi quan sát sự tấp nập, hồ hởi của người mua tại các phố sách, đường sách,... còn thấy cộng đồng người yêu sách có xu hướng hướng tới các hoạt động bổ ích, thiết thực để tôn vinh văn hóa đọc, gắn kết độc giả với sách; tăng cường sự kết nối, tương tác của quá trình: nhà xuất bản - tác giả - người đọc. Một phố sách đúng nghĩa sẽ giúp giải quyết được nhu cầu này. Thậm chí, như kỳ vọng của ông Nguyễn Minh Nhựt, Giám đốc NXB Trẻ, thì phố sách, đường sách còn cần trở thành một nơi tiêu biểu để định hướng "gu" đọc cho người dân, đồng thời cũng là thước đo để các đơn vị xuất bản định hướng sản xuất các dòng sách phục vụ độc giả với tầm nhìn xa 20, 30 năm tới, từ đó góp phần nâng cao dân trí.

Theo đề án phố sách Hà Nội, thiết kế phố sách sẽ thực hiện theo phương án kiến trúc không gian phố cổ. Các quầy sách chạy dọc theo phố, bên cạnh bán sách, việc tổ chức các hoạt động như giao lưu, tọa đàm, giới thiệu sách sẽ được chú trọng... Trước đó, tháng 1-2016, một đường sách với mô hình hoạt động tương tự ở TP Hồ Chí Minh đã được khai trương tại đường Nguyễn Văn Bình. Khi đó câu hỏi đường sách này liệu có trở thành chợ lẻ, bán giá sỉ như ở phố Ðinh Lễ (Hà Nội), hay tái hiện một phố sách Ðặng Thị Nhu (TP Hồ Chí Minh) thời thập niên 1980 với hoạt động mua bán, trao đổi sách, cũng đã được đặt ra. Rõ ràng là vấn đề tiêu chí hoạt động, cách thức vận hành,... sẽ quyết định trực tiếp vai trò, hiệu quả bất kỳ dự án nào, và sự ra đời, tồn tại của những phố sách, đường sách cũng không nằm ngoài quy luật ấy.

Do tính chất đặc biệt của phố sách, đường sách, việc lựa chọn địa điểm được các đơn vị chủ quản đặc biệt quan tâm. Tại TP Hồ Chí Minh, đường Nguyễn Văn Bình được đánh giá là địa điểm thuận lợi, thích hợp nhất để xây dựng đường sách, bởi vị trí ở trung tâm thành phố nhưng yên tĩnh, nhiều cây xanh, không gian mở, dễ kết nối với các công trình văn hóa như Bưu điện trung tâm Sài Gòn, dinh Thống Nhất, Công trường Dân chủ... Tại Hà Nội, đường 19-12 cũng ở trung tâm thành phố, nằm khá gần các địa điểm văn hóa như hồ Hoàn Kiếm, Nhà hát Lớn, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Công viên Thống Nhất…

Người quan tâm đến sự ra đời đường sách Nguyễn Văn Bình đầu năm 2016 hẳn vẫn còn nhớ chia sẻ tâm huyết của ông Lê Hoàng, Phó Chủ tịch Hội Xuất bản phụ trách Văn phòng phía nam, thành viên Ban quản lý dự án đường sách, khi bày tỏ mong muốn "đây sẽ là một điểm đến văn hóa, góp phần làm lành mạnh hơn ngành nghề xuất bản cũng như cung cấp nguồn tri thức cho những người làm nghề và yêu sách".

Chính vì vậy, 20 gian hàng tại đường sách được lựa chọn khắt khe từ các tiêu chí: là các đơn vị xuất bản có bề dày, có uy tín thương hiệu để bảo đảm là nơi cung cấp tác phẩm có giá trị phục vụ nhu cầu phát triển của thành phố và đất nước; có năng lực tổ chức hoạt động như giới thiệu, giao lưu tôn vinh tác phẩm hoặc tạo sự kiện về sách trên đường sách; các gian hàng phải có đội ngũ nhân viên phục vụ có thái độ lịch sự, tuân thủ pháp luật, sách được bày bán là sách chính thống có chất lượng chứ không phải sách hạ giá; đơn vị tham gia đường sách phải có ấn phẩm phù hợp với giới trẻ, và khách du lịch; doanh nghiệp hoặc tổ chức tham gia phải bảo đảm đáp ứng, chấp hành được yêu cầu cụ thể của đường sách về nét văn minh, văn hóa, khả năng tài chính duy trì sự ổn định. Ðặt các yêu cầu chặt chẽ với đơn vị tham gia đường sách cho thấy Ban quản lý rất chú trọng điều kiện cần thiết cho sự phát triển bền vững, tránh hiện tượng kinh doanh xô bồ, chụp giật.

Từ thực tế hoạt động của đường sách Nguyễn Văn Bình, có thể thấy việc mở đường sách tại đây được người dân đón nhận, và hoạt động hiệu quả. Không chỉ để mua một vài cuốn sách mình quan tâm, bạn đọc đến đây như đến một địa chỉ văn hóa, để được tâm tình, trò chuyện cũng như chia sẻ mối quan tâm dành cho sách, để được gặp gỡ các tác giả mình yêu mến, tham dự các buổi biểu diễn nghệ thuật,... hay đơn giản là được dừng chân ở một chiếc ghế đặt dưới gốc cây, thưởng thức cuốn sách vừa mua, trong không gian thanh bình của đường sách.

Tại đây, bên khu vực gian hàng bày bán sách thuộc nhiều lĩnh vực chính trị, xã hội, công nghệ - khoa học, ngoại ngữ, văn học, kinh tế, kỹ năng,... còn có khu vực cà-phê sách, khu trưng bày sách, khu mua bán, trao đổi sách cũ, triển lãm sách, báo, tranh ảnh, vật phẩm theo chủ đề từng tháng, khu sân chơi cho trẻ em,... Không ít người dân thành phố đã lựa chọn đường sách là điểm đến trong những ngày nghỉ. Về phía đơn vị tổ chức, giữ đúng tiêu chí như đã khẳng định trước khi đường sách đi vào hoạt động, hằng tuần, hằng tháng đều có các buổi sinh hoạt chuyên đề, giao lưu, gặp gỡ giữa tác giả và bạn đọc, nhờ đó góp phần thu hút ngày càng đông công chúng đến với không gian văn hóa sách.

Theo dõi trang fanpage Ðường sách Sài Gòn, ngay từ ngày 26-9, các hoạt động trong tháng 10 tại đường sách đã được lên lịch cụ thể, như: ra mắt sách của Giáo sư - bác sĩ Nguyễn Song Tuấn Tú Charles và bác sĩ nội khoa Nguyễn Song Anh Tú (ngày 1-10); ra mắt sách "Rong chơi miền chữ nghĩa" của học giả An Chi (ngày 8-10); ra mắt sách "Yêu" của tác giả Cao Bảo Vy (ngày 9-10); Triển lãm trưng bày Lịch xuân 2017 - Những sắc màu sáng tạo (từ ngày 1 đến 10-10); Trưng bày sách, ảnh biển đảo Hoàng Sa - Trường Sa với chủ đề Trường Sa nơi ta đến và đêm thơ nhạc biển đảo (từ ngày 15-10); Triển lãm ảnh Việt Nam đất nước con người (từ ngày 21 đến 28-10)... Việc lên chương trình cụ thể tại đường sách cho thấy cách làm việc chuyên nghiệp, khoa học của nhà tổ chức, giúp người yêu sách chủ động thu xếp công việc, thời gian để tham dự các hoạt động lý thú này.

Trên một số diễn đàn về du lịch, đường sách Nguyễn Văn Bình đã được chọn là một điểm đến không thể bỏ qua ở TP Hồ Chí Minh. Như có người từng nhận xét: "Ðường sách Nguyễn Văn Bình không chỉ thu hút các bạn trẻ đến để mua sách, mà nơi đây giống như một địa chỉ để gặp gỡ, giao lưu dịp cuối tuần và chụp ảnh ở Sài Gòn". Như vậy, từ ý tưởng đến thực tế, đường sách Nguyễn Văn Bình đã trở thành điểm hẹn văn hóa, góp phần hình thành một nét sinh hoạt mới của người dân TP Hồ Chí Minh.

Báo cáo tổng kết sáu tháng đầu năm 2016 của đường sách Nguyễn Văn Bình cho thấy các kết quả đáng mừng: đường sách đón hơn 500 nghìn lượt bạn đọc, gần 240.000 bản sách đã được bán, trong đó chủ yếu là đầu sách lịch sử, văn hóa, văn học, thiếu nhi, tâm lý; hơn 50 chương trình giới thiệu sách mới, nhiều buổi nói chuyện về sách, giao lưu, ký tặng sách được tổ chức. Tổng doanh thu của các gian hàng tại đường sách đạt khoảng hơn 15 tỷ đồng, trong đó có năm gian đạt mức hơn một tỷ đồng mỗi gian, 15 gian còn lại đạt mức 200 đến 500 triệu đồng. Một số địa phương đã cử người tới tìm hiểu, học tập mô hình đường sách để triển khai.

Sự vận hành sinh động, hiệu quả của đường sách Nguyễn Văn Bình đưa tới nhiều kinh nghiệm cho Ban quản lý Phố sách 19-12 của Hà Nội. Qua hàng chục hội chợ sách được mở ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh thu hút đông đảo bạn đọc tìm đến đã cho thấy nhu cầu đọc trong xã hội hiện rất lớn. Do đó, việc mở các phố sách, đường sách cố định với nhiều hoạt động phong phú là kịp thời đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của nhân dân. Vấn đề là đơn vị tổ chức, quản lý cần chú trọng tính kế hoạch, sự chuyên nghiệp, tăng cường chất lượng, tính đa dạng trong tổ chức hoạt động tại đây, tránh ồn ào lúc khai trương rồi vắng lặng sau khi vận hành.

Mở một phố sách đã khó, nhưng duy trì còn khó hơn. Chỉ cần thiếu hoạt động quảng bá, tổ chức nhiều sự kiện song đơn điệu, chưa thật sự hấp dẫn, thái độ phục vụ thiếu lịch thiệp, biến phố sách thành nơi tổ chức ăn uống, nhậu nhẹt,... thì chẳng mấy chốc sự lôi cuốn của phố sách, đường sách sẽ suy giảm. Hy vọng tình trạng đó sẽ được lường trước, để các phố sách, đường sách phát huy hiệu quả, góp phần nâng cao dân trí, thúc đẩy văn hóa đọc trong xã hội.

Thành Nam