TP. Hồ Chí Minh: Triển lãm “Sản phẩm công nghiệp hỗ trợ và điện tử Việt Nam năm 2016”
Đô thị thông minh - Ngày đăng : 20:53, 07/10/2016
Tới dự Lễ khai mạc các Triển lãm có ông Lê Thanh Liêm (Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh); ông Nakajima Satoshi (Tổng Lãnh sự quán Nhật Bản tại TP.HCM; bà Ureerat Ratanaprukse (Tổng Lãnh sự quán Hoàng gia Thái Lan tại TP.HCM cùng đông đảo các Chủ tịch Hiệp hội, Giám đốc các doanh nghiệp, doanh nhân đến từ Nhật bản, Thái Lan, Singapore, Hàn Quốc và các tỉnh thành trong nước.
Cắt băng khai trương Triển lãm
Trong bối cảnh Việt Nam đang trên đà phát triển với thành tựu trong việc thu hút đầu tư nước ngoài và tích cực tham gia các Hiệp định thương mại tự do toàn cầu, như: TTP, AFTA, EVFTA, VKFTA…. Việt Nam lại có vị trí chiến lược tại trung tâm khu vực ASEAN, điều kiện này cho phép các công ty nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam hội nhập dễ dàng vào các chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu. Ngoài ra, các cảng biển ở khắp 3 miền Bắc, Trung, Nam khiến cho việc vận chuyển hàng hóa thuận tiện đến bất kỳ nơi đâu trên thế giới. Do đó việc nhà tổ chức lớn ở Đông Nam Á - Reed Tradex cùng phối hợp với Tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản Jetro - văn phòng tại TP. HCM và Trung tâm xúc tiến thương mại & đầu tư ITPC Việt Nam đồng tổ chức một lúc 4 triển lãm lớn: “Triển lãm Liên minh các Doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ 2016”, METALEX Vietnam 2016”, “Triển lãm Sản phẩm công nghiệp hỗ trợ Việt Nam 2016 và triển lãm “NEPCON Vietnam 2016” là hết sức cần thiết.
Ông Lê Thanh Liêm- Phó Chủ tịch UBND TP.HCM phát biểu tại lễ khai mạc
Phát biểu tại Lễ khai mạc, ông Lê Thanh Liêm - Phó Chủ tịch UBND TP.HCM nhấn mạnh: Thành phố xác định phát triển công nghiệp hỗ trợ có vai trò quan trọng trong việc nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, gia tăng giá trị cạnh tranh của các sản phẩm công nghiệp trong nước, hạn chế nhập siêu, tăng khả năng thu hút đầu tư nước ngoài và tạo điều kiện phát triển các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Thành phố đã thành lập Trung tâm Hỗ trợ phát triển công nghiệp; thành lập phòng trưng bày sản phẩm công nghiệp Thành phố; xây dựng các phân khu nhà xưởng cao tầng có quy mô, diện tích, giá thuê phù hợp với nhu cầu của các doanh nghiệp vừa và nhỏ (500m2/lô) tại Khu chế xuất Tân Thuận, Khu công nghiệp Hiệp Phước; bổ sung các dự án công nghiệp hỗ trợ vào chương trình kích cầu đầu tư; kêu gọi đầu tư công nghiệp hỗ trợ gắn với doanh nghiệp vừa và nhỏ giai đoạn 2016-2020; ban hành kế hoạch triển khai hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước đáp ứng nhu cầu của tập đoàn SAMSUNG; hỗ trợ vốn cho các doanh nghiệp thông qua chương trình kết nối ngân hàng- doanh nghiệp… Ông Lê Thanh Liêm cho rằng: sự kiện triển lãm lần này là bước đầu hiện thực hóa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ X và cụ thể hóa Đề án phát triển công nghiệp hỗ trợ của thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2015-2020, định hướng đến 2025.
Bà Ureerat Ratanaprukse- Tổng lãnh sự quán Hoàng gia Thái Lan tại thành phố Hồ Chí Minh phát biểu tại lễ khai mạc.
Trong lời phát biểu tại Lễ khai mac Triển lãm cũng như chào mừng 40 năm quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Thái Lan, bà Ureerat Ratanaprukse, Tổng Lãnh sự quán Hoàng gia Thái Lan tại thành phố Hồ Chí Minh, nói: trong nhiều năm, những chương trình triển lãm thương mại được xem là công cụ hiệu quả để thúc đẩy kinh doanh giữa Việt Nam và Thái Lan. Điều đáng chú ý là việc đầu tư và thương mại giữa 2 nước đã không ngừng gia tăng trong những năm qua. Thương mại hai chiều của năm 2015 đã tăng 13,1% lên 12 tỷ USD; 5 tháng đầu năm nay đã đạt 5,1 tỷ USD, cả hai chính phủ đã đặt mục tiêu nâng con số này lên 20 tỷ USD vào năm 2020. Có thể xem đây là một cơ hội lớn cho các nhà công nghiệp tại thành phố Hồ Chí Minh tham gia vào chuỗi các sự kiện triển lãm lần này để nắm bắt cơ hội, thương thảo với các nhà công nghiệp và kinh doanh của các nước.
Theo ông Takimoto Koji, Trưởng đại diện Tổ chức xúc tiến Ngoại thương Nhật Bản: Hiện tỷ lệ cung ứng nội địa của các doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam là 32%, trong khi đó con số này tại Thái Lan là 56%, tại Trung Quốc là 65%. Như vậy tại Việt Nam tỷ lệ nội địa hóa còn thấp. Do vậy tổ chức triễn lãm này như là một bộ phận của việc hợp tác Việt Nam- Nhật Bản. Trong tổng số 65 gian hàng thì dành 50 gian hàng cho các doanh nghiệp Việt Nam, nhằm đóng góp cho việc phát triển công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam.
Đây là một triển lãm khá toàn diện cho ngành công nghiệp sản xuất, đặc biệt là công nghiệp phụ trợ và công nghệ điện - điện tử. Nó đánh dấu thành công của 10 kỳ đã được tổ chức. Tại triển lãm còn có các cuộc hội thảo chuyên đề về công nghệ, trao đổi những thời cơ, thách thức mới trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp nói chung và công nghệ phụ trợ, công nghệ điện tử nói riêng. Theo Ban tổ chức, ngay trong ngày đầu tiên của Triển lãm đã có gần 4000 lượt người tham quan tại triển lãm và triển lãm còn kéo dài hết ngày 8/10/2016.