Thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng về phát triển du lịch

Xu hướng - Dự báo - Ngày đăng : 09:13, 06/10/2016

Luật Du lịch (sửa đổi) phải thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng về phát triển du lịch. Đặc biệt là nội dung quy định tại Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng năm 2016.

Khách du lịch tham quan Văn Miếu Quốc Tử Giám, Hà Nội. (Ảnh minh họa: HT)

Đây là một trong những quan điểm chỉ đạo xây dựng dự án Luật Du lịch (sửa đổi) tại Tờ trình của Chính phủ về dự án luật mới trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ 3 mới đây.

Theo Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật Du lịch (sửa đổi), sau 10 năm triển khai Luật du lịch, Du lịch Việt Nam đã có bước tiến đáng khích lệ: Năm 2015, lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đạt 7,94 triệu lượt; khách du lịch nội địa đạt 57 triệu lượt; tổng thu từ du lịch đạt 338.000 tỷ đồng; có 18.800 cơ sở lưu trú du lịch với 355.000 buồng. So với năm 2005 khi Luật Du lịch được ban hành, lượng khách du lịch quốc tế đã tăng hơn 2 lần, khách du lịch nội địa tăng gần 4 lần, tổng thu từ du lịch tăng hơn 11 lần, số lượng cơ sở lưu trú du lịch và số buồng tăng 3 lần.

Luật Du lịch đã tạo ra bước chuyển biến quan trọng trong nhận thức về quản lý và phát triển du lịch. Từ chỗ du lịch chỉ được coi là hoạt động phục vụ nghỉ dưỡng đơn thuần, đến nay đã được xác định là một ngành kinh tế có vị trí quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế-xã hội và được định hướng phát triển thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước. Hầu hết các tỉnh/thành phố có tiềm năng phát triển du lịch đều đã có Nghị quyết hoặc Chỉ thị định hướng phát triển du lịch là ngành kinh tế quan trọng hoặc mũi nhọn trong chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Tính chuyên nghiệp của các doanh nghiệp du lịch được nâng cao. Hoạt động du lịch ngày càng sôi động ở khắp các vùng miền của đất nước, đã và đang thu hút sự quan tâm của toàn xã hội.

Luật Du lịch đã góp phần luật hóa các quy định của điều ước quốc tế trong lĩnh vực du lịch mà Việt Nam đã ký kết hoặc gia nhập, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch ngang tầm khu vực và thế giới, thúc đẩy giao lưu, hợp tác du lịch giữa Việt Nam với các nước trên thế giới, góp phần thực hiện thắng lợi chủ trương của Đảng và Nhà nước về hội nhập quốc tế...

Tuy nhiên, bên cạnh những tác động tích cực, quá trình triển khai Luật Du lịch đã bộc lộ những hạn chế, khó khăn, vướng mắc, ảnh hưởng tới hoạt động và sự phát triển của ngành Du lịch. Vì vậy việc xây dựng và ban hành Luật Du lịch (sửa đổi) là rất cấp thiết, đảm bảo tính đồng bộ của pháp luật, góp phần tạo hành lang pháp lý thông thoáng, thúc đẩy du lịch phát triển.

Theo Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du Lịch Nguyễn Ngọc Thiện, quan điểm của Chính phủ khi xây dựng luật này là phải phù hợp và cụ thể hóa các quy định về quyền con người, quyền, nghĩa vụ cơ bản của công dân, kinh tế, xã hội, văn hóa, môi trường…quy định tại Hiến pháp năm 2013 và đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ với các đạo luật liên quan.

Đặc biệt, Luật Du lịch (sửa đổi) phải thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng về phát triển du lịch. Đặc biệt là nội dung quy định tại Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng năm 2016: “Có chính sách phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn. Khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển du lịch với hệ thống hạ tầng đồng bộ, hiện đại, sản phẩm đa dạng và tính chuyên nghiệp cao. Tạo mọi thuận lợi về thủ tục xuất nhập cảnh, đi lại và đảm bảo an toàn, an ninh. Đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá, xây dựng thương hiệu du lịch Việt Nam. Khai thác hiệu quả, bền vững các di sản văn hóa, thiên nhiên, di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh và giữ gìn vệ sinh môi trường. Phát triển các khu dịch vụ du lịch phức hợp, có quy mô lớn và chất lượng cao”, “Phát triển mạnh các ngành kinh tế biển..., du lịch biển, đảo”. Đồng thời, Luật Du lịch (sửa đổi) cũng cần thể chế hóa chủ trương của Đảng và Nhà nước về hoàn thiện hệ thống pháp luật, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN, phát triển bền vững kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng, an ninh, chủ quyền, lợi ích quốc gia và phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội của đất nước và từng địa phương trong giai đoạn hiện nay và các năm tiếp theo.

Luật Du lịch (sửa đổi) phải khẳng định vai trò du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, mang tính xã hội cao; phát triển có trọng tâm, trọng điểm đồng thời cả du lịch quốc tế và du lịch nội địa; phân định rõ trách nhiệm của các cơ quan ở Trung ương và chính quyền các cấp ở địa phương...

Thẩm tra dự luật này, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cũng khẳng định Đảng và Nhà nước ta có chính sách xây dựng du lịch trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn. Chủ trương này đòi hỏi ngành du lịch trong thời gian tới phải có sự phát triển mạnh mẽ về quy mô cũng như chất lượng. Để đảm bảo thực hiện điều đó, cần xây dựng hành lang pháp lý thông thoáng, tạo động lực, môi trường thuận lợi thúc đẩy du lịch phát triển.

Ủy ban này cũng nhất trí với sự cần thiết sửa đổi Luật Du lịch để tiếp tục thể chế hóa đường lối của Đảng về phát triển du lịch; cụ thể hóa tinh thần và nội dung của Hiến pháp năm 2013; nội luật hóa các Điều ước quốc tế liên quan mà Việt Nam đã ký kết hoặc gia nhập; khắc phục những hạn chế, bất cập trong thực tiễn thi hành làm cơ sở thúc đẩy du lịch phát triển nhanh và bền vững.

Trên cơ sở mục tiêu, quan điểm chỉ đạo xây dựng dự án Luật, phạm vi sửa đổi Luật Du lịch được xác định là cơ bản và toàn diện. Dự án Luật Du lịch (sửa đổi) có 10 chương, 79 điều, được bố cục theo hướng hợp lý hơn Luật Du lịch hiện hành với các quy định cụ thể về khách du lịch; tài nguyên du lịch; quy hoạch phát triển du lịch; điểm du lịch; lữ hành, vận tải khách du lịch và hướng dẫn du lịch; cơ sở lưu trú du lịch, kinh doanh dịch vụ du lịch khác; xúc tiến du lịch, hợp tác và hội nhập quốc tế về du lịch; quản lý nhà nước về du lịch./.

Minh Thư