Tạo dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam - Bài học từ Israel
Diễn đàn - Ngày đăng : 12:03, 22/09/2016
Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ phát biểu chào mừng Hội thảo
Tham dự hội thảo có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ; Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng và Thứ trưởng Phan Tâm; cùng hơn 200 đại biểu là lãnh đạo các Bộ, Ban, Ngành Trung ương, các tổ chức quốc tế như World Bank, IMF, ADB… các trường đại học, viện nghiên cứu, hiệp hội doanh nghiệp, quỹ đầu tư và nhóm startup như Dragon Capital, FPT Ventures…
Phát biểu chào mừng hội thảo, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ hoan nghênh các cơ quan, doanh nghiệp liên quan đã tổ chức sự kiện quan trọng này trong bối cảnh Việt Nam đang tập trung thực hiện các chủ trương của Đảng về phát triển doanh nghiệp, khởi nghiệp và sáng tạo.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Thực hiện chủ trương của Đảng, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách quan trọng, trong đó gần đây là Nghị quyết số 35/NQ-CP về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp giai đoạn 2016-2020, đặt mục tiêu tới năm 2020 cả nước ta có 1 triệu doanh nghiệp (hiện nước ta mới có trên 500.000 doanh nghiệp). Trong kỳ họp Quốc hội tới, Chính phủ cũng trình Quốc hội dự án Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa với nhiều nội dung quan trọng. Chủ trương, đường lối của Đảng đã rõ ràng, vì vậy, Chính phủ và các Bộ, Ngành càng phải thể hiện quyết tâm vì doanh nghiệp; xây dựng thể chế, chính sách đi vào cuộc sống.
Toàn cảnh Hội thảo
Phó Thủ tướng hy vọng, qua hội thảo này, Việt Nam có thể học hỏi kinh nghiệm thực tiễn từ các chuyên gia Isarel về việc xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở cấp vĩ mô và vi mô, trong đó tập trung vào các nhóm chính sách cụ thể của Chính phủ, thể chế vận hành của cộng đồng Startup tại một số ngành nghề chủ đạo; đề xuất các chương trình hành động để xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam; tiếp tục khẳng định sự cam kết hỗ trợ của Chính phủ với hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo nhằm tạo dựng một quốc gia khởi nghiệp, tăng cường mối quan hệ hợp tác kinh tế, khoa học, thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và Israel.
Tại hội thảo, các đại biểu đến từ Việt Nam và Israel đã trình bày tham luận nêu lên bức tranh tổng quan về khởi nghiệp tại Việt Nam và hệ thống hành lang pháp lý để doanh nghiệp khởi nghiệp, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, thu hút và tổ chức các Quỹ đầu tư tài chính mạo hiểm và hỗ trợ cho phong trào khởi nghiệp.
Thông qua hội thảo, cộng đồng startup Việt Nam sẽ có cơ hội trao đổi với các nhà làm chính sách, các diễn giả về những khó khăn hiện tại, mong muốn hỗ trợ từ chính sách của Nhà nước cũng như cùng chia sẻ những kinh nghiệm thực tiễn trong việc xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp ở cấp độ vĩ mô và vi mô, trong đó tập trung vào các nhóm chính sách cụ thể của Chính phủ đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp thuộc một số ngành nghề chủ đạo.
Cũng tại hội thảo, Quỹ Tăng tốc khởi nghiệp Việt Nam (VIISA) chính thức ra mắt website và tuyển các khởi nghiệp công nghệ (startup) trong khu vực Đông Nam Á.
Theo đó, trong vòng 1 tháng, từ hôm nay đến 20/10, các startup sẽ đăng kí và nộp hồ sơ tại website: www.viisa.vn. VIISA sẽ tiến hành lựa chọn các startup để đi vào vòng đào tạo và lựa chọn ra 10 startup điển hình nhất để đầu tư từ 15.000 USD cho đến 5% giá trị định giá của công ty trong suốt quá trình đào tạo và đến khi tốt nghiệp. Ngoài ra, 10 startup này cũng được hỗ trợ về văn phòng, nguồn lực kỹ thuật, dịch vụ kế toán, tài khoản ngân hàng.
Lễ ký kết Chương trình hợp tác giữa thành phố Hà Nội với Quỹ Tăng tốc khởi nghiệp Việt Nam (VIISA)
Trong khuôn khổ của hội thảo còn diễn ra Lễ ký kết Chương trình hợp tác giữa thành phố Hà Nội với Quỹ Tăng tốc khởi nghiệp Việt Nam (VIISA) và Lễ Ký kết đầu tư của Hanwha và Công ty Cổ phần Chứng khoán BIDV vào Quỹ VIISA.