Ngành công nghiệp điện tử và hướng đi trong hội nhập
Diễn đàn - Ngày đăng : 15:03, 12/09/2016
Ngành điện tử Việt Nam trải qua một chặng đường dài phát triển, đóng góp đáng kể vào sự phát triền của đất nước.Tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm của ngành điện tử vào khoảng 20-30% trong giai đoạn 2000 – 2010 và đạt đến 37,5% năm 2014. Năm 2012, điện tử trở thành ngành hàng xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 22,9 tỷ USD. Con số này tiếp tục tăng 58,1% lên mức 36,2 tỷ USD năm 2014. Và đến năm 2015 kim ngạch xuất khẩu của ngành này đã đạt hơn 57 tỷ USD, đứng đầu các ngành hàng xuất khẩu cả nước với tốc độ tăng trưởng trên dưới 30% hàng năm. Thống kê của Vụ Công nghiệp nặng thuộc Bộ Công Thương cho thấy, trong lĩnh vực sản xuất linh kiện điện tử, các doanh nghiệp nội địa đã đáp ứng 30 - 35% nhu cầu linh kiện đối với điện tử gia dụng, trong khi cung ứng cho các lĩnh vực hạ nguồn khác còn khá thấp: Điện tử tin học, viễn thông chỉ đạt 15%, điện tử chuyên dùng cho công nghệ cao chỉ đạt 5%. Tuy kim ngạch xuất khẩu lớn như vậy, nhưng giá trị chủ yếu nằm ở những doanh nghiệp FDI với tỷ lệ sử dụng sản phẩm nội địa hóa còn thấp (khoảng 20-30%).
Mặt khác, ngành điện tử phụ thuộc quá nhiều vào các đầu vào và nguyên vật liệu nhập khẩu. Năm 2007, kim ngạch xuất khẩu hàng điện tử có nguồn gốc từ nhập khẩu chiếm 43,7%. Đến năm 2011, con số này tăng lên 49,3%. Trong năm 2015, kim ngạch nhập khẩu linh kiện máy vi tính, sản phẩm điện tử của Việt Nam đã đạt khoảng 21 tỷ USD, còn linh kiện điện thoại đạt 10 tỷ USD. Riêng 7 tháng đầu năm 2016, theo Tổng cục Hải quan, với nhóm hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam đã đạt 15,02 tỷ USD, tăng 14,3% so với cùng kỳ năm 2015. Hàn Quốc tiếp tục là đối tác lớn nhất cung cấp nhóm hàng này cho Việt Nam với trị giá nhập khẩu trong 7 tháng đầu năm 2016 đạt 4,88 tỷ USD, tăng 25,6%. Tiếp theo là Trung Quốc (3,05 tỷ USD, tăng 8,4%); Đài Loan (1,65 tỷ USD, tăng 41,6%); Nhật Bản (1,37 tỷ USD, tăng 5,8%)…
Ngoài ra, thách thức khác mà ngành điện tử Việt Nam gặp phải là áp lực cạnh tranh từ các sản phẩm nhập khẩu, chi phí sản xuất ngày càng tăng do thiếu nền công nghiệp phụ trợ, đồng thời vấp phải rào cản kỹ thuật đối với thương mại khi những tiêu chuẩn này được áp dụng cho cả sản phẩm trong nước và nhập khẩu.
Trên thực tế, ngành công nghiệp điện tử Việt Nam lâu nay vẫn được cho là phát triển chậm. Điều này trái hẳn với các doanh nghiệp FDI (điển hình như Samsung) đã sớm nhảy vào Việt Nam nắm bắt cơ hội và có những sự phát triển ngoạn mục với tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm khoảng 10%.
Trong bối cảnh hiện nay, sự tham gia vào các FTA thế hệ mới sẽ tạo điều kiện thâm nhập vào những thị trường mới, rộng lớn hơn cho Việt Nam. Ví dụ như Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) với dự tính sẽ có hiệu lực vào năm 2017, có 65% danh mục sản phẩm với 8.000 - 9.000 loại sản phẩm sẽ được miễn, giảm thuế. Điều này sẽ mở ra cơ hội cho Việt Nam xuất khẩu nhiều hơn những linh kiện và bộ phận thay thế.
Do đó, ngành công nghiệp điện tử Việt Nam nói chung và các nhà sản xuất nói riêng cần nắm bắt thời cơ để phát triển hạ tầng và công nghệ khi mà thuế nhập khẩu sẽ được miễn giảm đối với hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định; nguyên liệu, vật tư, linh kiện nhằm thực hiện dự án đầu tư; đồng thời cũng có được những thuận lợi từ việc nhập nguyên vật liệu.
Để chuẩn bị cho chiến lược hội nhập và toàn cầu hóa, không còn con đường nào khác, với doanh nghiệp là phải cạnh tranh và cạnh tranh, doanh nghiệp muốn cạnh tranh toàn cầu phải gắn liền với quá trình không ngừng đổi mới và sáng tạo, quan sát thế mạnh của doanh nghiệp “đối thủ” để từ đó hoạch định chiến lược cho riêng mình.