Tập trung nguồn lực, đổi mới công tác tuyên truyền chính sách BHXH, BHYT

Chính phủ số - Ngày đăng : 14:12, 12/09/2016

Trong những năm qua, với quyết tâm và nỗ lực trong việc thực hiện nhiệm vụ, toàn ngành Bảo hiểm xã hội đã đạt được kết quả khả quan với các chỉ tiêu về bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), góp phần ổn định an sinh xã hội và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Trong đó, công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật BHXH, BHYT đã góp một phần quan trọng trong việc nâng cao ý thức của nhân dân khi tham gia chính sách BHXH, BHYT.

Trung tâm truyền thông BHXH Việt Nam tổ chức các buổi đối thoại trực tuyến giải đáp chính sách BHXH, BHYT với người dân. Ảnh: ĐĂNG KIÊN

Tăng cường nguồn lực

Tính đến hết tháng 7-2016, cả nước đã có 12.406.463 người tham gia BHXH bắt buộc (trong đó bảo hiểm thất nghiệp là 10.574.309 người), BHXH tự nguyện là 192.340 người và có 72.990.801 người tham gia BHYT, đạt tỷ lệ bao phủ BHYT 79,2% dân số. Đây là những kết quả quan trọng, mà toàn ngành BHXH nỗ lực thực hiện trong suốt thời gian qua. Tuy nhiên, so mục tiêu mà Nghị quyết số 21 NQ/T.Ư của Bộ Chính trị đề ra, là phấn đấu đến năm 2020 có 50% số người lao động tham gia BHXH; 35% số người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp, và mới đây nhất là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về tăng độ bao phủ BHYT đến năm 2020 phải đạt 90% dân số, đây thật sự là một thách thức lớn, đòi hỏi BHXH Việt Nam phải hết sức nỗ lực, chú trọng đẩy mạnh toàn diện tất cả các mặt công tác; trong đó công tác tuyên truyền được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành.

Để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đối với công tác tuyên truyền trong tình hình mới, ngay từ cuối năm 2013, nhất là từ giữa năm 2014 đến nay, BHXH Việt Nam đã chú trọng tăng cường nguồn lực cho công tác tuyên truyền. Theo đó, đội ngũ làm công tác tuyên truyền từ Trung ương đến cơ sở đã được tăng cường đáng kể. Trước năm 2013, hầu hết cán bộ tuyên truyền tại các địa phương đều là cán bộ kiêm nhiệm, nay do yêu cầu nhiệm vụ đã có gần 50% BHXH các tỉnh, thành phố bố trí được cán bộ tuyên truyền chuyên trách. Đồng thời, thực hiện sự chỉ đạo của BHXH Việt Nam, BHXH thành phố Hà Nội, BHXH thành phố Hồ Chí Minh đã thí điểm tổ chức Phòng Tuyên truyền. Đối với BHXH cấp quận, huyện, công tác tuyên truyền đều do giám đốc, phó giám đốc phụ trách. Bên cạnh đó, nguồn kinh phí dành cho công tác tuyên truyền cũng được BHXH Việt Nam trình Chính phủ điều chỉnh, bổ sung với mức cao hơn so các năm trước. Vì vậy, BHXH các tỉnh, thành phố có đủ điều kiện cả về nhân lực và nguồn lực tài chính để chủ động và tích cực triển khai các hoạt động tuyên truyền, đa dạng hóa về nội dung và hình thức…

Đổi mới phương thức tổ chức tuyên truyền

Một trong những điểm đáng chú ý trong công tác tuyên truyền của ngành BHXH thời gian qua là đổi mới phương thức tổ chức tuyên truyền. Quán triệt tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 21 NQ/T.Ư về việc tăng cường chỉ đạo công tác tuyên truyền chính sách BHXH, BHYT, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị, do đó, công tác tuyên truyền về chính sách BHXH, BHYT trên phạm vi cả nước đã được đẩy mạnh một cách căn bản, đồng bộ.

Trong những năm qua, để tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và phát huy vai trò của cả hệ thống chính trị trong công tác tuyên truyền chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT, BHXH Việt Nam đã xây dựng chương trình phối hợp Ban Tuyên giáo T.Ư và Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các bộ, ngành liên quan và các tổ chức thành viên như: Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Hội Nông dân, Liên minh HTX Việt Nam…, để tổ chức nội dung và kế hoạch triển khai các hoạt động tuyên truyền chính sách BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp. Cụ thể, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức ba hội thảo tuyên truyền về những điểm mới trong chính sách BHXH theo Luật BHXH năm 2014 cho đội ngũ cán bộ BHXH cấp tỉnh và Sở Lao động - Thương binh và Xã hội các địa phương. Qua đó, giúp cho đội ngũ cán bộ làm công tác BHXH tại địa phương nắm rõ được các điểm mới trong Luật BHXH; phối hợp Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức Hội nghị tổng kết Chương trình phối hợp tuyên truyền, phổ biến chính sách BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp thực hiện chính sách BHXH, BHYT giai đoạn 2012-2015 và ký kết Chương trình phối hợp giai đoạn 2016-2020…

Đồng thời, để nâng cao năng lực hoạt động của đội ngũ cán bộ tuyên truyền trong toàn ngành, năm 2015, Ban Tuyên truyền BHXH Việt Nam đã phối hợp Trung tâm truyền thông và giáo dục sức khỏe của Bộ Y tế, mở năm lớp huấn luyện kỹ năng truyền thông cho tất cả cán bộ tuyên truyền thuộc hệ thống BHXH Việt Nam trên phạm vi cả nước. Công tác phối hợp tuyên truyền với các cơ quan truyền thông, báo chí cũng được quan tâm, đẩy mạnh. BHXH Việt Nam đã chủ động cung cấp thông tin cho báo chí; duy trì hội nghị cung cấp thông tin hằng tháng ở cả ba khu vực miền bắc, miền trung - Tây Nguyên và miền nam. Trong năm 2015-2016, BHXH Việt Nam còn mở ba lớp hội nghị tập huấn, trang bị kiến thức về BHXH, BHYT cho đội ngũ phóng viên, biên tập viên chuyên trách theo dõi lĩnh vực BHXH, BHYT của các cơ quan báo chí trong phạm vi cả nước. Với sự đồng hành của các cơ quan truyền thông, Ban Tuyên giáo các tỉnh, thành ủy; huyện, thị ủy; Đài PTTH các địa phương trong phạm vi cả nước; công tác tuyên truyền chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT đã được tăng cường, cả về nội dung, hình thức và tần suất phát sóng trên các kênh truyền thanh, truyền hình cũng như trên các mặt báo ra hằng ngày. Hằng tháng đã có hàng vạn bản tin sinh hoạt chi bộ Ban Tuyên giáo T.Ư, Ban Tuyên giáo các tỉnh, thành ủy biên soạn, trong đó có nội dung tuyên truyền về BHXH, BHYT được phát hành đến các chi bộ trên phạm vi toàn quốc. Ngoài ra đã có hàng nghìn Đài truyền thanh cấp huyện, xã, phường thường xuyên có phát các bài tuyên truyền về BHXH, BHYT…

Có thể thấy, công tác phối hợp các ban, ngành, các cấp có chuyển biến, khi phát huy được vai trò và kinh nghiệm của đội ngũ cán bộ các cấp, ngành, đoàn thể và tổ chức vào các hoạt động tuyên truyền chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp phù hợp với các nhóm đối tượng ở từng lĩnh vực hoạt động và ở mỗi địa phương, đơn vị. Điều đáng nói là, nhiều địa phương đã sáng tạo và lựa chọn được các hình thức tuyên truyền phù hợp với đặc thù dân cư, địa lý, tập quán sinh hoạt và văn hóa, thu hút sự quan tâm của người dân. Kết quả công tác tuyên truyền cũng đã góp phần rất lớn làm thay đổi và nâng cao nhận thức về quyền và trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, hội đoàn thể các cấp và mọi người dân trong việc thực thi, chấp hành các quy định của Luật BHXH, Luật BHYT, để thực hiện tốt mục tiêu “BHXH cho mọi người lao động” và “Lộ trình tiến tới BHYT toàn dân”...

Với việc đầu tư mạnh mẽ cả về nguồn lực, nội dung, hình thức và sự vào cuộc của toàn ngành cũng như cả hệ thống chính trị, công tác tuyên truyền của ngành BHXH sẽ tiếp tục chuyển biến mạnh mẽ theo hướng thiết thực, hiệu quả. Đây được xem là giải pháp có tính đột phá, tác động tích cực và góp phần cổ vũ, động viên người lao động và các tầng lớp nhân dân hiểu rõ hơn và tham gia thực hiện chính sách BHXH, BHYT, góp phần quan trọng trong việc hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ của ngành cũng như của Nghị quyết số 21 NQ/T.Ư của Bộ Chính trị đã đề ra.

Nguyễn Đức Toàn

Phó Giám đốc Trung tâm Truyền thông BHXH Việt Nam