ASEAN-BIS 2016: Tăng cường hội nhập kinh tế trong khu vực

Diễn đàn - Ngày đăng : 15:07, 09/09/2016

Phát biểu tại lễ khai mạc Hội nghị cấp cao về Kinh doanh và Đầu tư ASEAN lần thứ 13, Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith cho biết ASEAN là một thị trường đơn nhất với GDP của cả khối đạt 2,43 nghìn tỉ USD trong năm 2015, xếp thứ 6 trong số những nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Hội nghị Cấp cao về Kinh doanh và Đầu tư ASEAN (ABIS) 2016 được tổ chức tại Lào từ 5-7/9/2016, bên lề Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 28 và 29, là sự kiện thường niên hàng đầu của ASEAN giúp kết nối cộng đồng doanh nghiệp với các nhà lãnh đạo ASEAN, các lãnh đạo doanh nghiệp, doanh nhân và các Tập đoàn sản xuất toàn cầu.

Với lợi thế 620 triệu dân nằm ở khu vực phát triển năng động nhất thế giới, Cộng đồng ASEAN được kỳ vọng sẽ mang lại những thuận lợi to lớn cho các nước trong khu vực cũng như các nước khác trên thế giới. Trong đó, vai trò của khu vực tư nhân vẫn là một yếu tố quan trọng cho việc thực thi kế hoạch tổng thể xây dựng Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) “AEC Blueprint 2025” và hội nhập kinh tế khu vực trong tương lai.

Theo một tuyên bố từ Phòng Thương mại và Công nghiệp Quốc gia Lào (LNCCI), sự tham gia lớn hơn và nhiều hơn của khu vực tư nhân sẽ có lợi cho việc đạt được các mục tiêu của ASEAN. Đầu vào và sự hợp tác trong khu vực kinh tế tư nhân là rất cần thiết không chỉ trong việc đưa ra các chiến lược và sáng kiến khu vực mà còn trong việc xác định những rào cản để vượt qua nhằm thực hiện hội nhập kinh tế khu vực sâu hơn, LNCCI cho biết.

Thủ tướng Thongloun cho biết ASEAN-BIS đóng vai trò rất quan trọng đối với lĩnh vực kinh tế, vì nó giúp đưa các doanh nghiệp ASEAN, Hội đồng Tư vấn Kinh doanh ASEAN và Hội đồng Doanh nhân trẻ ASEAN xích lại gần nhau để trao đổi quan điểm về các vấn đề quan trọng.Kế hoạch tổng thể của Cộng đồng Kinh tế AEC đến năm 2025 (AEC Blueprint 2025) vạch ra các biện pháp sẽ được các quốc gia ASEAN triển khai trong 10 năm tiếp theo như một phần nỗ lực của ASEAN để mở rộng hội nhập kinh tế, với tầm nhìn chung về việc tạo ra một khu vực hội nhập kinh tế thực sự.

Thủ tướng Thongloun nhấn mạnh việc thực hiện có hiệu quả và kịp thời AEC Blueprint 2025 đòi hỏi sự hợp tác chặt chẽ và toàn diện giữa các khu vực công và tư nhân để tạo điều kiện thuận lợi cho sự luân chuyển liên thông hơn của hàng hóa, dịch vụ, vốn và lao động có tay nghề trong ASEAN, nhằm tăng cường mạng lưới thương mại và sản xuất hướng tới một thị trường và cơ sở sản xuất thống nhất hơn cho các doanh nghiệp và người tiêu dùng. ASEAN-BIS cung cấp một nền tảng quan trọng cho việc tăng cường hơn nữa hợp tác công - tư, phối hợp để cải thiện và đơn giản hóa các quy trình.

Bộ trưởng Bộ Công nghiệp và Thương mại Lào Khemmani Pholsena cho biết ASEAN-BIS năm nay nhấn mạnh tới việc “Đưa Tầm nhìn thành hiện thực” và các xu thế lớn toàn cầu có ảnh hưởng đến AEC. Theo đó, nền kinh tế toàn cầu ngày càng được xác định và chịu ảnh hưởng bởi một loạt các xu thế lớn toàn cầu, như số hóa toàn cầu với một loạt các đột phá công nghệ mới như robot tiên tiến, trí tuệ nhân tạo, in 3D, các phương tiện tự lái, học máy (machine learning) và Internet của vạn vật (IoT- Internet of Things).

Các yếu tố quan trọng khác bao gồm sự dịch chuyển trong sức mạnh kinh tế của thế giới, biến đổi khí hậu, thay đổi nhân khẩu học và xã hội, và sự gia tăng của toàn cầu và chuỗi giá trị khu vực, dẫn đến tác động sâu rộng về kinh doanh, kinh tế, công nghiệp, xã hội và cá nhân – và cả cộng đồng ASEAN.

Ông Khemmani cho biết các xu thế lớn toàn cầu đã được phản ánh và tập trung trong AEC Blueprint 2025, và việc cần thiết đối với ASEAN là cần nhận biết và nắm bắt chúng trong những chương trình nghị sự về hội nhập khu vực, bao gồm cả việc bổ sung các hiệp định thương mại tự do khu vực và toàn cầu, phát triển kinh doanh và hội nhập về năng lượng, cơ sở hạ tầng và môi trường, phát triển kinh tế bền vững cho một AEC, tương lai của công nghệ, các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa như là động lực tăng trưởng, vai trò của thanh niên và phụ nữ trong kinh doanh, cũng như tạo thuận lợi cho thương mại và vận tải.

NH