Những dấu mốc của FTA giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á – Âu
Diễn đàn - Ngày đăng : 15:35, 08/09/2016
Hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á - Âu và các quốc gia thành viên (Việt Nam - EAEU FTA), bao gồm Liên bang Nga, Cộng hòa Belarus, Cộng hòa Kazakhstan, Cộng hòa Armenia và Cộng hòa Kyrgyzstan) đã được hai Bên khởi động từ tháng 3/2013 mà lúc đầu được gọi là Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam- Liên minh Hải quan (đàm phán giữa Việt Nam và 3 nước là: Liên bang Nga, Cộng hòa Belarus, Cộng hòa Kazakhstan).
Sau hơn 2 năm đàm phán với 8 phiên chính thức và nhiều phiên họp giữa kỳ, ngày 29/5/2015 Thủ tướng Chính phủ các nước đã thay mặt Nhà nước chính thức ký Hiệp định này tại Burabay, Kazakhstan. Đây là FTA đầu tiên của Liên minh kinh tế Á- Âu với một nước thứ ba. Hiệp định cần được các nước thành viên trong Liên minh kinh tế Á – Âu phê chuẩn. Mới đây, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã có văn bản thông báo việc hai Bên đã hoàn tất thủ tục phê chuẩn và Hiệp định Việt Nam - EAEU FTA chính thức có hiệu lực từ ngày 5/10/2016. Sau khi hiệp định có hiệu lực, hai bên sẽ thành lập Ủy ban hỗn hợp, Ủy ban về Thương mại hàng hóa, Tiểu ban về Quy tắc xuất xứ để phối hợp triển khai hiệu quả, đồng thời giám sát việc thực thi hiệp định
Hiệp định Việt Nam - EAEU FTA có phạm vi toàn diện, mức độ cam kết cao và đảm bảo cân bằng lợi ích, có tính đến điều kiện cụ thể của từng Bên tham gia. Hiệp định bao gồm các Chương chính về Thương mại hàng hóa, quy tắc xuất xứ, phòng vệ thương mại, thương mại dịch vụ, đầu tư, sở hữu trí tuệ, các biện pháp SPS và TBT, công nghệ điện tử trong thương mại, cạnh tranh, pháp lý và thể chế.
Việt Nam cam kết mở cửa thị trường khoảng 90% số dòng thuế với lộ trình trong vòng 10 năm. Đối với các mặt hàng thuộc danh mục quan tâm của Liên minh Kinh tế Á-Âu, Việt Nam sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu ngay khi Hiệp định có hiệu lực đối với một số mặt hàng nông sản (thịt bò, sản phẩm sữa, bột mì); mở cửa có lộ trình 3-5 năm đối với thịt, cá chế biến, máy móc thiết bị điện, máy dùng trong nông nghiệp; 5 năm đối với thịt gà, thịt lợn; 10 năm đối với một số loại rượu bia, ô tô. Thuế nhập khẩu xăng dầu không xóa bỏ sớm hơn năm 2027 và sắt thép có lộ trình xóa bỏ trong vòng không quá 10 năm.
Liên minh Kinh tế Á- Âu cũng sẽ cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với khoảng 90% tổng số dòng thuế, trong đó 59% tổng số dòng thuế được xóa bỏ thuế nhập khẩu ngay khi Hiệp định có hiệu lực. Các nhóm mặt hàng sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu gồm: các mặt hàng nông- lâm- thủy sản của Việt Nam (phần lớn các mặt hàng thủy sản, một số loại rau quả tươi và rau quả đã chế biến, thịt, cá chế biến, ngũ cốc, gạo (hạn ngạch thuế quan 10.000 tấn); và một số mặt hàng công nghiệp mà Việt Nam có thế mạnh xuất khẩu như dệt may (trong hạn ngạch) và nguyên phụ liệu dệt may, giày dép (đặc biệt là giày thể dục), máy móc, linh kiện điện tử, và một số loại dược phẩm, sắt thép, sản phẩm cao su, gỗ và đồ nội thất…
|