Tăng cường hợp tác Việt Nam - Campuchia về CNTT và TT

Hội nhập - Ngày đăng : 14:53, 08/09/2016

Việt Nam và Campuchia sẽ tiếp tục tăng cường hợp tác mạnh mẽ về Công nghệ Thông tin và truyền thông, đặc biệt trên lĩnh vực Viễn thông, Tần số, An toàn thông tin, chứng thực điện tử, kinh nghiệm QLNN ở địa phương, đào tạo nguồn nhân lực, cải thiện môi trường kinh doanh

Sáng nay 8/9 tại trụ sở Bộ TTTT, Bộ trưởng Bộ TTTT Trương Minh Tuấn và Bộ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông Campuchia Tram Iv Tek đã hội đàm song phương về hợp tác trong lĩnh vực Bưu chính Viễn thông.

Tham dự Hội đàm về phía Việt Nam còn có đại diện các đơn vị thuộc Bộ TTTT gồm Văn phòng Bộ, Vụ Bưu chính, Vụ CNTT, Vụ Tổ chức Cán bộ, Trung tâm Chứng thực chữ ký số quốc gia, Viện Chiến lược TTTT, Học viện BCVT, các doanh nghiệp Tổng công ty Bưu điện Việt Nam, VNPT, MobiFone, Viettel.

Về phía Campuchia có sự tham dự của các ông Koy Pum, Phó Quốc Vụ khanh, Phụ trách Văn phòng Bộ trưởng; ông Khov Makara, Phó Quốc vụ khanh; đại diện các đơn vị thuộc Bộ Bưu chính Viễn thông Campuchia gồm Văn phòng Bộ, Vụ Bưu chính Viễn thông, Vụ CNTT, Viện Chiến lược Bưu chính Viễn thông; Vụ Hợp tác quốc tế, Tổng công ty Viễn thông Campuchia.

Toàn cảnh buổi Hội đàm song phương giữa Bộ TTTT Việt Nam và Bộ BCVT Campuchia

Tại buổi Hội đàm, Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn chúc mừng và đánh giá cao việc Bộ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông Campuchia nhận lời thăm Bộ TT&TT, thể hiện sự quan tâm của Chính phủ Campuchia trong việc tăng cường quan hệ hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực TT&TT.

Bộ trưởng Trương Minh Tuấn đã giới thiệu về Bộ TTTT và những nhiệm vụ, chức năng chính mà Bộ TTTT đảm nhiệm, thực hiện quản lý nhà nước trên 5 lĩnh vực gồm: Bưu chính, Viễn thông, CNTT, Báo chí và Xuất bản.

Bộ trưởng Bộ TTTT Trương Minh Tuấn phát biểu

Về lĩnh vực bưu chính, mạng lưới phủ rộng trên 63 tỉnh thành cả nước với 12.738 điểm phục vụ bưu chính công cộng, trong đó có 63 bưu cục giao dịch cấp 1; 769 bưu cục giao dịch cấp 2; 1.793 bưu cục giao dịch cấp 3; điểm Bưu điện văn hóa xã, 434 đại lý Bưu điện. Doanh thu dịch vụ Bưu chính hiện nay đạt hơn 700 triệu USD.

Về lĩnh vực Viễn thông, thị trường dịch vụ viễn thông và Internet cạnh tranh mạnh. Số lượng thuê bao Internet băng rộng ước đạt khoảng 7,6 triệu thuê bao. Số lượng thuê bao di động đạt khoảng 130 triệu thuê bao, trong đó có 123,5 triệu thuê bao di động và số thuê bao 3G đạt khoảng 20 triệu. Số thuê bao Internet băng rộng đạt trên 22,4 triệu đạt tỉ lệ khoảng 25% thuê bao/100 dân. Doanh thu trong lĩnh vực Viễn thông năm 2015 ước đạt 16 tỷ USD.

Công nghiệp CNTT đã trở thành ngành kinh tế quan trọng có tốc độ phát triển hàng năm cao so với các lĩnh vực khác. Doanh thu Công nghiệp Công nghệ thông tin đạt gần 40 tỷ USD, đóng góp 25% GDP Việt Nam. Với chính sách khuyến khích, ưu đãi đầu tư tốt, Việt Nam đang là thị trường năng động, là điểm đến hấp dẫn của nhiều tập đoàn viễn thông, CNTT lớn trên thế giới.

Việt Nam đã xây dựng được một số doanh nghiệp viễn thông, CNTT đạt tầm khu vực và quốc tế có tiềm lực mạnh cả về vốn, công nghệ, đội ngũ nhân lực và kinh nghiệm quản lý, khai thác như Tập đoàn VNPT, Viettel, MobiFone...

Về lĩnh vực Báo chí - Xuất bản, Việt Nam có 455 cơ quan báo chí, 125 báo điện tử và 66 đài PTTH, phủ sóng 99,5% lãnh thổ, 175 kênh truyền hình, 1 hãng thông tấn quốc gia, hơn 30 cơ quan báo chí nước ngoài có đại diện ở Việt Nam. Việt Nam đang trong quá trình số hóa truyền hình, đã thực hiện ngừng phát sóng analog ở 5 thành phố lớn là Hà Nội, TP. HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ, Hải Phòng và sẽ hoàn tất việc chuyển đổi sang truyền hình số vào năm 2020. Ngành Xuất bản hiện có 63 nhà xuất bản, 1500 cơ sở in.

Với kinh nghiệm phát triển thị trường Viễn thông, Internet, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn đề xuất hợp tác với Bộ Bưu chính Viễn thông Campuchia trên bốn lĩnh vưc:

Một là có thể tăng cường các hoạt động hợp tác giữa các cơ quan quản lý nhà nước về TTTT. Trong đó tập trung vào hoạt động trao đổi giữa các đoàn, chia sẻ kinh nghiệm xây dựng chính sách, đào tạo quản lý, nghiệp vụ... để góp phần củng cố mối quan hệ hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Campuchia. Hiện hai nước đã có hợp tác toàn diện trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, an ninh, quốc phòng, khoa học kỹ thuật. Trong đó, TTTT là lĩnh vực hàng đầu có thể tham gia hợp tác.

Hai là đẩy mạnh phối hợp các đối tác của Campuchia với các quan hệ hợp tác song phương để tạo điều kiện cho doanh nghiệp TT&TT hai nước hoạt động hiệu quả hơn. Đặc biệt là hợp tác trên lĩnh vực an toàn thông tin – vấn đề đang được tất cả các quốc gia quan tâm, quan tâm đến sự phối hợp trên lĩnh vực an toàn thông tin giữa hai quốc gia.

Ba là, mong Campuchia tiếp tục ủng hộ Việt Nam trên các diễn đàn quốc tế như Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU), Liên minh Bưu chính thế giới (UPU)... Tới đây, Việt Nam ứng cử vào Hội đồng Điều hành bưu chính CA nhiệm kỳ 2017 - 2020 tại Đại hội UPU lần thứ 26 tổ chức tại Thổ Nhĩ Kỳ. Mong Campuchia ủng hộ Việt Nam ứng cử vào hội đồng này.

Bộ trưởng Trương Minh Tuấn đề nghị Bộ trưởng Tram Iv Tek và Bộ Bưu chính Viễn thông Campuchia tiếp tục hỗ trợ cho các doanh nghiệp Việt Nam đang hoạt động tại Campuchia như Viettel, VNPT, FPT... Đồng thời yêu cầu doanh nghiệp viễn thông của Việt Nam hỗ trợ để đảm bảo an toàn thông tin cho Campuchia.

Bộ trưởng Bộ BCVT Campuchia Tram Iv Tek cảm ơn sự đón tiếp nhiệt tình của Bộ TTTT Việt Nam và đề xuất các hợp tác

Cũng tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ BCVT Campuchia Tram Iv Tek cảm ơn sự tiếp đón nồng hậu của Bộ TTTT Việt Nam và cho rằng chuyến thăm lần này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho hai bên hợp tác hiệu quả hơn trong thời gian tới.  Đến tháng 8/2016, Campuchia đã cấp 79 giấy phép cho doanh nghiệp nước ngoài vào đầu tư kinh doanh tại quốc gia này, trong đó có một số doanh nghiệp Việt Nam. Dân số Campuchia chỉ có 15 triệu người nhưng có hơn 19 triệu thuê bao di động (tỷ lệ 133%), trong đó hơn 9 triệu thuê bao sử dụng mạng Viettel (46% thị trường). Số lượng thuê bao điện thoại để bàn chỉ khoảng 230.000 (2%). Cả nước có 7,15 triệu người sử dụng Internet (47%), trong đó mạng Internet của Viettel chiếm 30%.

Đánh giá cao thành tựu đạt được của Việt Nam trong lĩnh vực CNTT, đạt tầm cỡ khu vực và quốc tế, Bộ trưởng Tram Iv Tek bày tỏ sự nhất trí cao với 3 đề xuất của Bộ trưởng Trương Minh Tuấn và nhấn mạnh việc hợp tác giữa hai Bộ  trong việc phối hợp tần số, nhất là ở khu vực biên giới; Hợp tác trong lĩnh vực chứng thực điện tử (ngoài ký thỏa thuận giữa hai Bộ thì cũng giao các đơn vị trực thuộc triển khai hợp tác cụ thể); Trao đổi kinh nghiệm quản lý của các Sở phụ trách TT&TT ở địa phương...

Ghi nhận những đề xuất của Bộ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông Campuchia, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn khẳng định: Biên bản ghi nhớ hợp tác tần số giữa Việt Nam và Campuchia đã ký năm 2012 hiện vẫn còn có hiệu lực. Mong Bộ Bưu chính Viễn thông Campuchia xem xét thêm, nếu cần sửa đổi, bổ sung nội dung thỏa thuận nào thì trao đổi để phía Việt Nam biết. Vụ Hợp tác quốc tế của Bộ TTTT sẽ là đầu mối tiếp nhận thông tin.

Về vấn đề quản lý nhà nước về tần số, nhất là tần số khu vực biên giới, hai bên đang phối hợp tốt. Đề nghị cơ quan quản lý tần số hai nước tiếp tục phối hợp triển khai hoạt động này theo tinh thần thỏa thuận đã ký năm 2012 giữa hai nước.

Về hợp tác trong lĩnh vực chứng thực điện tử, Viện Đào tạo Campuchia sẽ là đầu mối để trao đổi, còn phía Việt Nam sẽ giao Trung tâm Chứng thực điện tử Quốc gia xây dựng dự thảo văn bản thỏa thuận.

Giám đốc Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông thuộc Bộ TTTT đã đề xuất ký biên bản hợp tác với Học viện BCVT - CNTT Campuchia. Nếu Bộ Bưu chính Viễn thông Campuchia đồng ý sẽ giao Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông Việt Nam chuẩn bị các thủ tục cần thiết để tiến hành ký kết cụ thể.

Các kế hoạch hợp tác này dự kiến sẽ được ký kết vào trung tuần tháng 9 trong chuyến thăm và làm việc của Bộ trưởng Trương Minh Tuấn tại Campuchia.

Về kinh nghiệm quản lý nhà nước lĩnh vực TTTT tại địa phương, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn đã trao đổi: Việt Nam hiện có 63 Sở TTTT, chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về TTTT tại từng tỉnh, thành phố. Nhân sự thì do địa phương quản lý, nhưng chuyên môn, nghiệp vụ do Bộ TTTT chỉ đạo và quản lý. Các doanh nghiệp như VNPT, Viettel,... cũng có mặt tại các địa phương, phối hợp với các Sở TTTT để tăng hiệu quả hoạt động trên lĩnh vực TTTT tại địa phương. Bộ trưởng giao Vụ Hợp tác quốc tế, Vụ Tổ chức cán bộ làm đầu mối chia sẻ thông tin về hoạt động của các Sở TTTT cho phía Campuchia để tham khảo kinh nghiệm.

Bộ trưởng Trương Minh Tuấn và Bộ trưởng Tram Iv Tek và đại biểu hai Bộ TTTT Việt Nam và Bộ BCVT Campuchia chụp ảnh lưu niệm

Kết luận buổi Hội đàm, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn đã khẳng định trách nhiệm hợp tác của hai Bộ TTTT Việt Nam và Bộ BCVT Campuchia rất quan trọng để thúc đẩy để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội - văn hóa của hai nước.

Lan Phương