Tạo môi trường bồi dưỡng tư tưởng chính trị cho sinh viên thông qua các câu lạc bộ sinh viên

Xu hướng - Dự báo - Ngày đăng : 15:16, 01/09/2016

Sinh viên là một bộ phận của thanh niên, là trí thức tương lai. Lực lượng này đóng vai trò quan trọng trong định hướng tư tưởng của thanh niên nói chung. Sinh viên có những đặc điểm đặc thù tác động đến sự chủ động và tích cực học tập cũng như tham gia vào các hoạt động xã hội. Vì vậy, việc tạo môi trường bồi dưỡng tư tưởng chính trị cho sinh viên thông qua việc sinh hoạt các câu lạc bộ, đội, nhóm là điều cần thiết trong giai đoạn hiện nay.

Câu lạc bộ Sinh viên Tình nguyện Trường Đại học CN Quảng Ninh

Câu lạc bộ Sinh viên Tình nguyện Trường Đại học CN Quảng Ninh

Câu lạc bộ là một hình thức sinh hoạt, tập hợp nhiều người trong một tổ chức, cơ quan, đơn vị hoặc trong xã hội, tự nguyện tham gia các hoạt động chính trị, xã hội, khoa học, kĩ thuật, văn hóa… Câu lạc bộ gắn liền với những hoạt động chuyên ngành nhất định. Trong nhà trường, câu lạc bộ sinh viên là nơi tập hợp những sinh viên có cùng sở thích, cùng nhu cầu nhằm một mục đích nhất định. Câu lạc bộ sinh viên vừa là một loại hình tổ chức hoạt động, vừa là một phương thức hoạt động, vừa là một bộ phận quan trọng của tổ chức Hội Sinh viên, nhằm hỗ trợ, giải quyết những vấn đề phức tạp, quan trọng trong học tập và cuộc sống hằng ngày, đáp ứng nhu cầu chính đáng của sinh viên.

Sinh viên là nhóm người đang trong quá trình học tập, chuẩn bị nghề nghiệp chuyên môn để sau khi ra trường trở thành lực lượng lao động trong các ngành, các lĩnh vực tự nhiên, kinh tế, xã hội…. Đây chính là lực lượng lao động dự bị cho xã hội thay thế lực lượng lao động cũ khi lớp người này không còn trong độ tuổi lao động. Chính vì vậy, sinh viên có một “vị trí thực” trong cơ cấu nghề nghiệp xã hội bởi hoạt động chủ yếu của họ vẫn là hoạt động học tập. Thông qua sinh hoạt, các câu lạc bộ hình thành nên những hoạt động nhóm mà ở đó các thành viên sẽ cùng chung sức giúp đỡ lẫn nhau thực hiện công việc, một nhiệm vụ nào đó nhằm đạt được mục đích chung đã đề ra. Tham gia vào hoạt động của các câu lạc bộ có ý nghĩa quan trọng trong việc trao đổi kiến thức, hoàn thiện tư duy sáng tạo và những phương pháp học tập có hiệu quả. Việc sinh hoạt tập thể trong các câu lạc bộ sẽ giúp cho sinh viên tiếp thu, trao đổi những kiến thức của nhau thông qua trao đổi, thảo luận để hoàn thiện dần vốn kiến thức của mình, đồng thời kích thích hứng thú học tập và tạo niềm đam mê trong nghề nghiệp cho sinh viên.

Trong trường đại học, cao đẳng, sinh viên chịu sự quản lý của lớp, của khoa và của nhà trường (trực tiếp là phòng công tác sinh viên). Ngoài ra, sinh viên còn chịu sự lãnh đạo trực tiếp của tổ chức đảng, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và Hội Sinh viên. Sinh viên là đại biểu cho tầng lớp tiên tiến, ưu tú của xã hội, đồng thời là lớp người năng động, sáng tạo, thích tìm tòi, thích cái mới và dễ tiếp thu cái mới. Đây cũng là tầng lớp khá nhạy cảm với các vấn đề chính trị - xã hội, đôi khi tiêu cực nếu không được định hướng tốt. Vì vậy, các tổ chức này là nơi định hướng tư tưởng chính trị cho sinh viên một cách đúng đắn, góp phần hình thành nên bản lĩnh chính trị cho sinh viên, chống lại các biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” và “thờ ơ chính trị” đang diễn biến ngày càng phức tạp trong thanh niên nói chung và sinh viên nói riêng. Ngoài ra, các hoạt động của câu lạc bộ sinh viên sẽ tạo nên những hiệu quả tích cực trong quá trình rèn luyện và học tập của sinh viên. Câu lạc bộ cũng giúp cho việc quản lý hoạt động của sinh viên của khoa chủ quản và nhà trường được thống nhất. Sinh viên sẽ có môi trường rèn luyện bổ ích, tránh tiếp xúc với các tệ nạn xã hội.

Mặt khác, việc tham gia sinh hoạt các câu lạc bộ sẽ giúp cho sinh viên có môi trường thể hiện cá tính của bản thân, giúp họ phát huy được tính năng động, sáng tạo của bản thân. Sinh viên là những người sống có lý tưởng, có xu hướng mở rộng các mối quan hệ, đặc biệt là những quan hệ đồng đẳng, cùng nhóm. Họ luôn có ý thức cao về bản thân mình và luôn muốn thể hiện vai trò cá nhân. Do đó, sinh viên rất hăng say khi tham gia các hoạt động, các buổi sinh hoạt chung. Chẳng hạn, sinh viên có thể tham gia các câu lạc bộ đồng hương, như Hội đồng hương Nghệ An, Hội đồng hương Phú Thọ, Hội đồng hương Tràng Định…; các câu lạc bộ: Câu lạc bộ guitar, Câu lạc bộ Võ thuật, các đội tình nguyện, các đội văn nghệ… Đặc biệt là ở các trường Đảng và trường Khoa học xã hội và nhân văn nhiều câu lạc bộ học tập được hình thành gắn liền với chuyên môn của ngành học. Tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền có một số câu lạc bộ tiêu biểu, như Câu lạc bộ Tuyên giáo trẻ của Khoa Tuyên truyền, câu lạc bộ Sân chơi lịch sử của Khoa Lịch sử Đảng, câu lạc bộ Những nhà lãnh đạo quản lí tương lai của Khoa Xây dựng Đảng, câu lạc bộ Danh nhân Hồ Chí Minh của Khoa Tư tưởng Hồ Chí Minh, câu lạc bộ Chính trị học của Khoa Chính trị học… Các câu lạc bộ này, được hình thành từ các khoa chủ quản với mục đích tạo ra môi trường giao lưu, học hỏi cho các bạn sinh viên trong khoa, đồng thời xây dựng kế hoạch và tổ chức các chương trình mang tính chuyên môn, có nội dung gắn liền với nội dung giảng dạy của các khoa chủ quản. Từ đó, góp phần bồi dưỡng, nâng cao trình độ về mọi mặt cho sinh viên cả về phẩm chất (nhất là phẩm chất chính trị, phẩm chất đạo đức) và năng lực nghề nghiệp. Hơn nữa, những câu lạc bộ này là nơi phát triển nhận thức và thái độ nghề nghiệp của sinh viên khi tham gia câu lạc bộ. Với mục tiêu là “học đi đôi với hành”, “lý luận gắn với thực tiễn” thì  khi tham gia các câu lạc bộ này sinh viên có cơ hội giao lưu, chia sẻ những kiến thức đã học vào việc giải quyết các tình huống cụ thể dựa trên sự cố vấn của các thầy cô trên khoa. Thông qua đó, sinh viên bước đầu hình thành năng lực của bản thân, có những bước chuẩn bị đầu tiên cho quá trình kiến tập và thực tập của mình, đồng thời vun đắp lòng yêu nghề của sinh viên  trong quá trình học tập và rèn luyện. Thông thường những câu lạc bộ trên hoạt động thường niên 1 năm/lần, vì vậy sự thu hút, quan tâm của sinh viên chưa cao.

Thời gian gần đây, các câu lạc bộ đã có xu hướng mở rộng sinh hoạt và mức độ thu hút sinh viên để không chỉ sinh viên trong khoa chủ quản mà sinh viên trong Học viện cũng biết và tham gia hoạt động. Một trong những Câu lạc bộ điển hình thực hiện tốt hoạt động của mình phải kể đến đó là câu lạc bộ Tuyên giáo trẻ thuộc Liên chi đoàn Khoa Tuyên truyền, Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Câu lạc bộ hoạt động với mục đích xây dựng một đội ngũ các thành viên có khả năng tự tin giao tiếp, giỏi về kĩ năng thuyết trình, phát biểu miệng, hiểu biết về công tác tuyên giáo và luôn cùng nhau đoàn kết, đóng góp tích cực cho hoạt động của Khoa, Nhà trường. Từ đó tạo môi trường hoạt động thân thiện, cởi mở và tiến bộ cho thành viên, giúp các thành viên rèn luyện kỹ năng phát biểu miệng, kỹ năng giao tiếp, thuyết trình và một số kỹ năng khác của công tác tuyên giáo… Câu lạc bộ hoạt động dưới sự quản lý và định hướng chuyên môn của Ban chủ nhiệm khoa, Ban Cố vấn và Ban chấp hành Liên chi đoàn Khoa Tuyên truyền. Trong thời gian qua, Ban chủ nhiệm câu lạc bộ đã có điều chỉnh điều lệ hoạt động câu lạc bộ nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của câu lạc bộ mình. Cụ thể, câu lạc bộ đã mở rộng đối tượng tham gia từ phạm vi chỉ có sinh viên trong khoa thì nay tất cả sinh viên đang học tập tại Học viện có niềm đam mê, yêu thích, có nhu cầu rèn luyện kỹ năng hoạt động tuyên giáo thì đều có thể được tham gia sinh hoạt câu lạc bộ. Ban chủ nhiệm câu lạc bộ cũng đã điều chỉnh lịch sinh hoạt định kì của câu lạc bộ từ 1 năm/lần như trước đây thì nay câu lạc bộ sinh hoạt định kì 1 tuần/lần. Bên cạnh đó, công tác truyền thông của câu lạc bộ cũng đã được phát triển rộng thông qua mạng xã hội facebook, pa – nô, áp-phích, tờ rơi… Những hoạt động trên góp phần tích cực trong việc thu hút sự quan tâm của sinh viên trong Học viện.

Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm mà câu lạc bộ sinh viên đạt được thì vẫn còn tồn tại một bộ phận sinh viên còn thiếu năng động, thiếu sáng tạo, còn rụt rè nhút nhát trong học tập và trong các mối quan hệ xã hội, lối sống ỷ lại, buông thả vẫn còn tồn tại. Vì vậy, đề nâng cao hiệu quả hoạt động của các câu lạc bộ sinh viên trong các trường đại học, cao đẳng hiện nay, tôi xin được đề xuất một số các giải pháp sau:

Một là, cần tăng cường sự lãnh đạo, quản lý của khoa chủ quản và ban chủ nhiệm các câu lạc bộ trong việc chỉ đạo, tạo điều kiện thuận lợi để duy trì hoạt động, sinh hoạt của các câu lạc bộ. Trong đó, Ban chủ nhiệm Khoa trực tiếp chỉ đạo, tư vấn nội dung hoạt động và bồi dưỡng nghiệp vụ cho các thành viên của câu lạc bộ. Ban chủ nhiệm câu lạc bộ quản lý, điều hành, đưa ra các quyết định cho chương trình, nội dung, hình thức, hoạt động của câu lạc bộ.

Hai là, thường xuyên kiện toàn đội ngũ, quan tâm đầu tư, hỗ trợ kinh phí cho việc duy trì sinh hoạt các câu lạc bộ.

Ba là, tăng cường công tác tuyên truyền, nhất là tuyên truyền định hướng dư luận, bồi đắp tư tưởng chính trị cho sinh viên; đổi mới hình thức, phương pháp hoạt động của các câu lạc bộ để thu hút thành viên trong và ngoài trường tham gia.

Bốn là, tổ chức các lớp tập huấn nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng cho đội ngũ cộng tác viên và các thành viên câu lạc bộ.

Năm là, tăng cường sự phối hợp hoạt động giữa các câu lạc bộ với tổ chức đoàn thể trong việc nâng cao hiệu quả hoạt động của câu lạc bộ. Giải pháp này nhằm mở rộng các hoạt động giao lưu và hợp tác với các câu lạc bộ khác trong và ngoài nhà trường để các thành viên học hỏi và chia sẻ kinh nghiệm.

Với sinh viên, những ngày ngồi trên ghế giảng đường đại học là quãng thời gian vô cùng quan trọng trong quá trình lâu dài tích lũy kiến thức, hình thành bản lĩnh chính trị vững vàng, kinh nghiệm và phương pháp tư duy, nghiên cứu khoa học. Từ điểm xuất phát này, con người sẽ trưởng thành hơn khi bước vào cuộc sống. Nếu điểm xuất phát tốt, sẽ đạt được những bước đi dài, ổn định và vững chắc trong tương lai; ngược lại, con đường đi lên sẽ khó khăn hơn. Một đất nước Việt Nam có phồn vinh và vững mạnh trong tương lai hay không là phụ thuộc phần lớn vào thế hệ trẻ sau này, trong đó có sinh viên.

K.T