Đánh giá tác động của Brexit đến nền kinh tế Việt Nam

Hội nhập - Ngày đăng : 15:07, 31/08/2016

Việc nước Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), còn được gọi là Brexit, có thể làm cho EU mất đi một trong những thành viên lớn nhất của khối. Mặc dù, khoảng thời gian để Anh hoàn tất việc đàm phán rời khỏi EU dự tính có thể dài hơn 2 năm, nhưng những hậu quả mà nó gây ra sẽ nhanh chóng tác động đến nền kinh tế toàn cầu, trong đó có Việt Nam.

Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, Brexit sẽ mang đến cho các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam một số lợi thế trong việc tạo ra những điều kiện thuận lợi để ký kết các thỏa thuận thương mại tự do và thu hút đầu tư từ Anh. Tuy nhiên, sự kiện này cũng gây ra những tác động tương đối xấu tới nền kinh tế Việt Nam, nhất là các kênh thương mại và đầu tư.

Làm suy giảm nguồn FDI từ Anh

Theo dự đoán, Brexit sẽ ảnh hưởng tới đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, đặc biệt là nguồn đầu tư từ Anh. Quốc gia này hiện đang đứng thứ 15 trong số 116 đối tác đầu tư tại Việt Nam. Tuy nhiên, tác động cụ thể thế nào thì hiện vẫn chưa thể định lượng một con số cụ thể.

Theo GS.TS Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư nước ngoài, khi kinh tế trong nước suy thoái, chính phủ Anh sẽ coi trọng đầu tư nội địa, nhằm tạo thêm công ăn việc làm cho người dân. Đồng bảng Anh sẽ mất giá, nền kinh tế trong ngắn hạn sẽ chao đảo khiến các công ty Anh phải tính toán và cân nhắc các kế hoạch kinh doanh khi đầu tư ra nước ngoài. May mắn là đầu tư trực tiếp của Anh vào Việt Nam hiện nay không quá lớn nên trên thực tế, những tác động này không đáng kể. 

Theo thông tin của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính lũy kế đến hết tháng 12/2015, Vương quốc Anh đang đầu tư vào 241 dự án tại Việt Nam, với tổng vốn đăng ký đạt 4,73 tỷ USD; còn tính đến 20/6/2016, số dự án đầu tư còn hiệu lực của Anh đầu tư vào Việt Nam là 266 dự án, tổng vốn đầu tư 3,584 tỷ USD. Vốn của các nhà đầu tư đến từ Anh tập trung nhiều nhất trong lĩnh vực bất động sản, với 8 dự án có tổng vốn đăng ký 2,06 tỷ USD; lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo đứng thứ hai với 79 dự án, tổng vốn đầu tư đăng ký 1,37 tỷ USD; lĩnh vực khai khoáng đứng thứ 3, với tổng vốn đăng ký 1,3 tỷ USD.

 Chi tiết nguồn FDI từ Anh vào các lĩnh vực tại Việt Nam năm 2015 (Nguồn: Tổng cục thống kê, 2016)

Tuy nhiên, điều đáng lo hơn cho Việt Nam là ở chiều ngược lại, đầu tư của nước ta vào Anh ngày càng gia tăng qua các năm (xem biểu đồ 2). Theo số liệu của Cục đầu tư nước ngoài (2016), lũy kế đến hết năm 2015, Việt Nam có khoảng 1049 dự án đầu tư tại Anh, tổng vốn đăng ký đạt 2.0774,7 triệu USD. Tuy nhiên tốc độ đầu tư tính theo giá trị có xu hướng giảm sau giai đoạn 2010, chỉ còn đạt 774,8 triệu USD. Ông Bùi Ngọc Sơn (2016),

Ngoài ra, các dự án đầu tư của Việt Nam tại Anh sẽ chịu ảnh hưởng nhiều hơn. Theo các chuyên gia, trong khi các nước mất nhiều công sức để hội nhập, giảm mọi chi phí thủ tục, tạo ra của cải và công ăn việc làm, việc Anh đột nhiên tách khỏi EU sẽ gây ra rất nhiều chuyện rắc rối và thiệt hại. Tất cả những ưu thế mà các nhà đầu tư đang khai thác lẫn nhau giờ đây sẽ bị vô hiệu. Tất cả các lợi thế cộng hưởng sẽ mất đi. Lúc này, các nhà đầu tư vào Anh sẽ phải thiết lập lại thị trường và, tất nhiên, sẽ mất nhiều thời gian, chi phí cho những thủ tục khác.

Ảnh hưởng đến Hiệp định thương mại tự do thương mại Việt Nam - EU

Việc Anh rời EU sẽ làm chậm lại tiến trình tự do hóa và hội nhập kinh tế quốc tế. Do đó, nhiều khả năng nó sẽ làm ảnh hưởng tới quá trình hội nhập của nền kinh tế Việt Nam. Hiệp định thương mại Việt Nam - EU (EVFTA) đã chính thức kết thúc đàm phán vào ngày 01/12/2015. Ngày 01/02/2016, văn bản hiệp định được công bố. Hiện tại, hai bên đang tiến hành rà soát lại nội dung hiệp định và lên kế hoạch ký kết trong năm 2016 để sớm đưa EVFTA có hiệu lực từ năm 2018. Việc Anh rời EU có thể sẽ khiến cho kế hoạch ký kết Hiệp định này bị ảnh hưởng. Hơn nữa, sau khi chính thức kết thúc đàm phán hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và EU, Việt Nam sẽ phải đàm phán hiệp định thương mại tự do song phương với Anh, do Anh đã rời khỏi EU.

Ảnh hưởng đến quan hệ kinh tế EU – Việt Nam

EU là đối tác thương mại và đầu tư quan trọng của Việt Nam. Trong 10 năm trở lại đây, Việt Nam luôn ở vị thế xuất siêu với EU. Trao đổi thương mại hai chiều tăng mạnh từ 4,5 tỷ USD trong năm 2001 lên đến 2014 36,8 tỷ USD vào năm 2014. Trong đó, Việt Nam xuất khẩu sang EU khoảng 27,9 tỷ USD và nhập khẩu từ EU khoảng 8,9 tỷ USD. Năm 2014, EU trở thành thị trường xuất khẩu đứng thứ hai của Việt Nam, với các sản phẩm chủ yếu như điện thoại và linh kiện, máy tính, sản phẩm điện tử, hàng dệt may, giày dép các loại, cà phê, đồ gỗ gia dụng, hàng thủy sản. Ngược lại, Việt Nam nhập khẩu từ EU tập trung vào các sản phẩm công nghệ cao, máy móc thiết bị, dược phẩm, hóa chất, ôtô, xe máy,... Hàng hóa xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và EU có tính tương tác, bổ sung cho nhau khá cao, hứa hẹn còn nhiều tiềm năng cho mỗi bên. 

Các doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm sang thị trường châu Âu

EU cũng là đối tác đầu tư quan trọng của Việt Nam, là nhà đầu tư lớn thứ 6 tại Việt Nam năm 2014 và lớn thứ 3 năm 2015. Tính đến tháng 4/2016, có 1.809 dự án từ 24 quốc gia thuộc EU còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký 23,16 tỷ USD, chiếm 8,7% số dự án của cả nước và chiếm 8% tổng vốn đầu tư đăng ký toàn Việt Nam. Việc Anh rời EU sẽ khiến đồng Euro giảm giá mạnh so với VNĐ, khiến kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ của Việt Nam vào EU giảm đáng kể về mặt giá trị. Do vậy, việc Anh rời EU sẽ tác động tiêu cực tới hoạt động kinh doanh giữa Việt Nam và EU.

Trong trung và dài hạn, xuất khẩu của Việt Nam sang EU được dự báo sẽ chịu ảnh hưởng tiêu cực do thị  trường EU bị  thu hẹp và tăng trưởng kinh tế  tại các nước EU suy giảm. Đầu tư từ EU sang Việt Nam dự báo cũng yếu đi do tiềm lực tài chính của các nước EU suy yếu khi Anh rời khỏi khối. Những tác động tiêu cực này sẽ làm giảm bớt những tác động tích cực mà hiệp định thương mại tự do EVFTA sẽ mang lại cho mối quan hệ thương mại và đầu tư giữa Việt Nam với EU như dự báo ban đầu.

Việc Anh rời EU sẽ ảnh hưởng lớn tới tiến trình tự do hóa thương mại thế giới, làm suy giảm tăng trưởng thương mại và đầu tư toàn cầu, ảnh hưởng tới thương mại và đầu tư của các đối tác lớn của Việt Nam gồm Mỹ, EU và Trung Quốc. Tất cả những yếu tố trên sẽ tác động tiêu cực tới nhu cầu của thế giới đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam và dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, từ đó ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế của nước ta.

Mở ra nhiều cơ hội mới về quan hệ thương mại, đầu tư với Anh

Tuy nhiên, bên cạnh những tác động tiêu cực, các chuyên gia cũng dự đoán, giai đoạn hậu Brexit, ngoài thị trường châu Âu, Anh sẽ chú trọng đa dạng thị trường, giảm sự phụ thuộc vào các quốc gia láng giềng và châu Á là điểm đến năng động, giàu tiềm năng. Điều này, tạo điều kiện thuận lợi cho Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) hướng đến mục tiêu hình thành một thị trường chung sống nhất; trong đó, thương mại, đầu tư được tự do hoá, nhằm tăng khả năng cạnh tranh của ASEAN trên thị trường toàn cầu. 

Xét về dài hạn, đây là cơ hội tốt để ASEAN; trong đó, có Việt Nam tăng cường quan hệ thương mại, đầu tư với Anh. Việc tiếp cận thị trường Anh cũng là cơ hội để ASEAN và Việt Nam chủ động học hỏi cũng như thích ứng với biến động của tình hình kinh tế, chính trị từ sự kiện Brexit.

Dù các quốc gia trên thế giới có ủng hộ hay phản đối thì Brexit cũng đã diễn ra, và nước Anh đang chuẩn bị những bước đi cuối cùng để hoàn tất sự kiện lịch sử này. Những nhận định về tác động của Brexit đến nền kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng vẫn đang ở giai đoạn phân tích và dự đoán. Còn câu trả lời chính xác sẽ nằm ở tương lai.

LB