Trọng trách của PTIT là đào tạo nhân lực BCVT, CNTT chất lượng cao cho quốc gia

Đời sống xã hội - Ngày đăng : 20:23, 10/08/2016

"Học viện công nghệ BCVT với chức năng là một trung tâm đào tạo nguồn lao động chất lượng cao về BCVT-CNTT có trình độ đại học, trên đại học trong hệ thống giáo dục quốc dân".

Sáng 10/8/2016, Đồng chí Trương Minh Tuấn, Bí thư BCS Đảng,  Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông kiêm phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đã tới thăm làm việc với Học viện công nghệ BCVT. Tham dự buổi làm việc có ông Nguyễn Minh Hồng, Thứ trưởng Bộ TTTT và đại diện các đơn vị thuộc Bộ TTTT.

Bộ trưởng Bộ TTTT Trương Minh Tuấn chỉ đạo công tác của Học viện trong thời gian tới

Tại buổi làm việc, ông Vũ Văn San, Giám đốc Học viện công nghệ BCVT đã báo cáo tình hình hoạt động của Học viện. Tính đến 31/7/2016, Học viện có 762 CBCNV, trong đó có 71 Tiến sỹ (17 GS và PGS), 330 thạc sỹ. Đội ngũ giảng viên, nghiên cứu viên đa số có trình độ từ thạc sỹ trở lên, nhiều cán bộ được tu nghiệp, học tập dài hạn ở nước ngoài. Với đặc thù hợp nhất từ các viện nghiên cứu và cơ sở đào tạo của Ngành, ngay từ khi thành lập Học viện đã thực hiện chủ trương gắn kết đào tạo với nghiên cứu khoa học. Từ năm 2012, Học viện đã chính thức thí điểm tổ chức cho các nghiên cứu viên tại các Viện nghiên cứu và các giảng viên trong các Khoa đào tạo cùng tham gia công tác giảng dạy thông qua việc giao một số ngành đào tạo/hệ đào tạo cho các Viện nghiên cứu phụ trách (Giao cho ngành marketing cho Viện Kinh tế bưu điện; ngành Công nghệ Đa phương tiện cho Viện CNTT và Truyền thông, Hệ chất lượng cao cho Viện Kinh tế Bưu điện, giao nhiệm vụ giảng dạy/hướng dẫn thực tập… cho các nghiên cứu viên trong các Viện. Đến nay, Học viện đang tiếp tục duy trì và hoàn thiện mô hình hoạt động trên, có điều chỉnh cho phù hợp với giai đoạn mới.

Về ngành nghề đào tạo, hiện Học viện đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cho phép đào tạo hầu hết các cấp trình độ, loại hình đào tạo và nhiều ngành đào tạo. Trình độ Tiến sỹ (5 chuyên ngành): Kỹ thuật điện tử, Kỹ thuật Viễn thông, Kỹ thuật máy tính, Hệ thống thông tin và Quản trị Kinh doanh. Trình độ Thạc sỹ (05 chuyên ngành): Kỹ thuật Điện tử; Kỹ thuật Viễn thông, Khoa học máy tính; Hệ thống thông tin và Quản trị Kinh doanh. Trình độ Đại học (ĐH) có 9 ngành ĐH chính quy, 3 ngành ĐH liên thông, 3 ngành ĐH bằng 2, hệ ĐH vừa học vừa làm, 3 ngành đào tạo ĐH từ xa ở 2 bậc hệ đào tạo 5 năm và 2,5 năm. Trình độ cao đẳng và trình độ cao đẳng nghề có 4 ngành. Học viện cũng thực hiện liên kết đào tạo quốc tế 1 ngành là đào tạo thạc sỹ CNTT với ĐH công nghệ Sydney, Úc.

Tính tới 30/6/2016, tổng số học viên, sinh viên đang có mặt, học tập tại Học viện là 14.754 học viên, sinh viên (trong đó có 12.501 sinh viên chính quy, chiếm 85%; 86 nghiên cứu sinh và 570 học viên thạc sỹ; 101 sinh viên hệ vừa làm vừa học, 1.236 sinh viên hệ ĐH từ xa, 250 sinh viên cao đẳng nghề.

Trong năm 2015, Học viện đã hoàn thành tốt công tác tuyển sinh, đặc biệt đối với kỳ thi tuyển sinh ĐH, Cao đẳng chính quy. Học viên là một trong những trường ĐH được nhận giấy khen của Bộ GD&ĐT. Trong năm 2016, Học viện được Bộ GD&ĐT giao tuyển sinh 4.225 chỉ tiêu, bao gồm: 25 NCS/tiến sỹ; 280 thạc sỹ; 3000 chỉ tiêu ĐH chính quy; 50 chỉ tiêu Liên thông chính quy; 400 chỉ tiêu ĐH vừa học vừa làm các hệ và 500 chỉ tiêu ĐH từ xa.

Bên cạnh các hệ đào tạo dài hạn, Học viện có bộ máy (2 Trung tâm Đào tạo), kinh nghiệm và truyền thống tổ chức hoạt động đào tạo bồi dưỡng để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho CBCNV cho ngành BCVT và xã hội. Hàng năm (giai đoạn 2008 - 2015), Học viện tổ chức đào tạo bồi dưỡng bình quân khoảng từ 160 - 170 khóa học với trên 10 - 12.000 lượt cán bộ, học viên theo học/năm.

Về hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, Học viện ưu tiên thực hiện các nghiên cứu chuyên sâu về Chính phủ điện tử, An toàn thông tin, Thành phố thông minh; Giao thông thông minh; Công nghệ 5G, Internet of Things (IoT), ứng dụng CNTT bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc... Trong những năm qua. Học viện là đơn vị chủ lực triển khai đề tài các cấp của ngành TTTT, đã xây dựng gần 100% các Quy chuẩn, khoảng 80% Tiêu chuẩn và các định mực kinh tế - kỹ thuật cho ngành TTTT. Học viện đã thực hiện các hoạt động đo lường, hợp chuẩn, kiểm định về Viễn thông, CNTT cho các doanh nghiệp, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực ICT...

Trong 6 tháng đầu năm 2016, các giảng viên, nghiên cứu viên của Học viện đã công bố được trên 60 bài báo khoa học, đảng triển khai 5 đề tài KHCN cấp Nhà nước và đang đẩy mạnh đăng ký các đề tài cấp Nhà nước khác thuộc các Chương trình KHCN Vũ trụ, Chương trình KHCN phát triển Tây Bắc, Tây Nguyên, các đề tài NCKH độc lập cấp Nhà nước, đề tài Quỹ NAFOSTED... Đồng thời, Học viện cũng đang triển khai 25 đề tài cấp Bộ, 210 đề tài cấp Học viện, 194 đề tài NCKH sinh viên, 213 báo cáo khoa học chuyên đề...

Học viện cũng có quan hệ hợp tác với khoảng 20 cơ sở nghiên cứu, trường ĐH và các nhà sản xuất thuộc 10 vùng quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới.

Về các nhiệm vụ trọng tâm của Học viện trong thời gian tới, ông Vũ Văn San cho biết: "Nhiệm vụ trọng tâm, cơ bản và xuyên suốt của Học viện trong giai đoạn từ nay đến hết năm 2016 và năm 2017 là Đoàn kết; duy trì ổn định mọi mặt hoạt động của Học viện, không ngừng đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học; và triển khai thành công các nội dung của Đề án thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động của Học viện đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt".

Một số nhiệm vụ trọng tâm được ông San nêu cụ thể như: Thực hiện tốt kế hoạch tuyển sinh năm 2016; duy trì quy mô tuyển sinh, đào tạo ở mức hợp lý; có phương án, lộ trình điều chỉnh tăng học phí phù hợp theo Quyết định 222/QĐ-TTg và điều kiện thực tế của Học viện; Tiếp tục đẩy mạnh việc phát triển chương trình đào tạo (đăng ký, mở thêm một số ngành đào tạo mới trong 2 năm 2016, 2017 trong đó quan tâm đến các lĩnh vực do Bộ TTTT quản lý; xem xét hoàn thiện, cập nhật các chương trình đang tổ chức đào tạo; tăng  cường công tác tổ chức, quản lý đào tạo và các biện pháp, giải pháp tổng thể để không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo...

Bộ trưởng Trương Minh Tuấn và các đại biểu đi thăm quan phòng Lab Multimedia, Khoa đa phương tiện, Data Center và thiết bị phòng lab an toàn thông tin của Học viện

Cũng tại buổi làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Minh Hồng đánh giá cao Học viện về công tác tư vấn tuyển sinh, đảm bảo chất lượng tuyển sinh, duy trì số lượng tuyển sinh hợp lý:

“Học viện là 1 trong 8 cơ sở đào tạo trọng điểm về an toàn thông tin, Học viện cần chủ động thực hiện, có nhiều hoạt động để duy trì vị thế và thực hiện trách nhiệm như mong đợi”

Bộ trưởng Trương Minh Tuấn thăm quan khu tư vấn tuyển sinh năm học 2016 và trò chuyện với các sinh viên của Học viện

Kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn biểu dương Học viện đã có những bước phát triển quan trọng trong công tác Đào tạo như: Tuyển dụng, tăng cường thêm nguồn lực giảng viên cơ hữu chất lượng cao, trong đó nhiều giảng viên được đào tạo bài bản ở nước ngoài, góp phần nâng cao chất lượng và từng bước đáp ứng được quy mô đào tạo của Học viện; Tổ chức thành công kỳ tuyển sinh năm 2015; Triển khai tốt mô hình hợp tác, kết nối giữa trường đại học và doanh nghiệp; duy trì đào tạo ổn định và có chất lượng các ngành đào tạo mũi nhọn, tiếp tục là điểm đến tuyển dụng uy tín của nhiều doanh nghiệp, tập đoàn trong và ngoài nước; đẩy mạnh hoạt động đào tạo ngắn hạn theo đặt hàng của các đơn vị và doanh nghiệp trong nước và nước ngoài; Đã mở ngành và tổ chức tuyển sinh, đào tạo lĩnh vực Báo chí và Truyền thông (Ngành Truyền thông Đa phương tiện thuộc Nhóm ngành Báo chí và Truyền thông), trở thành đơn vị thứ hai trên cả nước có đào tạo ngành này, góp phần nâng cao vị thế của Học viện và giúp bổ sung nguồn nhân lực có chất lượng tốt phục vụ phát triển ngành thông tin và truyền thông; Tích cực xây dựng và trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt các cơ chế, quy định quan trọng, căn bản để vận hành Học viện với vị thế mới là trường Đại học tự chủ trực thuộc Bộ TT&TT; Thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học và triển khai các dịch vụ khoa học công nghệ vào thực tiễn sản xuất kinh doanh; từng bước triển khai hoàn thiện hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ giảng dạy, nghiên cứu…

Bộ trưởng Trương Minh Tuấn và các đại biểu chụp ảnh lưu niệm với lãnh đạo và sinh viên Học viện

Trong bối cảnh khoa học kỹ thuật phát triển và thay đổi nhanh chóng, sự vươn lên mạnh mẽ của các trường đại học, nhất là các trường tốp trên, thì thách thức đặt ra cho Học viện ngày càng lớn, đòi hỏi toàn thể Học viện phải tiếp tục có có những định hướng, giải pháp phù hợp để đạt được mục tiêu đặt ra, xứng tầm với vị thế là trường đại học công lập thuộc Bộ TTTT.

"Học viện công nghệ BCVT cần đổi mới căn bản toàn diện giáo dục đào tạo, đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đào tạo lao động chủ lực trong lĩnh vực BCVT - CNTT cho quốc gia là trọng trách đặt ra cho Học viện công nghệ BCVT. Học viện công nghệ BCVT với chức năng là một trung tâm đào tạo nguồn lao động chất lượng cao về BCVT-CNTT có trình độ đại học, sau đại học trong hệ thống giáo dục quốc dân"

Bộ trưởng Trương Minh Tuấn chỉ đạo: "Học viện cần xác định mục tiêu trung hạn và lâu dài để bảo đảm hướng đi đúng nhằm phát triển Học viện bền vững. Xây dựng các định hướng, chiến lược phát triển phù hợp; các định hướng về đào tạo, mở ngành; định hướng về khoa học và công nghệ; có cơ chế phát triển đội ngũ cán bộ giảng viên chất lượng cao; xây dựng môi trường làm việc chuyên nghiệp nhằm thu hút nhân tài trong và ngoài nước về làm việc tại Học viện; Tập trung thực hiện tốt công tác tuyển sinh Đại học chính quy năm học 2016-2017; Chú trọng nâng cao chất lượng đào tạo, xây dựng các chương trình đào tạo đạt chuẩn quốc tế, các mô hình hợp tác hiệu quả với doanh nghiệp, lấy đây là yếu tố then chốt để phát triển và nâng cao uy tín của Học viện; Khẩn trương sớm hoàn thành việc xây dựng các văn bản, quy định, quy chế nội bộ của Học viện theo tinh thần nội dung Quyết định số 222/TTg-QĐ và Quyết định 879/QĐ-BTTTT, chuẩn hóa các quy trình quản lý theo tiêu chuẩn ISO để hoạt động của Học viện đi vào ổn định, đạt kết quả tốt…" 

“Bộ TTTT sẽ luôn theo dõi, ủng hộ, chỉ đạo kịp thời và tạo mọi điều kiện để Học viện triển khai tốt các hoạt động, đạt kết quả cao trong việc giảng dạy và học tập, phấn đấu trở thành một trong những cơ sở đạo tạo hàng đầu trên cả nước”, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn kết luận.

Lan Phương