Một số bất cập trong công tác giáo dục tư tưởng chính trỊ đối với thanh niên hiện nay

Chính phủ số - Ngày đăng : 10:26, 05/07/2016

Ngày 24/3/2015, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ra Chỉ thị số 42-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ giai đoạn 2015 - 2030.

Ảnh minh họa

Trong Chỉ thị, Ban Bí thư đã chỉ ra những yếu tố tiêu cực ảnh hưởng đến công tác giáo dục chính trị - tư tưởng cho thanh niên hiện nay như: Hạn chế trong công tác thanh niên của cấp ủy; sự phối hợp chưa tốt giữa gia đình, nhà trường, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể; một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên thoái hóa, biến chất, chưa là tấm gương để thế hệ trẻ học tập và noi theo; tình hình thế giới và trong nước phức tạp, sự phổ biến của mạng xã hội, môi trường Internet tác động tới tâm lý của thanh niên giữa lúc những vấn đề xã hội bức xúc chưa được giải quyết triệt để.

Những bất cập, hạn chế trên được Ban Bí thư chỉ ra khá toàn diện, phản ánh sát thực tế tình hình giáo dục chính trị - tư tưởng cho thanh niên hiện nay.

Trước hết, nói tới chính sách liên quan tới giáo dục tư tưởng - chính trị cho giới trẻ, Đảng và Nhà nước đã có khá nhiều các chính sách, trong đó mới nhất là Chỉ thị số 42. Những chính sách này là rất đầy đủ và khá bám sát thực tế.

Vấn đề tồn tại hiện nay, đó chính là đưa những chính sách vào cuộc sống một cách hiệu quả, thiết thực.

Để thực hiện điều này, trước hết, cần thiết phải có sự hiệp đồng một cách chặt chẽ giữa cấp ủy Đảng, cơ quan, chính quyền, tập thể, gia đình, xã hội và bản thân cá nhân thanh niên chịu sự điều chỉnh của chính sách. Tuy nhiên, như nhận định của Ban Bí thư thì sự phối hợp trên đến nay chưa thực sự chặt chẽ. Nhiều cấp ủy, tổ chức, chính quyền, tập thể ở nhiều nơi còn thiếu đi sâu, đi sát, tổ chức hình thức giáo dục chính trị - tư tưởng cho thanh niên, qua đó khiến thanh niên không có cơ hội hoặc thụ hưởng không đầy đủ các chính sách của Đảng, Nhà nước, dẫn tới nguy cơ thanh niên dần mất lòng tin ở Đảng, Nhà nước, chế độ, bàng quan với thời cuộc đồng thời khiến Đảng, Nhà nước và ngược lại các tổ chức ra chính sách không nhận được phản hồi đúng thực tế từ cơ sở để ra chính sách đúng.

Từ sự thiếu hiệp đồng chặt chẽ giữa các bên liên quan ở trên cũng dẫn tới một vấn đề thứ hai khiến công tác xây dựng, tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách liên quan tới giáo dục tư tưởng chính trị cho giới trẻ còn hạn chế đó là thiếu nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của thanh niên để đề ra các chính sách giáo dục chính trị - tư tưởng phù hợp của các cấp ủy đảng, chính quyền và đoàn thể. Thực tế hiện nay, tại nhiều cơ sở, đoàn viên thanh niên luôn thể hiện tâm lý khá mệt mỏi, chán nản, không hào hứng khi tham gia các buổi giáo dục chính trị - tư tưởng. Bởi đơn giản là nội dung giáo dục của đơn vị tổ chức không phù hợp hoặc được biên soạn, truyền đạt thiếu hấp dẫn với thanh niên ở cơ sở; những ví dụ thực tiễn minh họa cho nội dung tuyên truyền không bám sát cơ sở, xa rời thực tế nơi thanh niên sinh sống, làm việc; các buổi sinh hoạt không diễn ra 2 chiều mà thường là 1 chiều nên dễ gây tâm lý nhàm chán cho người nghe.

Và như một hệ quả, khi thanh niên thiếu sự quan tâm chăm lo về chính trị - tư tưởng của cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể; học cũng như không học chính trị - tư tưởng, họ rất dễ trở thành “miếng mồi ngon” của các thế lực thù địch bên ngoài, những thói hư tật xấu tác động từ bên ngoài trong một thế giới hội nhập mạnh và thời đại Internet, kỹ thuật số hiện nay.

Thanh niên là tuổi trẻ của đất nước, thanh niên sẽ là lực lược xung kích đi đầu, hiện thực hóa cuộc cách mạng do Đảng, Bác Hồ khởi xướng, lãnh đạo nếu họ được thụ hưởng đầy đủ, thuyết phục các chính sách liên quan đến giáo dục chính trị - tư tưởng nhưng ngược lại thanh niên sẽ có thể trở thành đối tượng để các thế lực thù địch biến thành thành phần nòng cốt cho các âm mưu phản cách mạng, lật đổ chế độ, thực hiện các cuộc cách mạng màu.

Do đó, coi trọng công tác giáo dục chính trị - tư tưởng với thanh niên, tăng cường công tác dân vận, bám sát thực tế thanh niên, lắng nghe thanh niên nói, hiểu tâm lý thanh niên và kịp thời định hướng tư tưởng - chính trị thanh niên trước mọi diễn biến phức tạp trong và ngoài nước; đưa ra những cách giải quyết thấu tình, đạt lý, có tính thuyết phục cao các vấn đề bức xúc xã hội để thanh niên tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, trung thành với chế độ là nhiệm vụ thường xuyên, trọng tâm và coi đó là “chìa khóa” thành công cho mọi cấp ủy đảng, chính quyền và đoàn thể./.

Việt Đức