Tri ân các anh hùng liệt sỹ bằng những việc làm thiết thực

Đời sống xã hội - Ngày đăng : 08:16, 28/06/2016

Đó là chia sẻ của Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn nhân chuyến thăm, làm việc tại tỉnh Hà Giang và dự Lễ khánh thành Nhà tưởng niệm tri ân các anh hùng liệt sỹ mặt trận Vị Xuyên những năm 1979 – 1989 ngày 25/6/2016 tại xã Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang.

Những ký ức không quên

Trong cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc diễn ra năm 1979 - 1989 và mặt trận Vị Xuyên giai đoạn 1984 - 1989 là nơi diễn ra nhiều trận giao tranh ác liệt từ cấp tiểu đoàn đến trung đoàn và nhiều sư đoàn. Tại đây đã có 16 Sư đoàn, 4 Lữ đoàn và nhiều Trung đoàn của Quân đội nhân dân Việt Nam tham gia chiến đấu với hàng nghìn trận đánh ác liệt.

20160627-L1.jpg

Bộ trưởng Trương Minh Tuấn thắp hương tại Lễ khánh thành Nhà tưởng niệm tri ân các anh hùng liệt sỹ mặt trận Vị Xuyên 1979 - 1989, ngày 25/6/2016

Tại cao điểm 468 lịch sử, thôn Nậm Ngặt, xã Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang năm 1984 đã xảy ra hàng ngàn trận đánh ác liệt được ví bằng những cái tên chỉ nghe thôi đã thấy “rợn người” như “Lò vôi thế kỷ” “Cối xay thịt” hay “Thác âm phủ”, “Thung lũng gọi hồn”… đã in đậm trong tâm trí của mỗi đồng đội, mỗi người cựu chiến binh tại mặt trận Vị Xuyên.

Với địa hình hiểm trở, đèo dốc cao, khó cơ động, thế trận địch – ta đan xen hình răng lược, có chỗ quân ta và địch đánh giáp lá cà. Trong khi đó, quân địch lợi thế hơn ta về lực lượng, vũ khí, khí tài và địa hình. Quân địch hung hăng đánh phá ác liệt, có ngày bắn hơn 12 vạn quả đạn pháo lớn nhỏ các loại. Chúng bắn phá đến mức núi đá biến thành núi đá vôi, đồi đất không còn một ngọn cỏ, mọi sự sống của thực vật không còn tồn tại…

Suốt một dải từ Điểm cao 1509, qua Bình độ 1200 1000 đến các Điểm cao 772, 685, 400, 300, Đồi cây xanh, Đồi chuối, ngã ba Thanh Thủy… đã trở thành những cái tên nghe nhói đau trong lòng của những người cựu chiến binh từng tham chiến năm xưa. Nơi đây đã diễn ra những trận đánh ác liệt, cán bộ chiến sỹ trên toàn mặt trận đã anh dũng chiến đấu giữ vững từng tấc đất biên cương Tổ quốc, đánh bại mọi cuộc tấn công của quân xâm lược. Nhiều trận đánh ta giành lại từ địch từng thước đất, từng mỏm đá, gốc cây.

Dù gian khó, hiểm nguy, song những người lính quân đội nhân dân Việt Nam vẫn chiến đấu kiên cường với tinh thần “một tấc không lui, một ly không dời” đánh bại hàng trăm đợt tấn công của kẻ địch, tiêu diệt hàng ngàn tên địch, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ. Trong những trận đánh ác liệt ấy, nhiều chiến sỹ đã anh dũng hy sinh, linh hồn và thể xác đã hòa vào đá núi hay những nhành cây.

Cựu chiến binh Vũ Minh Tiến, người tham gia mặt trận Vị Xuyên năm 1984 cho biết: “Tôi trực tiếp tham gia trận đánh ở cao điểm 772, có rất nhiều anh em đồng đội đã hy sinh tại đây, hiện còn nhiều đồng đội đang nằm lại vẫn chưa đưa được hài cốt về với quê hương, về với gia đình. Dù các cấp chính quyền, các đơn vị có liên quan vẫn đang nỗ lực tìm kiếm, song linh hồn các anh đã hóa vào cát, vào đá biên cương. Việc khánh thành Nhà tưởng niệm tri ân các anh hùng liệt sỹ mặt trận Vị Xuyên hôm nay rất có ý nghĩa để anh em đồng đội chúng tôi thắp nén tâm nhang tưởng niệm và cầu chúc cho linh hồn các anh hùng, liệt sỹ được siêu thoát”.

Những câu chuyện cảm động về người lính năm ấy được tái hiện bởi những người lính kế tiếp các anh, giờ đang công tác tại Đồn Biên phòng cửa khẩu Thanh Thủy (Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Hà Giang). Thượng tá Nguyễn Đình Tác chia sẻ: “Chúng tôi là những người lính luôn sẵn sàng chiến đấu, hy sinh để bảo vệ vững chắc Tổ quốc và noi gương tinh thần của liệt sỹ Nguyễn Viết Ninh “Sống bám đá, chết hóa đá, thành bất tử”. Đó cũng là phương châm sống và chiến đấu của cán bộ, chiến sỹ Đồn, sẵn sàng chiến đấu trong mọi tình huống để bảo vệ Tổ quốc, sẵn sàng hóa vào đá để ngăn bước quân thù...”.

Tri ân bằng những việc làm cụ thể

Trở lại chiến trường Vị Xuyên lần này, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn xúc động chia sẻ: “Cá nhân tôi là người lính trực tiếp cầm súng chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc. Và mặt trận Vị Xuyên là mặt trận rất ác liệt trong những năm 1984 – 1985 chống kẻ thù xâm lược”.

Khi nhắc về những người lính, người đồng chí, đồng đội đã vào sinh ra tử, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn không kìm được nước mắt, nghẹn ngào: “Hiện nay ở khu vực Hà Giang nói chung và mặt trận Vị Xuyên nói riêng còn hàng ngàn liệt sĩ đã anh dũng hy sinh nhưng chưa tìm được hài cốt, đó là nỗi đau không thể bù đắp. Gia đình, người thân, đồng đội luôn mong sớm được đón nhận hài cốt của các anh về đoàn tụ cùng gia đình, để hương hồn các anh được ấm lòng”.

20160627-L3.jpg

Bộ trưởng Trương Minh Tuấn thực hiện nghi lễ chào cờ tại Cột cờ Lũng Cú

20160627-L4.jpg

Bộ trưởng Trương Minh Tuấn giới thiệu về Hang Dơi, nơi tập kết tiền tiêu của mặt trận Vị Xuyên (xã Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang)

Với tư cách là thành viên của Ban Chỉ đạo quốc gia về tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ từ nay đến năm 2020 và những năm tiếp theo (gọi tắt là Ban Chỉ đạo quốc gia 1237), Bộ trưởng Trương Minh Tuấn nhấn mạnh: “Trách nhiệm của chúng ta - thế hệ tiếp nối phải làm tốt công tác quy tập hài cốt liệt sỹ để các anh sớm được trở về với gia đình. Để làm tốt việc đó tôi nghĩ rằng chúng ta phải có một chương trình, một đề án riêng về rà phá bom mìn ở khu vực biên giới phía Bắc nói chung, trong đó có khu vực huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang. Sau khi rà phá bom mìn sẽ tổ chức lực lượng tìm kiếm hài cốt liệt sỹ ở khu vực này. Làm được như vậy sẽ sớm đưa các anh hùng liệt sỹ về với gia đình. Đó mới là việc làm ý nghĩa, thiết thực đối với các anh hùng đã ngã xuống vì nền độc lập của dân tộc”.

Bộ trưởng Trương Minh Tuấn khẳng định: "Dân tộc Việt Nam là một dân tộc rất yêu chuộng hòa bình. Và chúng ta không hề muốn chiến tranh và chúng ta cũng không cần chiến tranh. Chúng ta muốn hoa hồng nhưng kẻ thù buộc chúng ta ôm cây súng thì chúng ta phải quyết tâm chiến đấu để bảo vệ vững chắc mảnh đất thiêng liêng của Tổ quốc. Đây là trách nhiệm tiếp nối của các thế hệ mai sau phải bảo vệ giang sơn Tổ quốc mà ông cha đã phải đánh đổi biết bao xương máu mới giành lại được độc lập. Đặc biệt, tôi mong muốn thế hệ trẻ luôn nêu cao tinh thần yêu nước, truyền thống cách mạng của dân tộc ta, làm nhiều việc thiết thực, hữu ích xứng đáng với sự hy sinh xương máu của các thế hệ đi trước để bảo vệ mảnh đất thiêng liêng này.

Trách nhiệm của ngành TT&TT chúng ta phải làm tốt nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó. Bộ TT&TT đã có kế hoạch tuyên truyền trên hệ thống thông tin đại chúng để nhân dân trong nước, kiều bào ta ở nước ngoài và bạn bè quốc tế hiểu rõ hơn về cuộc chiến đấu oanh liệt và anh dũng của quân và dân ta trong việc bảo vệ biên giới phía Bắc. Thông qua các hình thức tuyên truyền góp phần giáo dục thế hệ trẻ thấu hiểu sự hy sinh, gian khổ của lớp lớp cha anh đã hy sinh vì nền độc lập dân tộc; không ngừng học tập, rèn luyện, phấn đấu để tiếp bước cha anh, xứng đáng với sự hy sinh của cha anh", Bộ trưởng lưu ý.

Việc khánh thành Nhà tưởng niệm tri ân các anh hùng liệt sỹ mặt trận Vị Xuyên ngày 25/6/2016, theo Bộ trưởng Trương Minh Tuấn là việc làm thiết thực và có ý nghĩa hướng tới ngày thương binh liệt sỹ 27/7 sắp tới. Đây là việc làm nhằm tri ân những người con ưu tú của dân tộc đã hy sinh vì Tổ quốc. Trong thời gian tới, các cấp, các ngành, địa phương cần tiếp tục có nhiều chương trình hành động cụ thể, thiết thực hơn nữa để giúp đỡ đồng bào các dân tộc vùng biên giới phía Bắc nói chung và Hà Giang nói riêng. Trong đó cần quan tâm giúp đỡ các gia đình chính sách, gia đình thương binh, liệt sỹ; giúp đỡ bà con các dân tộc ở nơi bộ đội đóng quân, xây dựng bản làng đẹp hơn, văn minh hơn, giúp đồng bào thay đổi tập quán sản xuất, nâng cao trình độ dân trí cho đồng bào, giúp đồng bào có cuộc sống ấm no hơn, các cháu được học hành tốt hơn. Qua đó góp phần xây dựng tỉnh Hà Giang giàu về kinh tế, đẹp về văn hóa, vững về an ninh – quốc phòng xứng đáng với tên gọi nơi địa đầu Tổ quốc.

Ngô Xuân Lộc