Nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền các phong trào thi đua yêu nước
Xu hướng - Dự báo - Ngày đăng : 09:38, 08/06/2016
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh, Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng TĐ-KT Trung ương dự và phát biểu chỉ đạo.
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh phát biểu chỉ đạo tại Tọa đàm. (Ảnh: HH)
Cùng dự có các đồng chí: Lâm Phương Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Trần Thị Hà, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng TĐ-KT Trung ương, Trưởng Ban TĐ-KT Trung ương; các nhà quản lý, nhà khoa học, đại diện nhiều cơ quan báo chí Trung ương.
Phát biểu đề dẫn, Trưởng Ban TĐ-KT Trung ương Trần Thị Hà khẳng định: Công tác tuyên truyền giữ vai trò, vị trí hết sức quan trọng trong việc tuyên truyền các điển hình tiên tiến, tấm gương người tốt, việc tốt đã tạo sự lan tỏa trong đời sống xã hội. Công tác tuyên truyền góp phần tạo động lực, động viên và phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, vượt qua khó khăn, thách thức, phấn đấu hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ cách mạng trong từng giai đoạn.
Tuy nhiên, công tác tuyên truyền về các phong trào thi đua yêu nước còn chưa được coi trọng đúng mức, chưa được tiến hành thường xuyên, liên tục. Việc tuyên truyền, nhân rộng các điển hình tiên tiến, các mô hình mới, nhân tố mới, gương người tốt, việc tốt còn hạn chế; chưa huy động được sức mạnh tổng hợp của các cơ quan tuyên truyền, các đoàn thể nhân dân, các phương tiện thông tin đại chúng tham gia tuyên truyền, giáo dục, cổ vũ phong trào thi đua và thực hiện chính sách, pháp luật về thi đua, khen thưởng.
Phát biểu chỉ đạo, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh khẳng định: Thời gian qua, phong trào TĐ-KT thực sự là động lực mạnh mẽ giúp toàn Đảng, toàn dân, toàn quân thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh và tất cả các mặt đời sống xã hội; tạo tiền đề để nước ta tiếp tục phát triển nhanh, bền vững hơn trong giai đoạn mới. Kết quả đạt được của phong trào thi đua có sự đóng góp tích cực của công tác tuyên truyền.
Để góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, để công tác thi đua thực sự trở thành động lực, phong trào hành động cách mạng của quần chúng, yêu cầu cấp bách đặt ra với các cấp, các ngành là phải nâng cao nhận thức và trách nhiệm trong việc vận động, tổ chức, động viên nhân dân tham gia mạnh mẽ vào các phong trào xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, trên tinh thần phát huy truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, ý chí tự lực, tự cường và tinh thần quyết tâm cao độ, vượt khó vươn lên. Để làm được điều đó, công tác tuyên truyền các phong trào thi đua cần tập trung nâng cao trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đặc biệt là người đứng đầu trong chỉ đạo các phong trào thi đua, đảm bảo thiết thực, hiệu quả.
Công tác tuyên truyền các phong trào thi đua cần tiếp tục đẩy mạnh, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động trong toàn bộ hệ thống chính trị; tuyên truyền sâu rộng những nội dung cơ bản và giá trị to lớn của tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước và những chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác thi đua, khen thưởng, để các phong trào thi đua thực sự trở thành động lực to lớn, động viên được sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc vào việc thực hiện công cuộc đổi mới đất nước; góp phần tích cực vào việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển đất nước theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước giai đoạn 2016 - 2021.
25 tham luận tại Tọa đàm đã làm rõ những quan điểm cơ bản của Đảng và tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước. (Ảnh: HH)
Phó chủ tịch nước cũng yêu cầu, thời gian tới, cấp ủy Đảng các cấp tiếp tục quan tâm nhiều hơn nữa trong chỉ đạo phong trào thi đua yêu nước nói chung, nâng cao chất lượng tuyên truyền về thi đua nói riêng. Trong đó, cần tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền các phong trào thi đua yêu nước và công tác khen thưởng; đa dạng hóa nội dung tuyên truyền bằng nhiều hình thức phong phú, sinh động. Công tác tuyên truyền phải bám sát nội dung, mục tiêu, chỉ tiêu thi đua với phương châm “chân thực, ngắn gọn, dễ nhớ, dễ thực hiện”; đẩy mạnh tuyên truyền tôn vinh, nhân rộng điển hình tiên tiến, lấy gương “người tốt, việc tốt” để hạn chế, đẩy lùi các tiêu cực trong xã hội; tuyên truyền mạnh mẽ, phổ biến rộng rãi các sáng kiến, kinh nghiệm, mô hình tốt trong các phong trào thi đua yêu nước. Đặc biệt, phải phát huy hơn nữa vai trò của cơ quan truyền thông, báo chí; nhất là coi trọng việc mở rộng, tăng thời gian các chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền về điển hình để tạo sức lan tỏa mạnh mẽ toàn xã hội...
25 tham luận gửi về Ban Tổ chức, các ý kiến tọa đàm và báo cáo đề dẫn đã tập trung làm rõ những quan điểm cơ bản của Đảng và tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước; chia sẻ kinh nghiệm, đề xuất nhiều giải pháp cơ bản về công tác tuyên truyền các phong trào thi đua, góp phần đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước gắn với việc học tập và làm theo tấm gương tư tưởng, đạo đức, tác phong Hồ Chí Minh.
Cuộc Tọa đàm được tổ chức nhằm thiết thực chào mừng kỷ niệm 68 năm ngày Bác Hồ ra lời kêu gọi thi đua ái quốc (11-6-1948 – 11-6-2016); đồng thời cung cấp cơ sở lý luận, thực tiễn, góp phần đẩy mạnh, nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền; tạo khí thế thi đua sôi đổi, động viên các tầng lớp nhân dân phát huy tinh thần yêu nước, tích cực thực hiện tốt nhiệm vụ, góp phần hoàn thành các nhiệm vụ kinh tế - xã hội và thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII của Đảng trong thời gian tới./.