Phương hướng, nhiệm vụ bảo đảm an toàn thông tin giai đoạn 2016 - 2020
Diễn đàn - Ngày đăng : 11:10, 06/06/2016
Theo đó, cách tiếp cận bảo đảm an toàn thông tin (ATTT) mạng thay vì chỉ tập trung vào đầu tư hệ thống trang thiết bị từ nguồn vốn đầu tư phát triển như trước đây sẽ được chuyển sang hình thức kết hợp hài hòa sử dụng nguồn vốn đầu tư phát triển và nguồn ngân sách chi sự nghiệp thường xuyên.
Quan điểm xuyên suốt là phát triển khả năng thích ứng một cách chủ động, linh hoạt và giảm thiểu các nguy cơ, đe dọa mất ATTT trên mạng (Cyber Resilience). Đây là quan điểm mà hầu hết các quốc gia tiên tiến đều áp dụng để thực hiện công tác bảo đảm ATTT mạng trong thời gian gần đây, được khuyến nghị bởi các tổ chức, hãng công nghệ và chuyên gia uy tín hàng đầu về bảo đảm ATTT trên thế giới.
Để thực hiện, Chính phủ sẽ tập trung vào công tác đổi mới, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật về ATTT mạng của toàn xã hội; huy động nguồn lực của xã hội, đặc biệt là của các doanh nghiệp tham gia công tác bảo đảm ATTT mạng đồng thời với thúc đẩy phát triển thị trường sản phẩm, dịch vụ ATTT; tập trung nguồn lực bảo đảm ATTT cho các hệ thống thông tin quan trọng; triển khai công tác bảo đảm ATTT mạng theo hướng kết hợp hài hòa giữa việc đầu tư trang thiết bị và áp dụng các biện pháp quản lý theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật phù hợp.
Bên cạnh các mục tiêu trong Quy hoạch phát triển ATTT số quốc gia đến năm 2020, Quyết định 898 nêu rõ mục tiêu cụ thể của giai đoạn 2016 - 2020 là: tỷ lệ các sự cố mất ATTT mạng xảy ra do nhận thức yếu kém, chủ quan, bất cẩn của con người ở dưới mức 50%; nâng cao uy tín giao dịch điện tử của Việt Nam, đưa Việt Nam ra khỏi danh sách 20 quốc gia có tỷ lệ lây nhiễm phần mềm độc hại và phát tán thư rác cao nhất trên thế giới theo xếp hạng của của các tổ chức quốc tế; hình thành cơ bản hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và hệ thống kiểm định, đánh giá ATTT; Phát triển tối thiểu 5 sản phẩm ATTT thương hiệu Việt Nam được sử dụng phổ biến tại thị trường trong nước, doanh nghiệp Việt Nam đóng vai trò chủ đạo tại thị trường dịch vụ ATTT trong nước.
3 nhiệm vụ trọng tâm bảo đảm ATTT mạng sẽ được tập trung triển khai trong giai đoạn từ nay đến năm 2020 là: Bảo đảm ATTT mạng quy mô quốc gia; bảo đảm ATTT mạng trong hoạt động của cơ quan, tổ chức; và phát triển thị trường sản phẩm và dịch vụ ATTT mạng.
Quyết định 898 cũng đưa ra 4 giải pháp để thực hiện các nhiệm vụ nói trên, cụ thể như sau: Hoàn thiện hành lang pháp lý, cơ chế, chính sách; Thúc đẩy hợp tác trong nước và quốc tế; Kiện toàn bộ máy, phát triển nguồn nhân lực; Tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức. Đây cũng là các giải pháp cơ bản được Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU) khuyến nghị áp dụng để nâng cao năng lực bảo đảm ATTT theo Chương trình nghị sự an toàn thông tin toàn cầu (GCA) do tổ chức này công bố.
Các cơ quan, tổ chức nhà nước đăng ký và sử dụng nguồn vốn sự nghiệp được cấp hàng năm để triển khai các nhiệm vụ cụ thể gồm: Thực hiện kiểm tra, đánh giá định kỳ hàng năm về ATTT đối với các hệ thống thông tin đang vận hành; Tổ chức diễn tập định kỳ hàng năm về bảo đảm ATTT quốc gia, tham gia phối hợp diễn tập quốc tế; Tổ chức diễn tập định kỳ hàng năm về bảo đảm ATTT thuộc phạm vi bộ, ngành; Xây dựng, áp dụng và duy trì mô hình quản lý ATTT theo tiêu chuẩn vào hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước.
Để điều phối, đôn đốc, kiểm tra, hướng dẫn công tác bảo đảm ATTT mạng, triển khai các nội dung của Quyết định 898, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Thông tin và Truyền thông thành lập Ban Điều hành với mục đích thiết lập cơ chế phối hợp điều hành liên bộ, ngành, địa phương để triển khai công tác bảo đảm ATTT. Ban Điều hành sẽ do một đồng chí lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông làm Trưởng ban và bộ phận thường trực Ban Điều hành là một đơn vị chức năng kiêm nhiệm thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông.