Vận dụng Nghị quyết Đại hội XII của Đảng vào nghiên cứu, giảng dạy lý luận chính trị và báo chí - truyền thông

Chính phủ số - Ngày đăng : 16:08, 30/05/2016

Ngày 25/5, tại Hà Nội, Học viện Báo chí và Tuyên truyền phối hợp với Nhà Xuất bản Quốc gia - Sự thật tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia "Vận dụng Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng vào nghiên cứu, giảng dạy lý luận chính trị và báo chí - truyền thông".

Phát biểu đề dẫn Hội thảo, PGS.TS Trương Ngọc Nam, Giám đốc – Chủ tịch Hội đồng Khoa học - Đào tạo Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho biết: Hội thảo được tổ chức nhằm quán triệt những nội dung cơ bản trong các văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng vào hoạt động nghiên cứu, giảng dạy lý luận chính trị vào báo chí - truyền thông.

 Hội thảo khoa học quốc gia "Vận dụng Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng vào nghiên cứu, giảng dạy lý luận chính trị và báo chí - truyền thông" Ảnh: HM

Ban Tổ chức đã nhận được 100 bài tham luận của các nhà khoa học trong và ngoài Học viện về các chủ đề khác nhau bàn về Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và sự vận dụng nghiên cứu, giảng dạy lý luận chính trị và báo chí - truyền thông.

Các nhà khoa học đã phân tích sâu sắc những vấn đề nhận thức về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội; vấn đề phát triển nền kimh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; vấn đề xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và dân chủ xã hội chủ nghĩa; vấn đề xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiên đấu của Đảng

Các đại biểu cũng đã trao đổi và làm sáng tỏ những vấn đề cơ bản và quan trọng về đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, đẩy mạnh công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước; vấn đề hoàn thiện thể chế, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; vấn đề ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ. Nhiều tham luận trình bày những nghiên cứu cập nhật về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục, đào tạo và ứng dụng khoa học công nghệ gắn với phát triển nguồn nhân lực; văn hóa xã hội, biến đổi khí hậu…

Là người đi sâu nghiên cứu, phân tích về những mối quan hệ phản ánh quy luật của đổi mới và phát triển ở nước ta qua Văn kiện Đại hội XII, GS.TS Hoàng Chí Bảo cho rằng, nhiệm vụ của những người nghiên cứu, những người giảng dạy truyền bá những tư tưởng của Đảng vào đời sống thực tiễn để củng cố niềm tin của Nhân dân với Đảng phải đầu tư vào nghiên cứu lý thuyết và thực tiễn, nghiên cứu lịch sử và lôgíc của phạm trù quan hệ với tư cách là một phạm trù triết học; thúc đẩy tư duy biện chứng, từ đó thúc đẩy đường lối mà Đảng nhấn mạnh là đổi mới tư duy mạnh mẽ để phát triển bền vững. “Chính thực tiễn của chặng đường chúng ta đã đi qua và thực tiễn của chặng đường sắp tới đó chính là nguyên liệu quan trọng, là sự mách bảo của cuộc sống để giúp chúng ta có những tư duy mới. Đảng ta với tư duy biện chứng, tư duy hành động dựa trên di sản Hồ Chí Minh, chúng ta không hề chủ quan…”. GS.TS, Hoàng Chí Bảo nhấn mạnh.

Cũng tại hội thảo, nhiều nhà khoa học đã chia sẻ những nghiên cứu, phân tích tâm huyết sắc bén về vấn đề tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới; vấn đề nâng cao hiệu quả các hoạt động đối ngoại, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế. Trên cơ sở phân tích làm rõ các quan điểm của Đảng trong các Văn kiện Đại hội XII, các nhà khoa học đã chia sẻ cách thức vận dụng thông qua những quan điểm đó vào hoạt động nghiên cứu, giảng dạy lý luận chính trị và báo chí -truyền thông một cách thiết thực, hiệu quả.

 GS.TS Hoàng Chí Bảo tham luận tại Hội thảo - Ảnh: HM

PGS.TS Đỗ Chí Nghĩa, Tổng biên tập Báo Đại biểu Nhân dân cho rằng xu hướng hợp lý của đào tạo báo chí hiện đại là gắn thực tiễn và đa kỹ năng. Muốn như vậy người học báo cần được đào tạo thành những người biết bám sát thực tiễn, hiểu và gắn bó với đời sống thực tiễn của xã hội, biết say nghề, bám trụ với nghề, phản ánh trung thực đời sống xã hội. Người học báo chí phải được trang bị kỹ năng nghề nghiệp nhất định. Quan trọng nhất là phải sống với không khí nghề nghiệp...

Xuất phát từ thực tế hiện nay, việc đào tạo nhà báo đa kỹ năng, chuyên nghiệp, linh hoạt và thực sự yêu nghề cho nhà báo đang đặt ra nhiều vấn đề cần nghiên cứu, phân tích cho thấu đáo, trên cơ sở đó xác lập chương trình đào tạo xứng tầm đòi hỏi của thực tiễn cũng như nhu cầu phát triển của các cơ quan báo chí. Các nhà trường cần mở rộng liên kết giữa các học viện với các cơ sở đào tạo nước ngoài và các cơ quan báo chí lớn có nhu cầu để xây dựng chương trình phù hợp với điều kiện và nguồn lực cụ thể…/.

Hoàng Mẫn