Cử tri trách nhiệm, chất lượng đại biểu dân cử được nâng lên

Xu hướng - Dự báo - Ngày đăng : 10:40, 17/05/2016

Nếu cử tri làm hết quyền lợi và nghĩa vụ của mình trong bầu cử, sẽ khiến các ứng cử viên nếu trúng cử sẽ phải trách nhiệm và nỗ lực nhiều hơn.

Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV, đại biểu Hội đồng Nhân dân nhiệm kỳ 2016-2021 đang đến gần. Những ngày qua chúng ta nói nhiều đến công tác chuẩn bị, tổ chức bầu cử và trách nhiệm của các ứng cử viên. Nhưng chủ thể quan trọng làm nên thành công và hiệu quả của cuộc bầu cử chính là cử tri. Nếu cử tri làm hết quyền lợi và nghĩa vụ của mình trong bầu cử, thực sự có trách nhiệm, sát sao trong việc đánh giá, lựa chọn ứng cử viên, chắc chắn, sẽ khiến các ứng cử viên nếu trúng cử trở thành đại biểu dân cử trách nhiệm và nỗ lực nhiều hơn trong hoạt động của họ.

cu tri trach nhiem, chat luong dai bieu dan cu duoc nang len hinh 0
Cử tri nghiên cứu danh sách ứng cử viên để lựa chọn ra những đại biểu ưu tú nhất vào Quốc hội và HĐND các cấp. (Ảnh: Kim Anh)

Qua các lần hiệp thương, qua hội nghị tiếp xúc cử tri và đến thời điểm hiện nay, khi danh sách các ứng cử viên đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng Nhân dân đã được niêm yết công khai, rộng rãi, cử tri đã biết, đã hiểu phần nào về những người mà họ có quyền lựa chọn trong ngày bầu cử 22/5 tới. Cử tri cũng đã tiếp cận với tiểu sử, lý lịch của từng ứng cử viên, đặc biệt lời hứa trong chương trình hành động của từng ứng cử viên. Cử tri cũng có dịp để chấm điểm tác phong, tư thế, thái độ, kế hoạch hoạt động của ứng cử viên nếu họ được cử tri tín nhiệm trở thành đại biểu của dân. Ứng cử viên đó có hội tụ đủ những tiêu chuẩn, tố chất, kỹ năng, điều kiện, năng lực để thực hiện hoạt động của người đại biểu dân cử trong suốt nhiệm kỳ không, có lắng nghe, tâm huyết, suy nghĩ những điều cử tri đang cần, đang mong muốn thay đổi hay không, chương trình hành động có thiết thực, khả thi không?...

Những điều đó cần sự sáng suốt, đánh giá, phân tích sâu sắc của cử tri. Nếu cử tri chỉ nhận xét hời hợt, cảm tính, thiếu khách quan, suy xét sẽ rất ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng của sự lựa chọn. Theo đại biểu Nguyễn Anh Sơn, trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định, để phát huy trách nhiệm của cử tri trong đánh giá, lựa chọn ứng cử viên, tuyên truyền bầu cử phải làm thực chất, hữu ích, không thể qua loa, hình thức cho đủ thủ tục.

Đại biểu Nguyễn Anh Sơn cho rằng: “Điều quan trọng là công tác tuyên truyền phải chống hình thức, làm sao thu hút người dân, để người dân quan tâm đến Quốc hội thực sự, quan tâm đến việc lựa chọn người đại diện cho mình, cân nhắc các ứng cử viên”.

Để cử tri trách nhiệm hơn trong đánh giá, lựa chọn các ứng cử viên, nhận thức rõ hơn về việc đi bỏ phiếu có ý nghĩa quan trọng  đối với chất lượng hoạt động của cơ quan dân cử, của những người sau này đại diện mình trong nhiều quyết định quan trọng, việc tổ chức bầu cử làm thực chất, không hình thức. Đại biểu Dương Trung Quốc, đoàn Đồng Nai cho rằng phải làm sao để người dân hiểu giá trị của lá phiếu bầu thực sự có sức nặng, có tính quyết định.

“Phải làm sao cho người dân ý thức được việc bỏ phiếu không phải là của ông A, ông B mà là của chính mình. Tôi lấy trải nghiệm khi tôi sang một quốc gia có truyền thống của trưng cầu dân ý. Luật trưng cầu dân ý của họ đơn giản. Họ không như mình phải bao nhiêu phần trăm người dự ứng mới có giá trị. Họ cứ bầu đi. Nếu anh không quan tâm đến nó mà anh không bầu thì đến lúc kết quả đi ngược lại lợi ích của anh, anh phải chịu thì lần sau anh phải tham gia bầu thôi”, đại biểu Dương Trung Quốc nói.

Khơi dậy và tạo cơ chế thuận lợi để phát huy trách nhiệm của cử tri trong việc lựa chọn, đánh giá, dõi theo, giám sát lời hứa của các ứng cử viên nếu sau này họ trúng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng Nhân dân là cách tốt nhất để những đại biểu dân cử phải luôn ý thức rõ và làm tốt trách nhiệm của mình. Đại biểu Bùi Mạnh Hùng, đoàn Bình Phước nhận định: nếu cử tri thường xuyên chấm điểm, nhận xét kịp thời hoạt động của đại biểu, so sánh với lời hứa trong chương trình hành động sẽ khiến đại biểu không thể lơ là với trách nhiệm đại diện của mình.

“Tiểu sử, lý lịch bản thân của họ là một chuyện nhưng đặc biệt là chương trình hành động. Ở Bình Phước, chúng tôi khi trúng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân, mặt trận giữ nguyên bản chương trình hành động, cuối nhiệm kỳ sẽ giám sát. Tuy nhiên nên thực hiện giám sát hàng năm để kiểm điểm, nhắc nhở luôn chứ không nên để đến cuối kỳ giám sát, khi đó người ta nghỉ còn làm gì được nữa”, đại biểu Bùi Mạnh Hùng nói.

Cùng chung quan điểm này, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình đề nghị cần quy định rõ hơn việc đánh giá, giám sát hoạt động của đại biểu dân cử, đặc biệt coi trọng kết quả giám sát của cử tri đối với hoạt động của người đại diện cho mình.

Theo đại biểu Nguyễn Ngọc Phương, để có cơ chế giám sát và đánh giá thực chất vai trò, trách nhiệm của đại biểu Quốc hội, cuối nhiệm kỳ hoặc giữa nhiệm kỳ phải có đánh giá xếp loại thi đua để khuyến khích những cá nhân làm tốt và những đại biểu làm tốt, có thể đề nghị cho tái cử để có tiếng nói, đóng góp trên diễn đàn Quốc hội. Cũng nên có thăm dò trong dư luận quần chúng đánh giá vai trò của đại biểu, như thế sẽ hiệu quả hơn và bắt buộc đại biểu không hoạt động cũng sẽ phải hoạt động cũng như lấy phiếu tín nhiệm các chức danh.

Chất lượng hoạt động của đại biểu dân cử phụ thuộc không nhỏ vào sự công khai, minh bạch, dân chủ trong hoạt động của Quốc hội, Hội đồng Nhân dân, trong cơ chế thuận lợi để cử tri tham gia đánh giá, chấm điểm, giám sát người đại diện của mình. Đòi hỏi này cần được thể hiện một cách rõ nét ngay trong cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân sắp tới./.

Vân Hồng