Bưu điện giúp giảm tiêu cực, sách nhiễu trong giải quyết thủ tục hành chính

Diễn đàn - Ngày đăng : 08:52, 10/05/2016

Sáng 9/5, tại Đồng Tháp, Bộ Tư pháp phối hợp với Bộ TT&TT, Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam tổ chức hội nghị lấy ý kiến đối với Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về tiếp nhận, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ Bưu điện. Đây là hội nghị thứ 3 được tổ chức sau hai tỉnh, thành phố là Hải Phòng và Nghệ An.


Phát biểu khai mạc hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tư Pháp Đinh Trung Tụng cho biết, quan điểm xuyên suốt trong quá trình nghiên cứu, soạn thảo Quyết định là sự cần thiết phải tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ trong giải quyết thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng dịch vụ hành chính, tăng sự lựa chọn của tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện thủ tục hành chính và quan trọng hơn cả là tôn trọng sự tự nguyện của người dân trong việc lựa chọn phương thức thực hiện thủ tục hành chính. Điều này cũng phù hợp với quy định của Chính phủ cũng như các mục tiêu Chính phủ đặt ra là: Phấn đấu đến hết năm 2016 một số dịch vụ công phổ biến, liên quan nhiều tới người dân, doanh nghiệp được cung cấp ở mức độ 3 và cho phép người sử dụng thanh toán lệ phí (nếu có) được thực hiện trực tuyến. Việc trả kết quả có thể được thực hiện trực tuyến, gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện đến người sử dụng (dịch vụ công trực tuyến mức độ 4)”.

Bên cạnh việc đăng tải Dự thảo Quyết định trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, Cổng Thông tin điện tử của Bộ Tư pháp, để tiếp tục lấy ý kiến rộng rãi của các tổ chức, cá nhân và mới đây Bộ Tư pháp cùng Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam cũng đã tổ chức 02 hội nghị tại TP. Hải Phòng và tỉnh Nghệ An để lắng nghe ý kiến góp ý của các cơ quan, đơn vị, cá nhân trực tiếp tham gia vào quá trình tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính đối với Dự thảo Quyết định.

Qua 02 hội nghị với nhiều ý kiến phát biểu cho thấy, đây là một chủ trương đúng đắn, phù hợp để triển khai trong giai đoạn hiện nay và nếu việc tổ chức thực hiện nghiêm túc thì chắc chắn sẽ mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho cá nhân, tổ chức - nhất là những người có hoàn cảnh khó khăn, sinh sống tại địa bàn vùng sâu, vùng xa.

Tại hội nghị diễn ra trong sáng 9/5 tại Đồng Tháp, đã có nhiều ý kiến bày tỏ về việc cần thiết phải ban hành Quyết định về tiếp nhận, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ Bưu điện. Các đại biểu cũng góp ý vào những vấn đề cụ thể như: Không điều chỉnh việc tiếp nhận, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính đối với tổ chức, cá nhân không được ủy quyền; vấn đề chuyển khoản hoặc nộp lệ phí trực tiếp cho tổ chức bưu điện để chuyển cho cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết thủ tục hành chính...

Nhấn mạnh cải cách hành chính là mục tiêu quan trọng trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước, đồng thời là yêu cầu tất yếu của đổi mới, phát triển đất nước, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Minh Hồng cho biết, thời gian qua Bưu điện Việt Nam đã phát triển được một số dịch vụ bưu chính chuyển phát cũng như dịch vụ tài chính bưu chính trong lĩnh vực hành chính công như tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả phiếu lý lịch tư pháp, chứng minh nhân dân, hộ chiếu, cấp đổi giấy phép lái xe, giấy đăng ký xe, giấy thông báo trúng tuyển, hồ sơ tuyển sinh, hồ sơ xét tuyển, hồ sơ BHXH; thu, nộp các khoản lệ phí khi thực hiện chuyển phát thủ tục hành chính công; thu phí phạt vi phạm giao thông đường bộ, phí phạt vi phạm hành chính, thu thuế đối với cá nhân nộp thuế khoán, phí môi trường, chi trả lương hưu, các chế độ bảo trợ, trợ cấp xã hội, đối tượng chính sách, thu tiền BHXH, BHYT tự nguyện... Việc tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính cho cá nhân, tổ chức qua dịch vụ bưu điện không chỉ tiết kiệm chi phí và giảm thời gian đi lại cho người dân, giải quyết yêu cầu bức xúc của người dân, mà còn giảm tình trạng tiêu cực, sách nhiễu trong giải quyết thủ tục hành chính.

Ông Phạm Anh Tuấn, Tổng Giám đốc Tổng công ty Bưu điện Việt Nam nhấn mạnh: Với mạng lưới gần 15.000 điểm giao dịch đến tận cấp xã, Bưu điện Việt Nam luôn sẵn sàng tham gia, phối hợp với các Bộ, ngành cung cấp dịch vụ hành chính công, triển khai cải cách thủ tục hành chính, phục vụ người dân trên khắp cả nước. Chỉ tính riêng năm 2015, toàn quốc đã có gần 9 triệu người dân đã thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến các phần việc gồm cấp chứng minh nhân dân, phiếu lý lịch tư pháp, hộ chiếu, giấy phép lái xe, Bảo hiểm xã hội... với tổng kinh phí gần 1.840 tỷ đồng. Như vậy, việc tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ công đã tạo được thuận lợi, giảm chi phí cho người dân, góp phần thúc đẩy sự phát triển chung cho cả cộng đồng, xã hội. Việc triển khai phương thức trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua bưu điện đến tận nhà cũng đã nhận được sự đồng thuận của đông đảo các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp.

Bưu điện Việt Nam cam kết sẽ thường xuyên đổi mới phương thức phục vụ, nâng cao chất lượng dịch vụ trong việc tiếp nhận, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính tại các bưu cục. Qua đó gia tăng sự lựa chọn của tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện thủ tục hành chính và quan trọng là việc lựa chọn sử dụng dịch vụ được thực hiện trên tình thần tự nguyện của tổ chức, cá nhân. Đồng thời tạo chuyển biến mạnh mẽ trong giải quyết thủ tục hành chính trên nhiều lĩnh vực, ông Phạm Anh Tuấn khẳng định./.


Thu Hương