Quy định mới về mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp của các chức danh viên chức Biên tập viên, Phóng viên, Biên dịch viên và Đạo diễn truyền hình thuộc chuyên ngành Thông tin và Truyền thông

Chính phủ số - Ngày đăng : 14:15, 20/04/2016

Ngày 07 tháng 4 năm 2016, Liên bộ Bộ Nội vụ và Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Thông tư liên tịch số 11/2016/TTLT-BTTTT-BNV quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp của các chức danh viên chức Biên tập viên, Phóng viên, Biên dịch viên và Đạo diễn truyền hình thuộc chuyên ngành Thông tin và Truyền thông.

Thông tư liên tịch này áp dụng đối với các chức danh viên chức Biên tập viên, Phóng viên, Biên dịch viên và Đạo diễn truyền hình trong các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc chuyên ngành Thông tin và Truyền thông và với các tổ chức, cá nhân khác có liên quan.

Phân hạng và mã số chức danh nghề nghiệp viên chức

- Chức danh Biên tập viên gồm 03 hạng, cụ thể:

Biên tập viên hạng I                            Mã số: V.11.01.01;

Biên tập viên hạng II                           Mã số: V.11.01.02;

Biên tập viên hạng III                          Mã số: V.11.01.03.

- Chức danh Phóng viên gồm 03 hạng, cụ thể:

Phóng viên hạng I                               Mã số: V.11.02.04;

Phóng viên hạng II                              Mã số: V.11.02.05;

Phóng viên hạng III                             Mã số: V.11.02.06.

- Chức danh Biên dịch viên gồm 03 hạng, cụ thể:

Biên dịch viên hạng I                          Mã số: V.11.03.07;

Biên dịch viên hạng II                         Mã số: V.11.03.08;

Biên dịch viên hạng III                        Mã số: V.11.03.09.

- Chức danh Đạo diễn truyền hình gồm 03 hạng, cụ thể:

Đạo diễn truyền hình hạng I                Mã số: V.11.04.10;

Đạo diễn truyền hình hạng II              Mã số: V.11.04.11;

Đạo diễn truyền hình hạng III             Mã số: V.11.04.12.

Các chức danh trên ngoài đáp ứng các tiêu chuẩn chung về đạo đức nghề nghiệp, tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng còn phải đáp ứng các tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ. Cụ thể như:

- Đối với Biên tập viên hạng I đã chủ trì biên tập ít nhất 04 (bốn) tác phẩm được Hội đồng nghệ thuật, khoa học chuyên ngành thừa nhận hoặc đạt giải thưởng; hoặc chủ trì ít nhất 02 (hai) công trình lý luận, nghiên cứu lý luận về khoa học nghiệp vụ chuyên ngành (cấp Bộ hoặc tương đương). Biên tập viên hạng II đã chủ trì Ít nhất 02 (hai) tác phẩm được Hội đồng nghệ thuật, khoa học chuyên ngành thừa nhận hoặc đạt giải thưởng; hoặc tham gia viết chuyên đề trong ít nhất 01 (một) công trình lý luận, nghiên cứu lý luận về khoa học nghiệp vụ chuyên ngành (cấp Bộ hoặc tương đương).

- Đối với Phóng viên hạng I đã chủ trì ít nhất 04 (bốn) tác phẩm được Hội đồng nghệ thuật, khoa học chuyên ngành thừa nhận hoặc đạt giải thưởng; hoặc chủ trì ít nhất 02 (hai) công trình lý luận, nghiên cứu lý luận về khoa học nghiệp vụ chuyên ngành (cấp Bộ hoặc tương đương). Phóng viên hạng II đã chủ trì ít nhất 02 (hai) tác phẩm được Hội đồng nghệ thuật, khoa học chuyên ngành thừa nhận hoặc đạt giải thưởng; hoặc tham gia viết chuyên đề trong ít nhất 01 (một) công trình lý luận, nghiên cứu lý luận về khoa học nghiệp vụ chuyên ngành (cấp Bộ hoặc tương đương).

- Đối với Biên dịch viên hạng I đã chủ trì biên dịch ít nhất 04 (bốn) tác phẩm được Hội đồng nghệ thuật, khoa học chuyên ngành thừa nhận hoặc đạt giải thưởng; hoặc chủ trì ít nhất 02 (hai) công trình lý luận, nghiên cứu lý luận về khoa học nghiệp vụ chuyên ngành (cấp Bộ hoặc tương đương). Biên dịch viên hạng II đã chủ trì ít nhất 02 (hai) tác phẩm được Hội đồng nghệ thuật, khoa học chuyên ngành thừa nhận hoặc đạt giải thưởng; hoặc tham gia viết chuyên đề trong ít nhất 01 (một) công trình lý luận, nghiên cứu lý luận về khoa học nghiệp vụ chuyên ngành (cấp Bộ hoặc tương đương).

- Đối với Đạo diễn truyền hình hạng I đã chủ trì ít nhất 04 (bốn) tác phẩm được Hội đồng nghệ thuật, khoa học chuyên ngành thừa nhận hoặc đạt giải thưởng; hoặc chủ trì ít nhất 02 (hai) công trình lý luận, nghiên cứu lý luận về khoa học nghiệp vụ chuyên ngành (cấp Bộ hoặc tương đương) đối với Đạo diễn truyền hình hạng I. Đạo diễn truyền hình hạng II đã chủ trì ít nhất 02 (hai) tác phẩm được Hội đồng nghệ thuật, khoa học chuyên ngành thừa nhận hoặc đạt giải thưởng; hoặc tham gia viết chuyên đề trong ít nhất 01 (một) công trình lý luận, nghiên cứu lý luận về khoa học nghiệp vụ chuyên ngành (cấp Bộ hoặc tương đương) đối với Đạo diễn truyền hình hạng II.

Về thăng hạng chức danh

- Viên chức thăng hạng từ chức danh Biên tập viên hạng II lên chức danh Biên tập viên hạng I phải có thời gian giữ chức danh Biên tập viên hạng II và tương đương tối thiểu là 06 (sáu) năm, trong đó có ít nhất 02 (hai) năm giữ chức danh Biên tập viên hạng II. Phải có thời gian giữ chức danh Biên tập viên hạng III và tương đương tối thiểu 09 (chín) năm, trong đó có ít nhất 03 (ba) năm giữ chức danh Biên tập viên hạng III đối với viên chức thăng hạng từ chức danh Biên tập viên hạng III lên chức danh Biên tập viên hạng II.

- Viên chức thăng hạng từ chức danh Phóng viên hạng II lên chức danh Phóng viên hạng I phải có thời gian giữ chức danh Phóng viên hạng II và tương đương tối thiểu là 06 (sáu) năm, trong đó có ít nhất 02 (hai) năm giữ chức danh Phóng viên hạng II. Phải có thời gian giữ chức danh Phóng viên hạng III và tương đương tối thiểu 09 (chín) năm, trong đó có ít nhất 03 (ba) năm giữ chức danh Phóng viên hạng III đối với viên chức thăng hạng từ chức danh Phóng viên hạng III lên chức danh Phóng viên hạng II.

- Viên chức thăng hạng từ chức danh Biên dịch viên hạng II lên chức danh Biên dịch viên hạng I phải có thời gian giữ chức danh Biên tịch viên hạng II và tương đối tối thiểu là 06 (sáu) năm, trong đó ít nhất 02 (hai) năm giữ chức danh Biên tập viên hạng II. Phải có thời gian giữ chức danh Biên dịch viên hạng III và tương đương tối thiểu là 09 (chín) năm, trong đó có ít nhất 03 (ba) năm giữ chức danh Biên dịch viên hạng III đối với viên chức thăng hạng từ chức danh Biên dịch viên hạng III lên chức danh Biên dịch viên hạng II.

- Viên chức thăng hạng từ chức danh Đạo diễn truyền hình hạng II lên chức danh Đạo diễn truyền hình hạng I phải có thời gian giữ chức danh Đạo diễn truyền hình hạng II và tương đương tối thiểu là 06 (sáu) năm, trong đó có ít nhất 02 (hai) năm giữ chức danh Đạo diễn truyền hình hạng II. Phải có thời gian giữ chức danh Đạo diễn truyền hình hạng III và tương đương tối thiểu là 09 (chín) năm, trong đó có ít nhất 03 (ba) năm giữ chức danh Đạo diễn truyền hình hạng III đối với viên chức thăng hạng từ chức danh Đạo diễn truyền hình hạng III lên chức danh Đạo diễn truyền hình hạng II.

Nguyên tắc bổ nhiệm và xếp lương theo chức danh nghề nghiệp đối với viên chức

Việc bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp đối với viên chức quy định tại Thông tư liên tịch này phải căn cứ vào vị trí việc làm, chức trách, chuyên môn nghiệp vụ đang đảm nhận của viên chức và theo quy định tại Điều 17 của Thông tư liên tịch này. Khi bổ nhiệm từ ngạch viên chức hiện giữ sang chức danh nghề nghiệp viên chức tương ứng không được kết hợp nâng bậc lương hoặc thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức.

Trường hợp viên chức đủ điều kiện bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp viên chức có hệ số, bậc lương bằng ở ngạch cũ thì thực hiện xếp ngang bằng bậc lương và % phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có) đang hưởng ở ngạch cũ (kể cả tính thời gian xét nâng bậc lương lần sau hoặc xét hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung nếu có ở ngạch cũ) vào chức danh nghề nghiệp với được bổ nhiệm.

Việc thăng hạng viên chức thực hiện sau khi đã được cấp có thẩm quyền bổ nhiệm vào chức danh viên chức theo quy định tại Thông tư liên tịch này và thực hiện xếp lương theo hướng dẫn tại Khoản 1, Mục II, Thông tư số 02/2007/TT-BNV ngày 25/5/2007 của Bộ Nội vụ hướng dẫn xếp lương khi nâng ngạch, chuyển ngạch, chuyển loại công chức, viên chức.

Thông tư liên tịch này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 25 tháng 5 năm 2016.

Anh Cao