Quốc hội thông qua Luật Báo chí sửa đổi với số phiếu cao
Bản tin ICT - Ngày đăng : 09:44, 05/04/2016
Kết quả Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Báo chí sửa đổi. (Ảnh: Tuấn Minh)
Theo đó, với 445 đại biểu có mặt tham gia biểu quyết tại hội trường đã có 442 đại biểu tán thành thông qua Luật Báo chí sửa đổi, bằng 89,47%.
Trước đó, trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi) trình Quốc hội thông qua, bà Nguyễn Thanh Hải, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, tại phiên họp chiều ngày 21/3/2016, các vị đại biểu Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi).
Về cơ bản, các vị Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tán thành với nội dung của dự thảo Luật và cho rằng dự thảo Luật đã tiếp thu ý kiến của ĐBQH tại kỳ họp trước, đồng thời, các vị ĐBQH cũng đóng góp thêm ý kiến vào các điều khoản cụ thể của dự thảo Luật.
Ngay sau phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật.
Cụ thể, đối vớiquyền góp ý kiến, phê bình, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo trên báo chí của công dân (các điều 11 và 39), bà Hải cho biết, có ý kiến cho rằng khoản 1 Điều 12 dự thảo Luật quy định cơ quan báo chí phải đăng, phát kiến nghị, phê bình, khiếu nại, tố cáo của công dân là khó khả thi.
Trước ý kiến trên, bà Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, quyền góp ý kiến, phê bình, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân trên báo chí là thuộc quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí đã được hiến định.
Theo bà Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, báo chí là diễn đàn để công dân thực hiện quyền đó. Tuy nhiên, để phù hợp với thực tiễn và bảo đảm tính khả thi của Luật, khoản 1 Điều 12 dự thảo Luật quy định cơ quan báo chí đăng, phát kiến nghị, phê bình của công dân phù hợp với tôn chỉ mục đích của cơ quan báo chí đó chứ không phải đăng phát mọi kiến nghị, phê bình do công dân gửi đến.
Trước ý kiến đề nghị bổ sung quy định về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, có thẩm quyền trả lời kiến nghị, phê bình, khiếu nại, tố cáo của công dân do cơ quan báo chí chuyển đến và các vấn đề công dân nêu ra trên báo chí, bà Hải cho biết, khoản 2 Điều 39 dự thảo Luật đã quy định trách nhiệm và thời hạn cụ thể người đứng đầu cơ quan, tổ chức phải trả lời kiến nghị, phê bình, khiếu nại, tố cáo của công dân.
Ngoài ra, dự thảo Luật quy định cả trường hợp quá thời hạn quy định mà người đứng đầu cơ quan, tổ chức không trả lời kiến nghị, phê bình, khiếu nại, tố cáo của công dân để ràng buộc trách nhiệm của người đứng đầu của cơ quan, tổ chức đối với kiến nghị, phê bình, khiếu nại, tố cáo của công dân do báo chí chuyển đến.
Hơn nữa, Luật Công chức cũng đã quy định cán bộ, công chức phải thực hiện đúng, đầy đủ và chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao. Do vậy, UBTVQH đề nghị Quốc hội cho giữ như dự thảo Luật.
Đề cập đến cơ quan báo chí (các Điều 15 và 21), bà Hải cho biết, có ý kiến đề nghị làm rõ sự cần thiết phải có sự thống nhất ý kiến bằng văn bản của Bộ Thông tin và Truyền thông khi bổ nhiệm người đứng đầu cơ quan báo chí.
Đối với vấn đề này, bà Hải cho rằng, việc bổ nhiệm người đứng đầu cơ quan báo chí thuộc trách nhiệm chính của cơ quan chủ quản báo chí (điểm b khoản 2 Điều 15). Việc quy định việc bổ nhiệm người đứng đầu cơ quan báo chí phải được sự thống nhất của Bộ Thông tin và Truyền thông là cần thiết để bảo đảm người đứng đầu cơ quan báo chí phải hội đủ tiêu chuẩn như quy định tại khoản 2 Điều 23.
Theo bà Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, thực tế hiện nay, một số cơ quan chủ quản cơ quan báo chí bổ nhiệm tổng biên tập không có nghiệp vụ báo chí, làm ảnh hưởng đến chất lượng của báo.
Hơn nữa, báo chí là phương tiện thông tin thiết yếu, có ảnh hưởng lớn đến toàn bộ đời sống xã hội. Bộ Thông tin và Truyền thông là cơ quan quản lý nhà nước về báo chí, chịu trách nhiệm toàn diện về hoạt động báo chí cả nước. Cơ quan này rất cần xây dựng mối quan hệ thường xuyên, mật thiết với người đứng đầu cơ quan báo chí nhằm bảo đảm đưa thông tin kịp thời, trung thực, lành mạnh đến công chúng. Do đó, UBTVQH đề nghị Quốc hội cho giữ như dự thảo Luật.
Trước ý kiến đề nghị không nên quy định thời hạn 5 năm phải đổi thẻ nhà báo (Điều 28), bà Hải cho biết, hiện nay, có một số trường hợp, người được cấp thẻ nhà báo nhưng không còn làm công việc liên quan đến báo chí, mà vẫn giữ và sử dụng thẻ nhà báo không đúng mục đích. Do vậy, để quản lý hiệu quả việc sử dụng thẻ nhà báo, UBTVQH đề nghị được giữ như dự thảo Luật.
Trước ý kiến đề nghị bổ sung quy định phóng viên, nhà báo không được sử dụng mạng xã hội để tuyên truyền trái với tôn chỉ mục đích của cơ quan báo chí, bà Ủy viên Thường vụ Quốc hội cho rằng, đây là quyền tự do ngôn luận của công dân đã được hiến định nên không thể đưa nội dung này vào dự thảo Luật.
Trường hợp thấy cần thiết phải quản lý những hoạt động trên, cơ quan báo chí có thể quy định nội dung này tại quy chế hoạt động của cơ quan báo chí đó.
Luật Báo chí sửa đổi gồm 6 chương, 61 điều sẽ có hiệu lực từ 1/1/2017.
Theo Infonet