8 trường đào tạo trọng điểm về an toàn thông tin bắt tay hợp tác

Đời sống xã hội - Ngày đăng : 16:14, 29/03/2016

Biên bản ghi nhớ hợp tác trong đào tạo và nghiên cứu khoa học an toàn, an ninh thông tin giữa 8 cơ sở đào tạo trọng điểm về an toàn, an ninh thông tin theo Đề án 99 vừa được ký kết hôm nay, ngày 29/3/2016.


20160329-m4.jpg

Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Minh Hồng, Trưởng Ban điều hành Đề án 99 phát biểu tại Hội nghị các cơ sở đào tạo trọng điểm về an toàn, an ninh thông tin.

Ngày 29/3/2016, tại Hà Nội, Học viện Kỹ thuật Mật mã và Cục An toàn thông tin thuộc Bộ TT&TT phối hợp tổ chức Hội nghị các cơ sở đào tạo trọng điểm về an toàn, an ninh thông tin theo Đề án “Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực an toàn, an ninh thông tin đến năm 2020” (Đề án 99) của Chính phủ.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Minh Hồng, Trưởng Ban điều hành Đề án 99 cho biết, ngày nay chúng ta đang sống trong một thế giới được kết nối mạng, mọi hoạt động của các tổ chức, cá nhân đều được thực hiện trên môi trường mạng và phụ thuộc vào môi trường mạng. Do đó, vấn đề đảm bảo an toàn, an ninh thông tin trở nên hết sức quan trọng và đôi lúc mang tính chất sống còn đối với hoạt động của các cơ quan, tổ chức, cá nhân, đặc biệt là trong các lĩnh vực trọng yếu như điện lực, giao thông, tài chính, ngân hàng…

Nhận thức được tầm quan trọng của công tác xây dựng đội ngũ nhân lực an toàn, an ninh thông tin, đầu năm 2014, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 99/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Đào tạo phát triển nguồn nhân lực an toàn, an ninh thông tin đến năm 2020”.

Trong Đề án 99, có 8 trường Đại học, Học viện lớn được Thủ tướng Chính phủ quyết định tập trung đầu tư cho đào tạo nhân lực an toàn thông tin, gồm: Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, Học viện Kỹ thuật Mật mã, Học viện Kỹ thuật Quân sự, Học viện An ninh Nhân dân, Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học CNTT thuộc Đại học Quốc gia TP.HCM, Đại học Công nghệ thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Bách khoa thuộc Đại học Đà Nẵng.

Một trong 6 nhiệm vụ của Đề án 99 là hỗ trợ các cơ sở đào tạo trọng điểm, cập nhật kiến thức, kỹ năng cho đội ngũ giảng viên, xây dựng chương trình đào tạo tiên tiến, nâng cấp phòng thí nghiệm phục vụ đào tạo và nghiên cứu nhằm tăng cường năng lực, chất lượng đào tạo về an toàn, an ninh thông tin.

Thứ trưởng Nguyễn Minh Hồng cho rằng, để hoàn thành tốt các nhiệm vụ này, đòi hỏi các cơ sở đào tạo trọng điểm không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo bằng việc cải cách, đổi mới về phương pháp và chương trình đào tạo, bám sát nhu cầu xã hội, tham khảo chương trình đào tạo của các trường đại học danh tiếng trên thế giới. Các cơ sở đào tạo trọng điểm cũng cần phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp cho sinh viên tiếp cận các nghiệp vụ thực tế, rèn luyện được các kỹ năng mềm ngay từ khi còn đang trong quá trình học tập.

“Bên cạnh công tác đào tạo về chuyên môn, các cơ sở đào tạo cũng cần chú trọng đào tạo về đạo đức nghề nghiệp về CNTT nói chung và an toàn thông tin nói riêng cho đội ngũ cán bộ, giảng viên và các em sinh viên - là nguồn nhân lực có trách nhiệm bảo đảm an toàn, an ninh thông tin trong tương lai. Bên cạnh đó cũng cần có các hoạt động tuyên truyền, phổ biến để các em sinh viên thấy được vai trò, tầm quan trọng và trách nhiệm của mỗi cá nhân trong công tác bảo đảm an toàn thông tin”, Thứ trưởng nhấn mạnh.

20160329-m5.jpg

Đại diện 8 cơ sở đào tạo trọng điểm về an toàn, an ninh thông tin ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác.

Nhằm thúc đẩy và mở rộng hợp tác về đào tạo, nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trong lĩnh vực an toàn, an ninh thông tin giữa các trường đại học; phát triển nguồn nhân lực an toàn, an ninh thông tin chất lượng cao, góp phần thực hiện thắng lợi Đề án 99 của Chính phủ, trong khuôn khổ Hội nghị, đại diện lãnh đạo 8 cơ sở đào tạo trọng điểm về an toàn, an ninh thông tin đã ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác trong đào tạo và nghiên cứu khoa học về an toàn, an ninh thông tin.

Các bên đều nhất trí rằng  để có thể thực hiện tốt nhiệm vụ đào tạo và phát triển nguồn nhân lực an toàn, an ninh thông tin theo chủ trương của Chính phủ, các cơ sở đào tạo trọng điểm về an toàn, an ninh thông tin cần hợp tác chặt chẽ với nhau trong đào tạo và nghiên cứu khoa học về an toàn, an ninh thông tin. Các bên tiếp tục kêu gọi sự hưởng ứng, hợp tác từ các cơ sở đào tạo khác.

Nội dung hợp tác bao gồm: Phối hợp tham mưu, đề xuất cho Bộ GD&ĐT về đào tạo ngành nghề an toàn thông tin; Hợp tác, trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm về các chương trình, giáo trình về an toàn, an ninh thông tin; Phối hợp tổ chức các hội nghị, hội thảo, xây dựng và thực hiện các chương trình nghiên cứu chung, qua đó có thể áp dụng các kết quả nghiên cứu vào thực tế phục vụ cho các lĩnh vực khác nhau; Trao đổi các nhà khoa học, học giả nghiên cứu và chuyên gia cho các mục đích đào tạo, nghiên cứu khoa học về an toàn, an ninh thông tin; Phối hợp tổ chức diễn đàn, sân chơi về an toàn, an ninh thông tin cho sinh viên của các trường.

Bên cạnh đó, 8 cơ sở đào tạo trọng điểm về an toàn, an ninh thông tin cũng thống nhất cách thức thực hiện thỏa thuận hợp tác. Theo đó, hàng năm luân phiên mỗi đơn vị chịu trách nhiệm chủ trì các hoạt động. Đầu năm (hoặc trong thời gian thích hợp), đơn vị chủ trì dự kiến kế hoạch hoạt động trong năm; lập kế hoạch tổ chức họp mặt các đơn vị để thống nhất nội dung kế hoạch hoạt động cụ thể sẽ được tổ chức trong năm.

Mục tiêu cụ thể của Đề án “Đào tạo phát triển nguồn nhân lực an toàn, an ninh thông tin đến năm 2020” là đến năm 2020 sẽ đưa 300 giảng viên, nghiên cứu viên đi đào tạo về an toàn, an ninh thông tin ở nước ngoài, trong đó có 100 Tiến sĩ; đào tạo 2.000 học viên có trình độ đại học và trên đại học về an toàn, an ninh thông tin chất lượng cao; đưa 1.500 lượt cán bộ chuyên trách về an toàn, an ninh thông tin đi đào tạo ngắn hạn cập nhật công nghệ, nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ tại các cơ sở đào tạo có uy tín ở nước ngoài; tập huấn, đào tạo ngắn hạn nâng cao kiến thức, kỹ năng về an toàn, an ninh thông tin cho 10.000 lượt cán bộ làm về an toàn, an ninh thông tin và CNTT tại các cơ quan nhà nước.

Theo ICTnews