Cần cơ chế nghiêm minh bảo vệ nhà báo tác nghiệp
Diễn đàn - Ngày đăng : 16:11, 11/03/2016
Ảnh minh họa
Luật Báo chí năm 1989 đã nêu rõ tại Điều 2: “Bảo đảm quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí”. Cụ thể: “Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi để công dân thực hiện quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí và để báo chí phát huy đúng vai trò của mình; Báo chí, nhà báo hoạt động trong khuôn khổ pháp luật và được Nhà nước bảo hộ; không một tổ chức, cá nhân nào được hạn chế, cản trở báo chí, nhà báo hoạt động. Không ai được lạm dụng quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí để xâm phạm lợi ích của Nhà nước, tập thể và công dân…”. Tuy nhiên Điều 12 dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi) có nhắc lại, nhưng chưa có thể hiện cam kết, cơ chế nào mới hơn, trong khi việc thực thi luật cũ đang có những khoảng trống khiến việc tác nghiệp của nhà báo ngày càng có nhiều trở ngại.
Hiện nay, các chế tài hành chính đối với các hành vi xâm phạm hoạt động báo chí được quy định tại Nghị định 159/2013 (trước đó là các Nghị định 56, 31 và 02/2011). Tại Điều 6 và Điều 8 Nghị định 02 và Điều 7, Điều 9 Nghị định 159/2013 đều nói rõ các chế tài xử phạt các hành vi đe dọa, hành hung, phá hủy tài sản… của nhà báo cũng như việc cản trở cung cấp thông tin. Thực tiễn nhiều năm trở lại đây, những vụ hành hung nhà báo, phá hủy dụng cụ, đồ nghề, tài liệu tác nghiệp bị khởi tố hình sự rất hiếm hoi, trong khi việc hành hung, cản trở đe dọa, xúc phạm nhân phẩm thân thể phóng viên báo chí ngày càng diễn ra phổ biến. Lý do là phần lớn các vụ việc này được cơ quan công an thụ lý đều phải chờ kết quả giám định về mức độ thương tật và giá trị tài sản. Quá trình chờ đợi kết quả giám định kéo dài, trong khi hầu hết các trường hợp cản trở nhà báo tác nghiệp đều nhằm ngăn chặn nhà báo thu thập hoặc công bố thông tin, chứ không phải nhằm gây thương tích và gây thiệt hại tài sản của nhà báo.
Chính vì điều này, nhiều vụ việc nổi cộm đã khởi tố nhưng sau đó lại bị đình chỉ điều tra. Phần lớn các tin báo về các vụ việc này đều được xem xét như các tin báo của công dân bình thường trong các vụ tranh chấp, rất ít trường hợp được cơ quan chức năng xem xét đến khía cạnh công vụ của nạn nhân, cho nên thường các quyết định tố tụng hình sự được ban hành rất chậm, tội danh chưa đúng bản chất sự việc.
Các chuyên gia cho rằng, tổ chức hay cá nhân cản trở phóng viên tác nghiệp là do họ muốn “bưng bít” hoặc không muốn thông tin ấy được công khai. Chỉ những người có hành vi tiêu cực hoặc phải chịu trách nhiệm về hậu quả vấn đề thuộc phạm vi chức trách mới có hành vi coi thường tính mạng, tài sản của nhà báo cũng như bất chấp quy định pháp luật nhằm che đậy thông tin, cản trở phóng viên.
Nhà báo là ngành nghề lao động đặc thù, vất vả và đầy rủi ro, lao động báo chí đòi hỏi sự dũng cảm, nhất là trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Không ai khác, các cơ quan báo chí và các nhà báo tiên phong, dấn thân trong cuộc đấu tranh này rất cần được bảo vệ. Do vậy, đề nghị cần đưa tội danh “Cản trở tác nghiệp của phóng viên báo chí” vào Luật Báo chí sửa đổi và bổ sung tội danh "Cản trở quyền tự do ngôn luận” vào Luật Hình sự.
Với trách nhiệm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của hội viên, những năm qua, Hội Nhà báo các cấp đã cố gắng tiếp cận các vụ việc nêu trên, lên tiếng yêu cầu các cơ quan chức năng xử lý nghiêm các hành vi đe dọa, tiến công nhà báo. Tuy nhiên, việc thực hiện các nhiệm vụ này vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn. Vì vậy, trong khi chờ đợi luật pháp đưa ra những chế tài nghiêm minh, xử phạt các hành vi cản trở tác nghiệp, xâm hại thân thể, phương tiện hành nghề, Hội nhà báo các cấp cần tiếp tục nâng cao hơn nữa tiếng nói, năng lực bảo vệ quyền lợi cho hội viên một cách tích cực và có hiệu quả hơn nữa. Thường xuyên coi đây là trọng tâm công tác của Hội.