Sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên cao nguyên Lâm Đồng

Hội nhập - Ngày đăng : 02:53, 03/03/2016

Theo Quyết định số 575/QĐ-TTg ngày 4-5-2015 của Thủ tướng Chính phủ, về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể khu và vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (NNƯDCNC) đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, tỉnh Lâm Đồng có một Dự án Khu NNƯDCNC quốc gia và năm vùng sản xuất cây, con ứng dụng công nghệ cao. Đây là cơ hội để địa phương này tiếp tục cuộc “cách mạng xanh” đã triển khai hơn 10 năm nay.



Cây cà chua đen được trồng  trong vườn ươm công nghệ cao.

Đi tắt, đón đầu

Từ nhiều năm nay, tỉnh Lâm Đồng đã tập trung khai thác lợi thế về điều kiện tự nhiên, “đi tắt, đón đầu” để tổ chức cuộc “cách mạng xanh” trong lĩnh vực nông nghiệp, trong đó xác định NNƯDCNC là một trong những khâu đột phá nhằm phát triển kinh tế - xã hội. Ngay trong giai đoạn năm 2004-2010, Tỉnh ủy Lâm Đồng đã đưa ra những định hướng lớn đối với nông dân và doanh nghiệp về NNƯDCNC. Tiếp đến là Nghị quyết 05/NQ-TU về tiếp tục đẩy mạnh chương trình NNƯDCNC giai đoạn 2011-2015. Theo đó, Lâm Đồng tập trung quy hoạch sản xuất NNƯDCNC; xây dựng các chính sách về đất đai, khoa học - công nghệ, xúc tiến thương mại, đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; cũng như các chính sách về tín dụng, hợp tác và hội nhập quốc tế.

Chia sẻ với chúng tôi, TS Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết: Với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, sự chung tay góp sức của cộng đồng các doanh nghiệp và bà con nông dân, đến nay diện tích sản xuất rau, hoa, cây đặc sản ứng dụng công nghệ cao (ƯDCNC) toàn tỉnh đạt gần 43 nghìn ha, trong đó diện tích sản xuất rau, hoa, quả và cây đặc sản đạt 14.600 ha; sản xuất chè đạt 5.635 ha; cà-phê đạt hơn 15.000 ha... chiếm 16% diện tích đất nông nghiệp và 30% giá trị toàn ngành. Quan trọng hơn, những sản phẩm ƯDCNC có giá trị xuất khẩu chiếm hơn 80% giá trị xuất khẩu của tỉnh, doanh thu bình quân đạt 140 triệu đồng/ha/năm (tương đương gần 7.000 USD/ha). Trong đó có nhiều diện tích cây trồng ƯDCNC đạt từ 500 triệu đồng đến 2 tỷ đồng/ha/năm.

Nhờ thực hiện việc ứng dụng có hiệu quả công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, các Công ty CP Công nghệ Sinh học Rừng Hoa Đà Lạt, Công ty TNHH Agri VINA, Công ty TNHH Đà Lạt GAP, và Công ty TNHH Dịch vụ Thương mại Trường Hoàng được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận là doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao. Tỉnh Lâm Đồng cũng đã xây dựng thương hiệu nông sản cho 16 sản phẩm được đăng ký xác lập quyền nhãn hiệu, trong đó có bảy nhãn hiệu được cấp chứng nhận và chín nhãn hiệu tập thể, như: rau, hoa Đà Lạt; trà B’Lao; cà-phê Di Linh, cà-phê Arabica Langbiang, cá nước lạnh Đà Lạt… Đồng thời, cấp chứng nhận sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, Organic cho 150 tổ chức và hộ nông dân, với tổng diện tích hơn 2.000 ha, hằng năm cung cấp hàng trăm nghìn tấn rau an toàn cho thị trường một số thành phố lớn trong nước và xuất khẩu.

Chủ động thu hút đầu tư

Để hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, nhất là NNƯDCNC, tỉnh Lâm Đồng đã chủ động mở rộng hợp tác quốc tế, tạo môi trường thông thoáng, công khai, minh bạch. Chỉ riêng trong ba năm qua, tỉnh Lâm Đồng đã thu hút được 67 doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực NNƯDCNC, với tổng số vốn 4.640 tỷ đồng (chiếm 35,26% nguồn lực thực hiện). Trong đó có nhiều nhà đầu tư nước ngoài mạnh dạn đầu tư lớn, như Tập đoàn tài chính Bejo hiện đang đầu tư 9,5 triệu ơ-rô vào dự án sản xuất giống rau trên địa bàn huyện Lâm Hà, với mục tiêu sản xuất giống rau xuất khẩu lớn nhất Đông - Nam Á; dự án nghiên cứu và nhân giống hoa cao cấp của Công ty TNHH Agri VINA, có tổng mức đầu tư 1,5 triệu USD.

Các nhà đầu tư Nhật Bản có tới 11 dự án, với tổng vốn đăng ký là 32,48 triệu USD, góp phần giải quyết việc làm thường xuyên cho gần 1.000 lao động. Trong đó có ba công ty: TNHH An Phú Lacue (liên doanh) với tổng vốn đầu tư là 4,8 triệu USD; Công ty TNHH Agriteck Japan với tổng vốn đầu tư là 2 triệu USD và Công ty TNHH Trang trại Kiraku là 330 nghìn USD, mới được UBND tỉnh Lâm Đồng cấp Giấy chứng nhận đầu tư. Ngoài ra, tỉnh Lâm Đồng còn chủ động phối hợp chính quyền tỉnh Đông Flanders (Bỉ) thực hiện dự án Trung tâm công nghệ cao canh tác rau, hoa, cây cảnh trong nhà kính, phòng trừ sâu bệnh tổng hợp và phát triển đàn bò thịt cao sản chất lượng cao BBB.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Phạm S cho biết, thông qua thực tiễn thu hút nguồn vốn của các nhà đầu tư nói chung và các nhà đầu tư từ Nhật Bản nói riêng vào lĩnh vực nông nghiệp, tỉnh đã rút ra những kinh nghiệm cơ bản để triển khai thực hiện Quyết định 575/QĐ-TTg một cách hiệu quả:

Một là, cùng với việc quy hoạch và quản lý quy hoạch, khắc phục tối đa việc nông dân tự phát trong sản xuất hàng hóa, cần quyết liệt cải cách thủ tục hành chính để thu hút các nhà đầu tư, nâng cao tinh thần trách nhiệm của công chức theo hướng phục vụ, giải quyết công việc cho nhà đầu tư kịp thời, khoa học. Các cơ quan hành chính phải luôn đồng hành cùng nhà đầu tư từ lúc họ đến tìm hiểu cho đến khi làm ăn có hiệu quả.

Hai là, thực hiện đồng bộ các chính sách hỗ trợ đầu tư chiều sâu và khuyến khích xã hội hóa trong nghiên cứu triển khai khoa học công nghệ trong các tổ chức, cá nhân nghiên cứu, sản xuất, nhập khẩu giống vật nuôi, cây trồng mới có năng suất, chất lượng cao, phù hợp nhu cầu của thị trường. Đồng thời hỗ trợ xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, đào tạo nghề, cũng như hỗ trợ nhập khẩu thiết bị công nghệ cao, và các dịch vụ kỹ thuật… để sản xuất trên quy mô lớn.

Ba là, thường xuyên thông tin cho các nhà đầu tư về điều kiện tự nhiên và xác định cây trồng vật nuôi của địa phương có lợi thế so sánh quốc gia, quốc tế và khu vực để các nhà đầu tư nhận thấy nhiều cơ hội tốt, từ đó quyết định đầu tư.


BẢO THY, THÀNH TÂM