Nhân dân đóng góp nhiều ý kiến quý báu cho văn kiện Đại hội Đảng
Xu hướng - Dự báo - Ngày đăng : 03:44, 22/01/2016
PGS.TS Nguyễn Viết Thông, Tổng Thư ký Hội đồng Lý luận Trung ương, Ủy viên thường trực Tổ biên tập Văn kiện Đại hội XII của Đảng. Ảnh: VGP/Lê Sơn
Xung quanh vấn đề này, Cổng TTĐT Chính phủ đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Nguyễn Viết Thông, Tổng Thư ký Hội đồng Lý luận Trung ương, Ủy viên thường trực Tổ biên tập Văn kiện Đại hội XII của Đảng.
Nhân dân đã có nhiều ý kiến đóng góp cho các văn kiện của Đại hội Đảng lần thứ XII. Vậy đâu là nhóm ý kiến, lĩnh vực được nhân dân tham gia nhiều, thưa ông?
Ông Nguyễn Viết Thông: Đảng ta đã quyết định công bố toàn văn hai dự thảo văn kiện là Báo cáo Chính trị và dự thảo Báo cáo Kinh tế để xin ý kiến toàn dân. Sau hơn một tháng, nhân dân ở trong nước và kiều bào ta ở nước ngoài đã đóng góp rất nhiều ý kiến tâm huyết, thẳng thắn, trách nhiệm vào các dự thảo văn kiện. Theo tổng hợp, có hơn 26 triệu lượt người với 1.547 trang đóng góp ý kiến.
Nhiều ý kiến của nhân dân cho rằng thành tố thứ 5 nói về mục tiêu của nhiệm kỳ tới cần phải ngắn gọn, rõ hơn. Trung ương đã thảo luận và tiếp thu thay 5 chữ “Xây dựng nền tảng để” bằng 2 chữ “phấn đấu”. Như vậy, mục tiêu của chúng ta trong 5 năm tới rất rõ là “phấn đấu sớm đưa nước ta cơ bản thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại”. Đây là góp ý rất sâu sắc của nhân dân.
Đánh giá về 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XI, Dự thảo viết “Kinh tế vĩ mô dần ổn định, lạm phát được kiểm soát, tốc độ tăng trưởng kinh tế tuy chậm lại những vẫn đạt tốc độ khá”, đây cũng là vấn đề được nhân dân tập trung góp ý nhiều. Các ý kiến đóng góp cho rằng kinh tế vĩ mô của Việt Nam không phải “dần ổn định” mà “cơ bản ổn định”.
Rõ ràng, trong năm 2012, kinh tế xuống đáy với tốc độ tăng trưởng 5,25%, đến năm 2013 tăng lên 5,42%, năm 2014 lên 5,98% và đặc biệt năm 2015 lên 6,68%. Điều này cho thấy sự phục hồi rất rõ của nền kinh tế nước ta.
Nhân dân cũng góp ý, trong Dự thảo chưa nói đến kết quả xây dựng nông thôn mới, thì lần này chúng ta bổ sung thêm “xây dựng nông thôn mới bước đầu đạt kết quả tích cực”.
Trong Dự thảo Văn kiện nói về kết quả ban hành Hiến pháp năm 2013, nhưng nhiều ý kiến cho rằng Quốc hội khóa này không chỉ ban hành Hiến pháp 2013 mà còn ban hành nhiều bộ luật và luật khác. Trong 2 kỳ họp thứ 9 và thứ 10 Quốc hội khóa 13 đã ban hành 27 bộ luật và luật, nếu so với các kỳ họp đầu của Quốc hội thì trung bình một kỳ chỉ ban hành khoảng 10 bộ luật và luật. Do đó, Trung ương đồng ý tiếp thu “ban hành Hiến pháp năm 2013 và nhiều bộ luật, luật trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa 13”.
Tôi cũng rất tâm huyết với nhiều ý kiến đóng góp của nhân dân trong và ngoài nước đề nghị viết rõ hơn thành tựu về bảo vệ Tổ quốc. Lần này ý kiến đó đã được tiếp thu và diễn đạt chính xác bằng câu mà chúng tôi hay nói là câu “văn bia”: “Kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc”. Đây là quan điểm trước sau như một của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta.
Nhân dân cũng đóng góp nhiều ý kiến về vấn đề kinh tế, đặc biệt là mô hình tăng trưởng. Theo đó, nhấn mạnh mô hình tăng trưởng, phát triển nhanh, bền vững nhưng nhân dân cũng thấy rằng, nước ta là một thành viên của Liên Hợp Quốc, những năm qua chúng ta thực hiện thành công Mục tiêu Thiên niên kỷ của Liên Hợp Quốc. Tuy nhiên, Mục tiêu này đã kết thúc năm 2015 và vừa qua Liên Hợp Quốc cũng đề ra Mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030. Cập nhật tình hình và tiếp thu ý kiến của nhân dân, chúng ta đã bổ sung vào Dự thảo là “Phát triển nhanh, bền vững, hướng tới các Mục tiêu phát triển bền vững đến 2030”.
Các vấn đề lớn về xây dựng Đảng được nhân dân góp ý như thế nào, thưa ông?
Ông Nguyễn Viết Thông: Đó là các vấn đề về phát huy dân chủ, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Qua góp ý của nhân dân, Trung ương đã tiếp thu một số ý lớn: Bổ sung vào nguyên nhân vì sao trong 5 năm qua chúng ta chưa phát huy cao nhất sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Đó là “chậm đổi mới về phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội”, bổ sung thêm những nội dung về “phương hướng, nhiệm vụ như tạo sự đồng thuận xã hội”, “tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân, mọi đường lối chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước đều vì lợi ích của nhân dân”, “giáo dục thế hệ trẻ về lòng yêu nước, ý thức tôn trọng và nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật, tạo điều kiện cho thế hệ trẻ vươn lên”, “tạo điều kiện cho chị em phụ nữ phát triển tài năng”, “bảo đảm cho các dân tộc bình đẳng và giúp đỡ nhau cùng tiến bộ”...
Một vấn đề nữa được nhân dân đóng góp nhiều ý kiến là “xung quanh vấn đề xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN”, qua đó Trung ương đã tiếp thu các nhóm vấn đề chính. Đó là, đưa vào mục tiêu xây dựng Nhà nước pháp quyền trong 5 năm tới với nội dung là phải có cơ chế để bảo vệ Hiến pháp và pháp luật; xác định chính xác hơn những nhiệm vụ của nhiệm kỳ tới, trong đó Dự thảo Văn kiện viết là “tiếp tục xây dựng, hoàn thiện và tổ chức thực thi pháp luật theo nguyên tắc Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân”, đã có nhiều ý kiến cho rằng, nhiệm vụ xây dựng pháp luật của chúng ta cơ bản đã hoàn thành, vấn đề tới đây là hoàn thiện và tổ chức thực thi pháp luật, không phải là xây dựng pháp luật nữa. Trung ương đã tiếp thu và sửa lại là “hoàn thiện và tổ chức thực thi pháp luật, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của Nhà nước pháp quyền” hoặc trong Dự thảo viết là “tổ chức thực hiện tốt cuộc bầu cử ĐBQH và HĐND các cấp trong năm 2016", nhiều ý kiến cho rằng, không phải là thực hiện tốt luật mà quan trọng hơn là phải tổ chức thành công cuộc bầu cử ĐBQH và HĐND các cấp.
Một vấn đề khác cũng được Trung ương tiếp thu rất nhiều là mảng tư pháp, với 3 ý lớn là: Xây dựng nền tư pháp hiện đại; tiếp tục cụ thể hóa các nguyên tắc xét xử của Tòa án là tranh tụng tại Tòa; tăng cường các cơ quan bổ trợ tư pháp khi có đủ điều kiện.
Một mảng quan trọng được nhân dân quan tâm đóng góp ý kiến là “xây dựng Đảng”. Như tôi đã nói, những vấn đề cụ thể được bàn giao cho Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XII nghiên cứu để lãnh đạo, chỉ đạo. Trong Văn kiện thì chúng tôi tiếp thu nhiều nhất xung quanh đoạn viết đánh giá về thực hiện Nghị quyết Trung ương 4. Tiếp thu ý kiến nhân dân, lần này đoạn về Nghị quyết Trung ương 4 được viết lại cho chính xác hơn:“Nhìn chung các cấp ủy, tổ chức đảng đã lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 một cách bài bản, quyết liệt, góp phần tạo ra sự chuyển biến trong hệ thống chính trị và có tác động cảnh tỉnh, cảnh báo, răn đe, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái trong Đảng”.
Về đánh giá khuyết điểm, trong Dự thảo viết là “việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 có một số việc chưa đạt như mong muốn, chưa đạt mục tiêu Nghị quyết đề ra”. Nhân dân góp ý rằng, mong muốn thì vô cùng, cần viết thế nào cho rõ hơn. Cuối cùng, chúng ta viết trong Báo cáo Chính trị là “trong việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 có một số việc chưa đạt mục tiêu Nghị quyết đề ra”. Theo tôi, đây là những góp ý sâu sắc của nhân dân.
Trong 6 nhiệm vụ trọng tâm, hầu hết nhân dân đồng ý và rất tâm đắc với nhiệm vụ trọng tâm thứ nhất là nói về Đảng, tăng cường xây dựng và chỉnh đốn Đảng, từng bước ngăn chặn và đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tự diễn biến, tự chuyển hóa trong nội bộ. Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ chiến lược, nhất là người đứng đầu, phải có uy tín, có phẩm chất, có năng lực ngang tầm nhiệm vụ.
Đây là những ý kiến tâm huyết của nhân dân đã được tiếp thu vào Văn kiện trình Đại hội lần này. Sáng nay, Tổng Bí thư cũng đã cảm ơn sự góp ý quý báu đó của nhân dân.
Thưa ông, chúng ta nhấn mạnh quan điểm “dân là gốc”, do đó đổi mới phải vì lợi ích của nhân dân, nếu chúng ta xa rời, đi ngược lại thì đổi mới sẽ thất bại. Ông có thể làm rõ quan điểm này đã được thể hiện ra sao trong các Văn kiện tại Đại hội XII lần này?
Tư tưởng “dân là gốc” được quán triệt từ lâu trong lịch sử nước ta, đặc biệt Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn luôn đề cao “dân là gốc”, “dân là chủ”, “dân làm chủ”. Từ Đại hội VI, chúng ta bắt đầu dùng khái niệm “lấy dân là gốc”, nhiều ý kiến cho rằng lấy hay không lấy thì dân muôn đời vẫn là “gốc”. Lần này, kể cả trong bài học kinh nghiệm của 30 năm Đổi mới cũng như quan điểm quán xuyến trong toàn bộ các dự thảo Văn kiện đều xác định “dân là gốc”, bởi vì chúng ta càng ngày càng nhận thức được dân là chủ thể của quyền lực Nhà nước, dân là chủ của đổi mới. Nếu chúng ta đổi mới mà xa rời tâm tư, nguyện vọng, lợi ích của nhân dân thì đổi mới đó thất bại. Trong toàn bộ Văn kiện thì tư tưởng xuyên suốt “dân là gốc” được thể hiện trên tất cả các mặt.
Ông kỳ vọng gì ở Đại hội lần này của Đảng?
Cũng như bao người dân, tôi kỳ vọng rất nhiều ở Đại hội lần này. Đó là, Đại hội đưa ra được đường lối đổi mới mạnh mẽ hơn nữa và nhân sự Trung ương, đặc biệt là nhân sự bốn vị trí chủ chốt nhất của Đảng và Nhà nước.
Trong Dự thảo Văn kiện cũng thể hiện được kỳ vọng ấy và quá trình chuẩn bị nhân sự tại các Hội nghị Trung ương Khóa XI đã thể hiện sự đoàn kết, nhất trí rất cao của Trung ương.
Quyết sách và nhân sự thì chờ Đại hội nhưng tôi có thể khẳng định chắc chắn rằng, hai kỳ vọng này sẽ được Đại hội XII giải quyết.
Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!