Xây dựng văn bản quản lý viễn thông có tính khả thi cao, thiết thực với cuộc sống
Diễn đàn - Ngày đăng : 07:18, 22/12/2015
Thứ trưởng Phan Tâm đề nghị, năm 2016 Cục Viễn thông cần chú trọng việc xây dựng các văn bản quản lý viễn thông thiết thực với cuộc sống, có tính khả thi cao hơn. “Tư duy kinh tế, cơ chế thị trường cần được đưa vào các văn bản để công tác quản lý “trơn tru” hơn thay cho việc phải can thiệp quá nhiều, làm thị trường cạnh tranh mạnh mẽ hơn. Chúng ta phải bắt tay với doanh nghiệp nhiều hơn để đáp ứng mục tiêu quản lý nhà nước”, Thứ trưởng Phan Tâm nhấn mạnh.
Thứ trưởng Phan Tâm đề nghị Cục viễn thông cần chủ động hơn nữa, xây dựng các chương trình thanh tra, kiểm tra, giám sát thị trường theo chuyên đề ngay từ đầu năm để có thể bố trí tổng lực nhiều nguồn lực. Theo đó, Cục cần hợp tác chặt với các Sở TT&TT để cùng giám sát thị trường. Để tăng cường công tác thực thi, Cục và các đơn vị liên quan cần phải tăng cường công tác tuyên truyền, tổ chức tập huấn nâng cao kỹ năng phổ biến cho đội ngũ tuyên truyền văn bản pháp luật của Cục.
Theo bà Lê Thị Ngọc Mơ, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông báo cáo tại Hội nghị, trong năm 2015 công tác thực thi quản lý nhà nước trong lĩnh vực viễn thông tiếp tục được duy trì có hiệu quả hướng tới các mục tiêu tổ chức và đảm bảo thị trường viễn thông cạnh tranh lành mạnh vì sự phát triển bền vững nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội và nhu cầu của người dân. Hoạt động này được thực hiện thông qua các nghiệp vụ như cấp phép và giám sát triển khai giấy phép, quản lý tài nguyên viễn thông, quản lý kết nối, hạ tầng, chất lượng thiết bị, chất lượng mạng và dịch vụ viễn thông, giá cước viễn thông. Trên cơ sở tổng kết, rút kinh nghiệm các năm trước, Cục đã ký thỏa thuận hợp tác với 60 Sở TT&TT trong cả nước để triển khai công tác phối hợp giữa Cục với các Sở trong lĩnh vực quản lý nhà nước về viễn thông. Nội dung phối hợp tập trung vào các vấn đề: Quản lý thuê bao di động trả trước, quản lý giá cước và khuyến mại dịch vụ viễn thông, quản lý chất lượng sản phẩm CNTT và viễn thông. Đến nay, các nội dung phối hợp theo kế hoạch đã hoàn thành, Cục đang tiến hành tổng hợp kết quả từ các Sở để phục vụ cho công tác quản lý nhà nước và tham mưu cho lãnh đạo Bộ.
Về công tác xây dựng văn bản pháp luật, cơ chế chính sách, bà Lê Thị Ngọc Mơ cho biết trong năm 2015 Cục Viễn thông đã tập trung nghiên cứu, xây dựng 20 văn bản, trong đó có 4 đề án trình Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, 16 Thông tư; phối hợp xây dựng 2 thông tư liên tịch. Ngoài ra, trên cơ sở phương án và lộ trình triển khai cung cấp dịch vụ 4G đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Cục đã nghiên cứu, xây dựng yêu cầu cấp phép thử nghiệm cung cấp dịch vụ 4G cho các doanh nghiệp viễn thông nhằm đảm bảo tính tương thích và đồng bộ với mạng hiện có, đồng thời đánh giá cơ hội cung cấp dịch vụ 4G trong tương lai.
Công tác cấp giấy phép thiết lập mạng, giấy phép cung cấp dịch vụ viễn thông được tổ chức thực hiện một cách bài bản, quy củ. Năm 2015, Cục đã cấp mới, sửa đổi, bổ sung, gia hạn 20 giấy phép viễn thông cho 15 tổ chức, doanh nghiệp, trong đó 6 giấy phép thiết lập mạng viễn thông công cộng, 10 giấy phép cung cấp dịch vụ viễn thông, 4 giấy phép thiết lập mạng viễn thông dùng riêng, trình Lãnh đạo Bộ ký 03 giấy phép thử nghiệm 4G cho Viettel, Vinaphone và Mobifone…
Trong năm 2015, Cục đã tiếp nhận 810 văn bản liên quan đến công tác giá cước và khuyến mại. Cục đã hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện đúng quy định về giá cước và khuyến mại đảm bảo cạnh trạnh lành mạnh; theo dõi và phân tích báo cáo tình hình sản xuất, kinh doanh để kịp thời điều chỉnh giá cước và khuyến mại thông qua công bố doanh nghiệp, nhóm doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh từng thời kỳ; theo dõi biến động thị trường viễn thông trong nước để kịp thời báo cáo Lãnh đạo ngăn chặn hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong lĩnh vực viễn thông.
Công tác quản lý và phân bổ kho số viễn thông ngày càng được tổ chức thực hiện khoa học và minh bạch hơn. Cục đã phân bổ số thuê bao di động cho Vinaphone, Mobifone, Viettel; mã điểm báo hiệu trong nước và mã điểm báo hiệu quốc tế cho Công ty Mobifone; phân bổ số dịch vụ giải đáp thông tin; đề nghị ITU phân bổ thêm mã SANC mới cho Việt Nam; thu hồi số dịch vụ, mã VoIP của 02 doanh nghiệp. Cục đã hoàn thành việc xây dựng kế hoạch chuyển đổi mã vùng bao gồm cả kế hoạch thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn để chuẩn bị cho công tác thực hiện trong năm 2016.
Cục Viễn thông đã thực hiện đo và cấp 1049 kết quả đo kiểm chất lượng sản phẩm; 60 kết quả đo kiểm chất lượng dịch vụ; cấp 3266 giấy chứng nhận hợp quy, 18 giấy chứng nhận hợp chuẩn, cấp 3289 bản tiếp nhận công bố hợp quy; Tổ chức kiểm định và cấp 6689 giấy chứng nhận kiểm định thiết bị viễn thông và đài vô tuyến điện, cấp 5916 giấy phép nhập khẩu; Thực hiện 07 đợt kiểm tra chất lượng dịch vụ viễn thông của các doanh nghiệp.../.