Ý thức, trách nhiệm cao trong triển khai góp ý Dự thảo văn kiện

Xu hướng - Dự báo - Ngày đăng : 10:48, 19/11/2015

Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam đã chủ động triển khai mở chuyên trang để các tầng lớp nhân dân, lực lượng vũ trang, các nhà khoa học, văn nghệ sỹ, kiều bào, các tổ chức chính trị - xã hội, nghề nghiệp, đóng góp ý kiến vào các Dự thảo văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng.

Các đại biểu ấn nút khai trương Trang tin điện tử “Đảng Cộng sản Việt Nam – Đại hội XII”.
(Ảnh: Thế Dương).

Tích cực, chủ động triển khai việc lấy ý kiến góp ý Dự thảo các văn kiện

Ngày 7/9/2015, Ban Tuyên giáo Trung ương ban hành Hướng dẫn số 160-HD/BTGTW, ngày 7/9/2015 về việc lấy ý kiến và tổng hợp ý kiến nhân dân đóng góp Dự thảo văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng qua báo chí. Ngày 15/9, Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam đã đăng toàn văn Dự thảo văn kiện Đại hội XII của Đảng bao gồm: Báo cáo chính trị trình Đại hội XII; Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 - 2015 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 – 2020, để cán bộ, đảng viên, nhân dân, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đóng góp ý kiến.

Cùng với đó, Báo đã chủ động xây dựng, triển khai kế hoạch lấy ý kiến nhân dân đóng góp vào các Dự thảo văn kiện Đại hội XII của Đảng, bằng nhiều hình thức khác nhau như mở chuyên trang, chuyên mục, tạo thành các diễn đàn sâu rộng để các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý lãnh đạo, các giai tầng trong xã hội và kiều bào ở nước ngoài tham gia đóng góp ý kiến. Đặc biệt, để đóng góp được nhiều ý kiến vào Dự thảo văn kiện, Báo đã lên kế hoạch đặt một loạt các bài viết của các nhà lãnh đạo, các chuyên gia hàng đầu trong từng lĩnh vực cụ thể đã được Văn phòng Trung ương Đảng hướng dẫn.

Đáng chú ý, ngay sau khi Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam đăng tải toàn văn Dự thảo văn kiện Đại hội XII của Đảng, dư luận các cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân đánh giá cao và đặt nhiều kỳ vọng, đồng thời bày tỏ sự tin tưởng vào việc lấy ý kiến đóng góp vào Dự thảo văn kiện. Nhiều ý kiến cho rằng, việc công bố rộng rãi dự thảo văn kiện Đại hội XII của Đảng để lấy ý kiến nhân dân là phát huy tinh thần dân chủ, cầu thị. Điều này sẽ tạo nên đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng, sôi nổi trong toàn xã hội tạo điều kiện cho nhân dân nói lên tiếng nói của mình, đóng góp cho đường lối phát triển đất nước. Đây thật sự là một việc làm kịp thời đáp ứng yêu cầu, mong muốn của nhân dân trong công tác xây dựng Đảng cũng như trách nhiệm trước vận mệnh đất nước.

Tại tòa soạn báo, hàng trăm ý kiến đóng góp tâm huyết trí tuệ, sắc sảo, có chiều sâu, bám sát thực tiễn của các nhà khoa học, những người đã và đang tham gia quản lý lãnh đạo; của các nhân sỹ, trí thức, tôn giáo, sinh viên, học sinh… đã gửi về Báo qua đường Bưu điện, thư điện tử, điện thoại, hay trực tiếp trao đổi toà soạn. Ngoài các ý kiến được các phóng viên của báo ghi nhận, phản ánh qua các cuộc hội thảo, toạ đàm, diễn đàn Quốc hội của các ban, ngành, đơn vị, địa phương…

Trong mục Góp ý dự thảo Văn kiện trên Trang tin – Đại hội XII của Đảng của Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam đã đăng hơn 100 tin, bài với hàng trăm ý kiến khác nhau. Trong đó có những ý kiến đồng tình và cả những ý kiến chưa đồng tình, bổ sung góp ý giúp các cơ quan chức năng tiếp thu một cách hiệu quả nhất. Có ý kiến phân tích đánh giá lập luận chặt chẽ khoa học nhằm làm rõ những chủ trương quan điểm trong Dự thảo. Có ý kiến góp ý bổ sung những nội dung chưa rõ, còn thiếu, hạn chế, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao.

Những vấn đề quan tâm nổi bật trong góp ý kiến

Trong các ý kiến góp ý của các tầng lớp nhân dân, các vấn đề liên quan đến đánh giá kết quả thực hiện nghị quyết Đại hội XI; nhìn lại 30 năm đổi mới; mục tiêu tổng quát, động lực phát triển đất nước 5 năm tới; đổi mới mô hình tăng trưởng và hoàn thiện thể chế, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; pháp huy dân chủ; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị; phát triển văn hóa; giáo dục và đào tạo; khoa học và công nghệ trong thời kỳ hội nhập… nhận được nhiều sự quan tâm hơn cả với nhiều ý kiến tâm huyết, xây dựng và rất xác đáng.

Các tầng lớp nhân dân đã đóng góp rất nhiều các ý kiến trách nhiệm, tâm huyết vào Dự thảo
văn kiện Đại hội XII của Đảng. (Ảnh:TH)

Cụ thể, các góp ý liên quan đến vấn đề phát triển kinh tế là một nội dung nhận được nhiều ý kiến đóng góp. Các ý kiến đánh giá cao những điểm mới trong Dự thảo các văn kiện, trong đó có nội dung về đổi mới mô hình tăng trưởng và hoàn thiện thể chế, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Các ý kiến nhấn mạnh đến việc phát triển kinh tế nước ta trong điều kiện hội nhập với nền kinh tế toàn cầu, đồng thời nhấn mạnh đến các giải pháp phát triển kinh tế.

Cùng với vấn đề phát triển kinh tế, nhiệm vụ xây dựng Đảng cũng nhận được nhiều ý kiến sâu sắc, tâm huyết. Các ý kiến nhấn mạnh đến việc đẩy mạnh hơn nữa công tác xây dựng Đảng, trọng tâm là tiếp tục thực hiện Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và Nghị quyết Trung ương 4 khoá XI. Các cấp uỷ đảng, tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị và cá nhân cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp từ Trung ương đến cơ sở nghiêm túc, tự giác và có kế hoạch, biện pháp phù hợp để khắc phục, sửa chữa những yếu kém, khuyết điểm. Các ý kiến cũng nhấn mạnh đến yếu tố kiên định những vấn đề có tính nguyên tắc trong công tác xây dựng Đảng. Nâng cao năng lực cầm quyền của Đảng và bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng có hiệu lực, hiệu quả; bản lĩnh chính trị của Đảng, của các tổ chức đảng, của cán bộ, đảng viên. Hoàn thiện cơ chế, quy chế và tổ chức thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả việc tự phê bình, phê bình, chất vấn trong các kỳ họp của Ban Chấp hành Trung ương, cấp uỷ, ban thường vụ cấp uỷ các cấp. Xây dựng và tổ chức thực hiện có hiệu quả cơ chế phát huy vai trò của nhân dân tham gia xây dựng Đảng…

Bên cạnh đó thu hút sự quan tâm góp ý là việc xây dựng khối Đại đoàn kết toàn dân tộc. Các ý kiến nhấn mạnh đến việc ngoài các chủ trương, chính sách chung đang thực hiện thì phải tạo ra cơ chế để sức mạnh của khối Đại đoàn kết toàn dân tộc thực sự trở thành sức mạnh nội sinh quyết định thắng lợi của dân tộc trong nhiệm vụ xây dựng và phát triển đất nước. Trong đó cần quan tâm đến việc thực hiện chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước đó là đảm bảo tự do tôn giáo tín ngưỡng, có chính sách để đồng bào các dân tộc thiểu số phát triển mạnh mẽ hơn.

Các ý kiến cũng nhấn mạnh đến việc phải nâng cao nhận thức về vai trò, sức mạnh của văn hóa đối với sự phát triển, nhất là trong tình hình hiện nay. Cần tạo dựng hệ giá trị văn hóa của con người Việt Nam; cần coi việc xây dựng con người là khâu trung tâm của sự nghiệp xây dựng nền tảng tinh thần, tiềm lực văn hóa và chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Từ đó, tiếp tục xây dựng chiến lược phát triển con người toàn diện cả về thể chất và tinh thần… Đáng chú ý có ý kiến nhấn mạnh đến việc cần tạo dựng giá trị văn hóa lãnh đạo trong tất cả các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương.

Một vấn đề thu hút được nhiều ý kiến nữa chính là vấn đề liên quan đến tham nhũng, lãng phí, thực hành dân chủ trong điều kiện hiện nay. Nhiều ý kiến cho rằng khi tham nhũng đã trở thành quốc nạn đe dọa sự sống còn của Đảng, của chế độ thì cần có cơ chế đặc thù và những biện pháp mạnh mẽ mới có thể xoay chuyển được tình hình. Cùng với đó là vấn đề cần bảo đảm dân chủ, phát huy thực hiện dân chủ trong thời kỳ hiện nay. Cần thực hiện nâng cao kiến thức, kỹ năng thực hành dân chủ của người dân, cán bộ, công chức, viên chức và đảng viên...

Vấn đề giáo dục và đào tạo; khoa học và công nghệ cũng giành được sự quan tâm lớn của các tầng lớp nhân dân nhất là trong thời kỳ hội nhập, bởi đây là nguồn lực của sự phát triển. Các ý kiến có nhận xét đánh giá đồng tình và cũng có ý kiến không đồng tình, đồng thời có ý kiến bổ sung cơ chế chính sách giải pháp nhằm làm sáng tỏ những vấn đề cả trong lý luận và thực tiễn...

Nguyễn Minh - Thu Hà