Số doanh nghiệp bưu chính tăng 20 lần sau 8 năm

Diễn đàn - Ngày đăng : 10:12, 13/11/2015

Số liệu do Bộ Thông tin và Truyền thông cung cấp cho thấy, số lượng các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ bưu chính tại Việt Nam đã tăng 20 lần sau 8 năm, kể từ năm 2007 đến nay.

Bưu chính Viettel. Ảnh: internet

Phát biểu tại hội thảo về ngành bưu chính do Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam tổ chức tại Hà Nội vào 10-11, bà Vũ Thu Thủy, đại diện Vụ Bưu Chính, Bộ Thông tin và Truyền thông, cho biết nếu như năm 2007 chỉ có 8 doanh nghiệp bưu chính thì đến hết tháng 10 vừa qua đã có 167 doanh nghiệp hoạt động trong mảng dịch vụ này.Bà Thủy cho rằng sự phát triển về số lượng của các doanh nghiệp bưu chính đi đôi với sự phát triển của thương mại điện tử, vì bưu chính chuyển phát hiện nay là dịch vụ hỗ trợ chuyển hàng đắc lực cho thương mại điện tử (mua bán hàng qua mạng).Trong các doanh nghiệp bưu chính, có những nhóm doanh nghiệp chỉ cung cấp thuần dịch vụ bưu chính; có những nhóm doanh nghiệp đa ngành nghề; có nhóm doanh nghiệp vận tải mở rộng.Có rất ít doanh nghiệp bưu chính có vốn nhà nước hay vốn nước ngoài, vì hầu hết doanh nghiệp bưu chính là các doanh nghiệp tư nhân. Theo bà Thủy, hiện doanh nghiệp chiếm thị phần lớn nhất là VNPost (36%), sau đó đến DHL-VNPT (15%), Viettel Post (11%), TNT-Viettrans (7%), EMS (7%), UPS (7%), Kerry TTC (5%)...Doanh thu của ngành bưu chính tăng mạnh qua mấy năm gần đây, cụ thể năm 2010 đạt doanh thu hơn 212 triệu đô la Mỹ; năm 2011 đạt 246 triệu đô la Mỹ; năm 2012 đạt gần 274 triệu đô la Mỹ; đến năm 2013 đạt hơn 316 triệu đô la Mỹ.Cũng tại cuộc hội thảo, bà Hà Thị Hòa, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Chuyển phát nhanh Bưu điện (EMS), cho biết, thương mại điện tử chính là xu hướng mới của thị trường chuyển phát. Bà cho biết trong 3 quí đầu năm nay, sản lượng dịch vụ chuyển phát của EMS phục vụ cho thương mại điện tử đã tăng 4,5 lần.Ông Nguyễn Thanh Hưng, Tổng thư ký của Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam, cho rằng, những năm gần đây dịch vụ chuyển phát của Việt Nam đã tăng trưởng mạnh mẽ nhưng vẫn chưa theo kịp sự phát triển của thương mại điện tử.Theo khảo sát của Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin (Bộ Công thương), chất lượng còn thấp của dịch vụ chuyển phát là trở ngại lớn đối với thương mại điện tử. Kết quả khảo sát cho thấy có một nửa các doanh nghiệp đánh giá dịch vụ chuyển phát còn chưa tốt, 9% đánh giá là kém. Trong khi đó mối quan hệ chặt chẽ giữa các doanh nghiệp bán hàng qua mạng và doanh nghiệp chuyển phát có ý nghĩa to lớn đối với sự phát triển của thương mại điện tử./.

Vân Ly