Hội thảo sản phẩm, dịch vụ Công nghệ thông tin thương hiệu Việt Nam năm 2015
Chính phủ số - Ngày đăng : 10:55, 11/11/2015
Tới dự Hội thảo có ông Nguyễn Thành Hưng - Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT), ông Nguyễn Đình Tạo - Cục trưởng Cục công tác phía Nam, đại diện các đơn vị trực thuộc Bộ TTTT, cùng gần 200 đại biểu đại diện cho các Bộ, ban, ngành Trung ương, các Hiệp hội, doanh nghiệp, các chuyên gia trong lĩnh vực CNTT, các Sở TTTT khu vực phía Nam.
Thứ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Thành Hưng phát biểu khai mạc Hội thảo
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Thành Hưng đánh giá: trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng, nhất là việc Việt Nam đã kết thúc đàm phán TPP, và cơ bản kết thúc đàm phán Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU là một cơ hội lớn, thuận lợi đối với nền kinh tế Việt Nam nói chung và các doanh nghiệp (trong đó có doanh nghiệp CNTT) nói riêng. Tuy nhiên, Hội nhập cũng sẽ đặt ra những thách thức gay gắt ngay trên sân nhà khi phải cạnh tranh với những sản phẩm, dịch vụ đến từ những nước có trình độ phát triển cao trong khu vực và thế giới…
Hội thảo VIBrand 2015 là một trong những chương trình xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư chính thức trong lĩnh vực CNTT của Bộ TTTT, là kênh cung cấp thông tin và định hướng nhận thức cho người sử dụng trong nước và nước ngoài về khả năng sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp CNTT Việt Nam, chất lượng của sản phẩm, dịch vụ CNTT Việt Nam, hỗ trợ và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp CNTT trong nước tìm hiểu và nắm bắt nhu cầu của thị trường, tăng cường trao đổi thông tin, hợp tác song phương giữa các đơn vị sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
Nghị quyết 36-NQ/TW ngày 01/7/2014 của Bộ Chính trị (khóa XI) về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển CNTT đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế đã khẳng định: Đảng quan tâm chỉ đạo ưu tiên sử dụng các sản phẩm, dịch vụ CNTT thương hiệu Việt Nam được tạo ra trong nước; khuyến khích đầu tư để phát triển sản phẩm, dịch vụ mang thương hiệu Việt đưa ra nước ngoài với hàm lượng trí tuệ, chất xám cao, có thể cạnh tranh được với hàng hóa các nước.
Gần đây nhất, Chính phủ ra Nghị quyết 36a-NQ/CP về Chính phủ điện tử, trong đó đặt ra mục tiêu: phấn đấu đến hết năm 2016 có 100% Bộ, ngành Trung ương có cung cấp dịch vụ công trực tuyến; một số dịch vụ phổ biến liên quan rộng rãi tới người dân, doanh nghiệp phải đạt mức độ 3. Việc trả kết quả đến người dân qua trực tuyến hoặc qua đường bưu điện phải đạt mức độ 4. Phấn đấu đến hết năm 2016, Việt Nam nằm trong Nhóm 4 và hết năm 2017 nằm trong Nhóm 3 các quốc gia đứng đầu ASEAN về chỉ số dịch vụ công trực tuyến (OSI) và chỉ số phát triển Chính phủ điện tử (EGDI) của Liên Hợp quốc. Muốn đạt được chỉ tiêu đó, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu là đẩy mạnh việc triển khai hình thức thuê doanh nghiệp CNTT thực hiện từng phần hoặc thuê trọn gói phần cứng, phần mềm, đường truyền, giải pháp… để các cơ quan Nhà nước cung cấp dịch vụ công trực tuyến.
Các đại biểu tham dự Hội thảo
Hội thảo là diễn đàn được các đại biểu tham luận, trao đổi kinh nghiệm với 10 diễn giả đến từ các cơ quan nhà nước, các doanh nghiệp CNTT. Nhiều câu hỏi trực tiếp tại buổi thảo luận để Bộ TTTT cũng như các Bộ, ngành liên quan khác tổng hợp, nghiên cứu trong quá trình hoạch định chính sách phát triển CNTT phù hợp với thực tiễn, giúp cho các cơ quan, doanh nghiệp triển khai có hiệu quả chương trình phát triển CNTT theo yêu cầu của Đảng, Chính phủ