Họp Ban điều hành triển khai ứng dụng CNTT trong CQNN
Sách và cuộc sống - Ngày đăng : 11:34, 10/11/2015
Kho lưu trữ hồ sơ của ngành Tài nguyên môi trường tỉnh Cao Bằng. Ảnh minh họa. Nguồn: ttmtcaobang.gov.vn
Theo Cục Tin học hóa, cơ quan thường trực của Ban điều hành, Cục đã nhận được dự thảo Kế hoạch ứng dụng CNTT trong hoạt động CQNN giai đoạn 2016-2020 của 32 tỉnh thành và 10 bộ, ngành.Tại phiên họp lần này, Ban điều hành tiến hành thẩm định, góp ý Kế hoạch ứng dụng CNTT của Bộ Tài Nguyên và Môi trường.
Theo nhận định của Cục Tin học hóa, Bộ Tài nguyên và Môi trường là một bộ đa ngành, thực hiện chức năng quản lý Nhà nước trải rộng trên nhiều lĩnh vực, đồng thời cũng là Bộ tiêu biểu về xây dựng chính quyền điện tử. Cũng theo Cục Tin học hóa, Kế hoạch ứng dụng CNTT của Bộ Tài nguyên và Môi trường thiếu phần báo cáo Tổng kết ứng dụng CNTT giai đoạn 2011-2015. Về mục tiêu cụ thể của kế hoạch, cần căn cứ vào Nghị quyết 36a về Chính phủ điện tử và Quyết định 1819 của Thủ tướng Chính phủ về ứng dụng CNTT trong hoạt động của CQNN giai đoạn 2016 – 2020 để đưa ra những mục tiêu cụ thể, ưu tiên, đồng thời các mục tiêu cần được lượng hóa để dễ dàng đánh giá, triển khai. Ngoài ra, cũng cần bổ sung chủ trương thuê dịch vụ CNTT và sớm ban hành khung kiến trúc Chính phủ điện tử.
Đánh giá về Kế hoạch ứng dụng CNTT của Bộ Tài nguyên và Môi trường, đại diện Văn phòng Chính phủ nhận định: Kế hoạch của Bộ này không nêu rõ cơ quan chủ trì thực hiện kế hoạch ứng dụng CNTT. Đồng thời, đại diện Văn phòng Chính phủ đề nghị Ban điều hành yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường đưa chủ trương thuê dịch vụ CNTT vào Kế hoạch, nhận định rõ nguồn vốn thực hiện Kế hoạch là khả thi hay không.
Phó Giám đốc VNCERT Nguyễn Khắc Lịch đánh giá, kế hoạch của Bộ Tài nguyên và Môi trường thiếu sự tổng thể, chỉ mới là phép cộng của các dự án CNTT của các đơn vị chức năng trực thuộc. Nguồn vốn đầu tư cho CNTT nêu ra là một con số khá lớn nhưng đầu tư cho an toàn thông tin lại chưa được chú trọng. Còn thiếu các báo cáo về công tác an toàn thông tin từ cơ sở vật chất, nguồn nhân lực cho đến các hoạt động ứng cứu, đối phó với các cuộc tấn công mạng, diễn tập ứng cứu sự cố….
Phát biểu kết luận phiên họp, Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng yêu cầu Cục Tin học hóa – cơ quan thường trực của Ban điều hành khẩn trương xây dựng khung thẩm định các Kế hoạch CNTT cho khối bộ, ngành và khối địa phương (tỉnh thành) nhằm chuẩn hóa các tiêu chí thẩm định. Đây là cơ sở để Ban điều hành đưa ra ý kiến góp ý, thẩm định cho Kế hoạch ứng dụng CNTT của các bộ, ngành và địa phương, đồng thời các bộ, ngành và địa phương căn cứ trên các tiêu chuẩn này để xây dựng Kế hoạch ứng dụng CNTT của mình.
Thứ trưởng cũng nhất trí với đề xuất của Ban điều hành về căn cứ thẩm định Kế hoạch ứng dụng CNTT, theo đó các bản kế hoạch này phải phù hợp với các quy định về ứng dụng CNTT nằm trong các văn bản quy phạm pháp luật sau: Quyết định 1819 của Thủ tướng Chính phủ về ứng dụng CNTT trong hoạt động của CQNN giai đoạn 2016 – 2020, Nghị quyết 36a về Chính phủ điện tử, Quyết định số 714/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về danh mục cơ sở dữ liệu quốc gia cần ưu tiên triển khai tạo nền tảng phát triển Chính phủ điện tử, Quyết định 63 về quy hoạch an toàn thông tin số quốc gia đến 2020, Văn bản 1778 của Bộ TT&TT về khung kiến trúc Chính phủ điện tử.
Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng nhấn mạnh: Khi thẩm định kế hoạch ứng dụng CNTT của các bộ, địa phương, cần nói rõ các bản kế hoạch này có phù hợp với các văn bản pháp luật nêu trên hay không, làm rõ cơ quan chủ trì thực hiện kế hoạch, đồng thời phải làm rõ tính khả thi của các bản kế hoạch này. Cần tập trung ưu tiên phát triển dịch vụ công trực tuyến mức độ cao, khung kiến trúc Chính phủ điện tử, hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia được quy định trong Nghị quyết 36a và văn bản 1819, Thứ trưởng nhận định thêm./.