Ưu tiên phát triển công nghệ vi mạch SOTB cho thị trường nội địa
Chính phủ số - Ngày đăng : 17:26, 09/11/2015
Quang cảnh Hội thảo. (Ảnh: Hoàng Hải/Vietnam )
Là một trong những định hướng chính của Chương trình Phát triển Công nghiệp Vi mạch Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2013-2020, việc phát triển công nghệ SOTB (Công nghệ thiết kế và chế tạo vi mạch tiên tiến) đang cần có những có cơ chế mới và cụ thể để phát triển, theo đó sản phẩm này sẽ được ưu tiên cho thị trường trong nước và sau đó hướng ra thị trường thế giới.Nói rõ hơn về định hướng này tại cuộc Hội thảo Giới thiệu công nghệ SOTB được tổ chức ngày 7/11 tại trụ sở Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, thạc sỹ Ngô Đức Hoàng, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Đào tạo và Thiết kế vi mạch (ICDREC) cho biết, xu thế IoT (Internet of Things - Kết nối vạn vật) đang phát triển mạnh mẽ. Vì vậy, các thiết bị tiêu thụ công suất thấp và các thiết bị dùng PIN là một phần không thể thiếu trong xu thế này. Những thiết bị này yêu cầu công suất tiêu thụ rất thấp nhưng vi mạch có độ phức tạp và tích hợp ngày càng cao đã kéo theo sự gia tăng về công suất tiêu thụ. Do đó, công nghệ thiết kế và chế tạo vi mạch tiên tiến SOTB (Silicon on Thin BOX) đã tạo ra cuộc cách mạng giảm công suất tiêu thụ cho vi mạch. Đây là một công nghệ mới, đầy tiềm năng đang được phát triển và ứng dụng ở các nước phát triển trên thế giới như Nhật Bản, Mỹ, Pháp...Chính vì thế Công nghệ SOTB được ICDREC nghiên cứu chế tạo sẽ là công nghệ nòng cốt giúp Việt Nam nhanh chóng trở thành một trong những nước đi đầu trong lĩnh vực thiết kế vi mạch nói chung và trong Chương trình phát triển Công nghiệp Vi mạch Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng. Tại Hội thảo, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Lê Thái Hỷ cũng khẳng định công nghệ SOTB là công nghệ đột phá ứng dụng cho tất cả công nghệ mới trong nhiều lĩnh vực như hạ tầng giao thông, y tế, điện, nước.. phục vụ cho sự phát triển của Thành phố.Đánh giá cao về công nghệ SOTB, Phó Bí thư Thành ủy, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Tất Thành Cang đề nghị ICDREC và đại diện Công ty Renesas (Nhật Bản) cùng các đơn vị liên quan tập trung đầu tư, hợp tác phát triển công nghệ SOTB trong giai đoạn tiếp theo để tạo bước ngoặt mới cho công nghệ vi mạch Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và công nghiệp vi mạch Việt Nam nói chung. Trong đó, cần phát triển một cách đồng bộ và hiệu quả, xác định một số trọng tâm phải làm như đào tạo nguồn nhân lực, xác định thị trường tiêu thụ, ứng dụng sản phẩm... Phó Chủ tịch Tất Thành Cang đề nghị các sở ngành liên quan phải coi ngành công nghiệp vi mạch Thành phố là một chiến lược phát triển quan trọng trong ngành công nghiệp hỗ trợ để phục vụ cho sự phát triển kinh tế, xã hội của Thành phố. Trong đó, ICDREC phải nuôi dưỡng “ước mơ” xác định đi đầu trong ứng dụng công nghệ và phục vụ phát triển kinh tế xã hội. Phó Chủ tịch Tất Thành Cang khẳng định chính quyền Thành phố sẽ đồng hành và hỗ trợ dự án SOTB phát triển trong thời gian tới như tăng cường hỗ trợ nguồn vốn kích cầu cho dự án, có chính sách đào tạo nguồn nhân lực, cơ chế chính sách để các doanh nghiệp, cá nhân tham gia vào chương trình. Đặc biệt là phải thương mại hóa sản phẩm. Vì vậy, Sở Thông tin và Truyền thông cần phối hợp với các sở ngành, công ty điện lực, cấp nước, các đơn vị kinh doanh để đưa sản phẩm này được ứng dụng hiệu quả.Dịp này, thạc sỹ Ngô Đức Hoàng cũng công bố biên bản thỏa thuận đã được ký kết với công ty Reresas (Nhật Bản) về việc hợp tác phát triển công nghệ SOTB về các lĩnh vực đào tạo, chuyển giao công nghệ, chế tạo thử nghiệm... tại Việt Nam. Đây được xem là một bước phát triển mới trong việc hợp tác phát triển ngành công nghiệp vi mạch nói chung cũng như sự hợp tác phát triển trong lĩnh vực SOTB nói riêng./.