Góp ý kiến vào Dự thảo các văn kiện trình Đại hội XII của Đảng: Tăng cường tiềm lực, thế trận quốc phòng - an ninh

Xu hướng - Dự báo - Ngày đăng : 17:17, 09/11/2015

Tình hình chính trị - an ninh thế giới thay đổi nhanh chóng, diễn biến phức tạp, khó lường; tình trạng xâm phạm chủ quyền quốc gia, tranh chấp lãnh thổ và tài nguyên, xung đột sắc tộc, tôn giáo, can thiệp lật đổ, khủng bố, chiến tranh mạng, chiến tranh cục bộ,… tiếp tục diễn ra gay gắt ở nhiều khu vực. Do đó, việc xác định những định hướng đối với sự nghiệp quốc phòng, an ninh đến năm 2020 và những năm tiếp theo là hết sức quan trọng.

Tôi xin có mấy ý kiến góp phần làm rõ thêm một số định hướng cơ bản là: Xác định mục tiêu, nhiệm vụ, xây dựng lực lượng, tăng cường sức mạnh quốc phòng - an ninh cả về tiềm lực và thế trận, hoàn thiện cơ chế, đấu tranh quốc phòng - an ninh trong tình hình mới.

Về mục tiêu, nhiệm vụ của quốc phòng, an ninh trong thời kỳ mới là: “Phát huy mạnh mẽ sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị để bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa; bảo vệ công cuộc đổi mới, sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc; bảo vệ nền văn hóa dân tộc; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định chính trị, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội”. Theo tôi, cần bổ sung: chủ động ngăn chặn, làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch và sẵn sàng ứng phó với các mối đe dọa an ninh phi truyền thống mang tính toàn cầu, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống.

Về nhiệm vụ: “Củng cố quốc phòng, giữ vững an ninh quốc gia, ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của Đảng, Nhà nước, của cả hệ thống chính trị và toàn dân, trong đó Quân đội nhân dân và Công an nhân dân là nòng cốt”. Như vậy, định hướng về mục tiêu, nhiệm vụ tăng cường quốc phòng, an ninh có vai trò quan trọng chi phối toàn bộ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới, tạo cơ sở cho toàn bộ quan điểm về tăng cường quốc phòng, an ninh của Đảng ta trong thời kỳ mới.

Về xây dựng lực lượng quốc phòng, an ninh

Chúng ta xác định những nội dung cơ bản về xây dựng lực lượng quốc phòng, an ninh là: “Xây dựng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, ưu tiên hiện đại hóa một số quân chủng, binh chủng, lực lượng quan trọng; vững mạnh về chính trị, nâng cao chất lượng tổng hợp sức mạnh chiến đấu, tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng, Nhà nước và nhân dân”. Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, theo tôi cần tăng cường nguồn lực cho quốc phòng, an ninh. Đẩy mạnh phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh theo hướng lưỡng dụng; tăng cường nguồn lực, tạo cơ sở vật chất kỹ thuật, hiện đại cho Quân đội nhân dân và Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc.

Định hướng về xây dựng lực lượng quốc phòng, an ninh nêu trên đã thể hiện quan điểm đúng đắn, nhất quán của Đảng ta tiếp tục đổi mới lĩnh vực quốc phòng - an ninh. Sau khi khẳng định quan điểm: “Xây dựng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”, Dự thảo Báo cáo Chính trị trình Đại hội XII của Đảng đặc biệt nhấn mạnh đến chất lượng tổng hợp của các lực lượng vũ trang, làm cho lực lượng vũ trang thật sự là lực lượng chính trị trong sạch, vững mạnh, tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng, Nhà nước và nhân dân.

Về tăng cường quốc phòng, an ninh cả về tiềm lực và thế trận

Theo tôi, cần nhấn mạnh các nội dung quan trọng là: Tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân vững chắc. Chủ động đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch; ngăn chặn, phản bác những thông tin và luận điệu sai trái, đẩy lùi các loại tội phạm, sẵn sàng đối phó với các mối đe dọa an ninh phi truyền thống.

Kết hợp chặt chẽ quốc phòng, an ninh và đối ngoại, tăng cường hợp tác quốc tế về quốc phòng, an ninh. Xây dựng “thế trận lòng dân”, tạo nền tảng vững chắc “xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố vững mạnh; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội”; giải quyết kịp thời các mâu thuẫn, tranh chấp trong nhân dân làm nền tảng phát huy sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, trong đó Quân đội nhân dân và Công an nhân dân làm nòng cốt.

Về hoàn thiện cơ chế vận hành nhiệm vụ quốc phòng, an ninh

Trong Dự thảo Báo cáo Chính trị trình Đại hội XII của Đảng lần này tiếp tục có sự phát triển mới về xây dựng và hoàn thiện cơ chế lãnh đạo, quản lý đối với công tác quốc phòng, an ninh. Theo tôi cần xác định ba nội dung cơ bản sau: Một là, “xây dựng, bổ sung cơ chế lãnh đạo của Đảng và quản lý nhà nước đối với hoạt động quốc phòng - an ninh. Tiếp tục thực hiện chế độ một người chỉ huy gắn với chế độ chính ủy, chính trị viên, tăng cường công tác đảng, công tác chính trị trong quân đội”. Hai là, “phối hợp chặt chẽ hoạt động đối ngoại của Đảng, ngoại giao Nhà nước và ngoại giao nhân dân; giữa ngoại giao chính trị với ngoại giao kinh tế và ngoại giao văn hóa; giữa đối ngoại với quốc phòng - an ninh”. Ba là, “bổ sung, xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, các chính sách xã hội có quan hệ đến nhiệm vụ quốc phòng - an ninh. Hoàn thiện các chiến lược quốc phòng - an ninh và hệ thống cơ chế, chính sách về quốc phòng - an ninh trong điều kiện mới”; tăng cường vai trò của các cơ quan có chức năng nghiên cứu “phân tích, dự báo tình hình và làm tham mưu đề xuất các giải pháp thực hiện”.