Đào tạo Kỹ sư CNTT chuyên ngành An toàn thông tin mạng
Diễn đàn - Ngày đăng : 08:08, 04/11/2015
CNTT&TT ngày càng được ứng dụng rộng rãi và trở thành yếu tố không thể thiếu được trong hầu hết các hoạt động chính trị-kinh tế-xã hội-văn hóa-lịch sử-đời sống… Để đảm bảo ATTT, cần có các kỹ sư lành nghề về lĩnh vực ATTT, đặc biệt cho các cơ sở hạ tầng thông tin trọng yếu như: các cơ quan Chính phủ, Y tế, Dầu khí, Hệ thống cung cấp nước, Năng lượng điện, Viễn thông, Tài chính Ngân hàng, Bảo hiểm, Thương mại và Giao thông vận tải….
Trong khi đó, nguồn nhân lực ATTT của nước ta còn rất thiếu và yếu. Các khảo sát thực tế từ 2008 tới nay đều cho thấy hầu hết các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp còn thiếu các cán bộ kỹ thuật chuyên trách về ATTT. Với nhu cầu của hàng ngàn chi nhánh ngân hàng, hàng ngàn cơ quan nhà nước và trên 200.000 doanh nghiệp có ứng dụng CNTT trong hoạt động kinh doanh, quản lý và sản xuất, nhân sự ATTT là đòi hỏi rất lớn từ xã hội. Thực tế hiện nay, ở nhiều quốc gia trên thế giới, ATTT đã là một nghề chuyên nghiệp và có mức lương khá cao trong xã hội.
Xác định được nhu cầu thực tế đó, được sự hỗ trợ của Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam (VNCERT) - Bộ TT&TT, Học viện CNBCVT quyết định mở chuyên ngành đào tạo kỹ sư ATTT bắt đầu từ năm 2012. Chương trình đào tạo được thiết kế rất thực tế, các môn học mang tính cập nhật đào tạo kỹ năng phân tích, kiểm soát rủi ro trên cả cơ sở công nghệ và quản lý.Đây là lần đầu tiên Học viện đào tạo chính qui cho ngành học này. Thời gian đào tạo: 4,5 năm, khối thi tuyển sinh là khối A và A1.
Sinh viên theo học Công nghệ thông tin chuyên ngành An toàn thông tin mạng sẽ được trang bị:
Các kiến thức và các kỹ năng cơ bản về công nghệ thông tin như: kỹ thuật lập trình, công nghệ mạng, kiến trúc máy tính và hệ điều hành, cơ sở dữ liệu, truyền dữ liệu và mạng máy tính, công nghệ phần mềm…; Các kiến thức và các kỹ năng chuyên sâu về an toàn thông tin mạng như: các kỹ thuật mật mã, an toàn mạng máy tính, an toàn hệ điều hành, an toàn cơ sở dữ liệu, an toàn các ứng dụng Web và Internet, an toàn trong giao dịch và thương mại điện tử, các kỹ thuật tấn công và xâm nhập mạng, mô hình bảo vệ và các kỹ thuật phòng thủ chống tấn công đột nhập, lập trình an toàn, thiết kế các phần mềm và công cụ đảm bảo an toàn, quản lý và đánh giá điểm yếu, các kỹ thuật kiểm tra đánh giá an toàn, quản trị mạng an toàn, các vấn đề về chính sách, pháp luật và chuẩn hóa an toàn…; Kiến thức và các kỹ năng xử lý tình huống thực tế thông qua các bài thực hành, các hình thức diễn tập thực tế…; Kỹ năng mềm: có phương pháp làm việc khoa học và chuyên nghiệp, tư duy hệ thống,khả năng trình bày, khả năng giao tiếp và làm việc hiệu quả trong nhóm, hội nhập được trong môi trường quốc tế; Ngoại ngữ: Sau khi tốt nghiệp sinh viên đạt trình độ tiếng Anh 450 điểm TOEIC. Có khả năng sử dụng tiếng Anh tốt trong các hoạt động liên quan đến nghề nghiệp được đào tạo
Kỹ sư tốt nghiệp ra trường có khả năng làm việc trong các đơn vị chuyênvề CNTT và mạng cũng như các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp ứng dụng CNTT như: các cơ quan chính phủ, các cơ quan thuộc các lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, viễn thông, năng lượng điện, dầu khí, thương mại, giao thông vận tải… với các vị trí công việc:Chuyên viên quản trị bảo mật máy chủ và mạng; Chuyên viên bảo mật cơ sở dữ liệu; Chuyên viên phân tích, tư vấn, thiết kế hệ thống thông tin đảm bảo an toàn; Chuyên viên kiểm tra, đánh giá an toàn thông tin cho mạng và hệ thống; Chuyên gia rà quét lỗ hổng, điểm yếu và xử lý sự cố an toàn thông tin; Chuyên gia lập trình và phát triển ứng dụng đảm bảo an toàn thông tin.
Sau một thời gian tích luỹ kinh nghiệm, Kỹ sư Công nghệ thông tin chuyên ngành An toàn thông tin mạng có đủ khả năng đảm nhận các chức vụ quản lý về an toàn thông tin, như Trưởng nhóm hoặc Giám đốc bộ phận đảm bảo an toàn thông tin.Kỹ sư tốt nghiệp có năng lực làm việc ở vị trí cán bộ nghiên cứu, cán bộ giảng dạy về ATTT mạng tại các Viện, Trung tâm nghiên cứu và các cơ sở đào tạo. Có thể học tiếp lên trình độ sau đại học ở trong nước và nước ngoài.
Mạnh Vỹ