HP thắng trong vụ kiện Itanium
Doanh nghiệp số - Ngày đăng : 07:57, 04/11/2015
Mở màn cuộc chiến pháp lý
Ngày 22/3/2011, Oracle cho biết họ quyết định "chấm dứt việc phát triển mọi phần mềm" chạy trên nền bộ xử lý Itanium.Việc này đã châm ngòi cho những tranh cãi giữa Oracle và HP, Intel.
Các hệ thống Unix chạy HP-UX đang hiện diện rộng rãi tại các trung tâm dữ liệu của khách hàng, cũng phổ biến như hệ thống Unix thuộc dòng Power của IBM và hệ thống SPARC của Oracle. Công ty đã viện dẫn tới các cuộc thảo luận với Intel, cũng như quyết định kết thúc hỗ trợ Itanium trước đó của Microsoft và Red Hat. Trong khi đó, theo những những phát ngôn từ Intel, họ khẳng định đã sẵn sàng về lộ trình của Itanium.
Intel đang có doanh thu và lợi nhuận rất tốt từ bộ vi xử lý Itanium và sẵn sàng đầu tư cho phát triển Itanium trong tương lai. HP cũng đang có doanh thu rất tốt từ máy chủ Integrity (HP- UX Itanium). Thậm chí, Oracle cũng đang kiếm được doanh thu trên các phiên bản phầm mềm chạy trên hệ thống máy chủ Integrity. Và thực tế là họ còn kiếm được nhiều tiền hơn bằng cách chỉnh sửa điều khoản cấp quyền nhằm tăng giá bán phần mềm cơ sở dữ liệu trên các hệ thống HP-UX.
Nếu tất cả các bên (trong đó có cả Oracle) đều đang "thắng đậm" với Itanium thì không có lý do gì phải phá bỏ thỏa thuận giữa các bên về dòng chip này. Rất có thể đơn giản là Oracle muốn loại bỏ một đối thủ ra khỏi cuộc chơi Unix.
HP cho biết quyết định ngừng tiếp tục phát triển các phần mềm cho chip Itanium của Oracle, được đưa ra ngày 22/3/2011, đã vi phạm cam kết ràng buộc có tính chất pháp lý của Oracle đối với HP và hơn 140 nghìn khách hàng của hãng. “Hơn nữa chúng tôi cho rằng đây là một nỗ lực bất hợp pháp nhằm ép buộc khách hàng phải chuyển từ dòng máy HP Itanium sang sử dụng nền tảng (SUN Sparc) của Oracle”, đại diện HP tuyên bố.
Về phía Oracle, hãng này cũng đã nhanh chóng đưa ra tuyên bố đáp lại. Theo đó, Oracle cho rằng những cáo buộc của HP là sai sự thật, đồng thời còn tố cáo HP đã “gài bẫy” Oracle ký vào bản cam kết tháng 9/2010 về việc tiếp tục hỗ trợ Itanium mặc dù khi đó HP đã biết kế hoạch của Intel về việc ngừng phát triển dòng chip này.
Trong khi đó, Intel lại chưa hề đưa ra một tuyên bố công khai nào về kế hoạch ngừng phát triển dòng chip Itanium. Đồng thời, HP cũng cho rằng Intel đã tái khẳng định cam kết về lộ trình phát triển của dòng chip Itanium.
Mối quan hệ giữa HP và Oracle đã xấu đi đáng kể trong những năm gần đây, bắt đầu từ sự kiện CEO HP, ông Mark Hurd, giữ ghế đồng giám đốc Oracle vào năm 2010 sau khi rời HP. Khi đó, HP đã đe dọa “trả đũa” bằng ngón đòn pháp lí, với cáo buộc “Oracle sẽ lợi dụng và khai thác những gì Mark Hurd biết về HP để làm tổn hại đến họ” thông qua việc tuyển dụng ông này.
Vào tháng 6/2011, HP đã đệ đơn kiện chống lại Oracle vì cho rằng Oracle đã kết thúc sớm hơn thời gian quy định về các điều khoản trong hợp đồng kí kết giữa 2 bên. Đơn kiện đã được nộp lên tòa án ở Santa Clara, bang California của Mỹ nhằm buộc Oracle phải thay đổi quyết định đã đưa ra. HP cũng tin rằng Oracle có nghĩa vụ phải tiếp tục phát triển các phần mềm cho chip Itanium.
Daniel Wall, đại diện pháp lí của Oracle từ hãng luật Latham & Watkins cho rằng thỏa thuận giữa Oracle và HP thiếu tiêu chí chuẩn mực của một hợp đồng ràng buộc hợp pháp, như phạm vi lĩnh vực, thời lượng pháp lí và chi tiết về các khoản đền bù trong trường hợp xảy ra tranh chấp, kiện tụng.
Thắng lợi đầu tiên của HP
Đầu tháng 8/2012, thẩm phán của Tòa Thượng Thẩm Santa Clara County tuyên bố HP thắng kiện trong việc tranh chấp với Oracle về hỗ trợ các máy chủ dùng chip Itanium của Intel. Theo phán quyết của tòa, Oracle đã vi phạm hợp đồng vào 9/2010, trong đó công ty này đã đồng ý hỗ trợ máy chủ HP chạy vi xử lí Itanium. Cũng theo phán quyết của tòa, Oracle phải bồi thường cho HP. Chưa rõ tòa án định đoạt số tiền bồi thường là bao nhiêu, nhưng hiện tại, HP đòi Oracle phải bồi thường 4 tỉ USD.
Đại diện HP cho biết:“Bản phán quyết của tòa hôm nay mang lại chiến thắng to lớn cho HP và các khách hàng. Tòa Thượng Thẩm tiểu bang California, hạt Santa Clara đã xác nhận có một hợp đồng giữa HP và Oracle với nội dung yêu cầu Oracle hỗ trợ các sản phẩm phần mềm cho các máy chủ HP dùng chip Itanium. Chúng tôi mong Oracle thực hiện các nghĩa vụ trong hợp đồng theo lệnh của Tòa án.”
Tuy nhiên, những cuộc chiến pháp lý kiểu nàyở Mỹ thường không kết thúc một cách đơn giản như vậy. Oracle hẳn là sẽ không chịu ngồi yên và nhiều khả năng sẽ kháng án.
Mạnh Vỹ