Prism và IBM cùng nhau khai thác thị trường ĐTĐM tại Việt Nam

Diễn đàn - Ngày đăng : 07:57, 04/11/2015

IBM và Prism vừa ký kết thỏa thuận đối tác kinh doanh nhằm cung cấp các dịch vụ quản lý công nghệ thông tin trên nền tảng điện toán đám mây tại thị trường Việt Nam. Các dịch vụ này sẽ giúp làm phong phú thêm dải danh mục dịch vụ hiện có của Prism, đồng thời mang đến cho các doanh nghiệp tại Việt Nam, chất lượng dịch vụ theo tiêu chuẩn quốc tế với sự an toàn, bảo mật và khả năng mở rộng một cách linh hoạt trên nền tảng điện toán đám mây.

Ngày 25/09/2012, IBM và Prism đã ký kết thỏa thuận đối tác kinh doanh nhằm cung cấp các dịch vụ quản lý (Managed Services) công nghệ thông tin (CNTT) trên nền tảng điện toán đám mây tại thị trường Việt Nam. Theo đó, các dịch vụ quản lý CNTT của Prism sẽ được triển khai trên môi trường điện toán đám mây của IBM, bao gồm một tập hợp các máy chủ System x hiệu năng cao cùng giải pháp điện toán đám mây SmartCloud Foundation của IBM.

Hình ảnh tại Lễ ký kết giữa Prism và IBM

Các dịch vụ quản lý CNTT được IBM và Prism công bố ngày hôm nay bao gồm: cơ sở hạ tầng như là một dịch vụ (Infrastructure as a Service – IaaS), phần mềm như là một dịch vụ (Software as a Service – SaaS) và các giải pháp khôi phục sau thảm họa – đảm bảo tính liên tục trong kinh doanh (Business Continuity & Resiliency). Các dịch vụ này sẽ giúp làm phong phú thêm dải danh mục dịch vụ hiện có của Prism như truyền thông hợp nhất, quản lý hạ tầng, hỗ trợ kỹ thuật từ xa, năng lực điện toán theo nhu cầu, sao lưu từ xa, lên kế hoạch khôi phục thảm họa và duy trì tính liên tục trong kinh doanh cũng như các dịch vụ khác trên nền tảng điện toán đám mây của IBM. Những dịch vụ quản lý CNTT của IBM và Prism mang đến cho các doanh nghiệp tại Việt Nam thuộc mọi quy mô, chất lượng dịch vụ theo tiêu chuẩn quốc tế với sự an toàn, bảo mật và khả năng mở rộng một cách linh hoạt trên nền tảng điện toán đám mây, bởi một đội ngũ nhân sự và chuyên gia ngay tại Việt Nam.

Bản cam kết này chính là khoản đầu tư lớn và đầu tiên của cả hai công ty trong việc xây dựng một hệ thống cung cấp có quy mô các dịch vụ quản lý CNTT trên nền tảng điện toán đám mây tại Trung tâm Cung cấp Dịch vụ Đảm bảo Hoạt động Kinh doanh Liên tục và Bền vững tại Công viên Phần mêm Quang Trung (QTSC). Ông Jim Ellis, Tổng Giám đốc của Prism, cho biết: “Các dịch vụ quản lý CNTT mang lại những lợi ích rất lớn. Các doanh nghiệp có thể cắt giảm một cách đáng kể chi phí hạ tầng CNTT nhờ phương thức trả theo mức độ sử dụng và những khoản đầu tư này sẽ được tính vào chi phí hoạt động. Thêm vào đó, doanh nghiệp còn nâng cao tính cạnh tranh trên thị trường nhờ khả năng triển khai các ứng dụng kinh doanh và các dịch vụ CNTT mới một cách nhanh chóng, giảm chi phí bảo trì bảo dưỡng, tạo môi trường kinh doanh linh hoạt và rút ngắn thời gian thâm nhập thị trường cho các dịch vụ và sản phẩm mới.

Prism là công ty có tiếng trong lĩnh vực dịch vụ quản lý CNTT tại thị trường Việt Nam với một đội ngũ các chuyên gia dày dặn kinh nghiệm trên toàn thế giới . Sự hợp tác giữa IBM và Prism cho phép cả hai công ty tận dụng nguồn nhân lực và kiến thức của nhau để cung cấp một danh mục các dịch vụ quản lý trên nền tảng điện toán đám mây tại thị trường Việt Nam và khu vực Đông Nam Á.

Ông Hàn Quốc Ân, Giám đốc phụ trách bộ phận Dịch vụ Công nghệ Toàn cầu của IBM Việt Nam phát biểu: “Mối quan hệ hợp tác giữa Prism và IBM là bằng chứng cho thấy sự hỗ trợ và đầu tư của cả hai công ty cho các doanh nghiệp Việt Nam.Các giải pháp dịch vụ quản lý của chúng tôi sẽ tiết kiệm thời gian cho các doanh nghiệp nhiều hơn để tập trung vào các hoạt động kinh doanh cốt lõi, tối đa hóa hiệu quả kinh doanh cũng như thúc đẩy sự tăng trưởng và khả năng sáng tạo.”

Dịch vụ quản lý CNTT cho phép các doanh nghiệp giải phóng nguồn nhân lực CNTT nội bộ cho các hoạt động chuyên môn cũng như tạo ra các cơ hội kinh doanh mới mà không phải mất thời gian và chi phí quản lý, duy trì và bảo dưỡng các hệ thống CNTT. Với dịch vụ quản lý CNTT, cơ sở hạ tầng phần cứng và các ứng dụng phần mềm có thể được thuê khoán từ các trung tâm dữ liệu ở xa. Đối với các nhân viên CNTT, họ vẫn có quyền và khả năng truy cập hệ thống giống như khi các hệ thống đó được lắp đặt tại nội bộ doanh nghiệp như trước kia. Chi phí sẽ được cắt giảm nhờ việc chuyển đổi từ mô hình chi phí đầu tư ban đầu (Capital Expenditure - CAPEX) thành chi phí hoạt động (Operation Expense - OPEX) hàng tháng.

Đối với các bộ phận CNTT, tính linh hoạt và hiệu quả đóng vai trò thúc đẩy kinh doanh và nâng cao lợi nhuận. Các doanh nghiệp có thể đạt được hai điều này khi lên kế hoạch và triển khai các chiến lược CNTT với các nhà cung cấp có tiêu chuẩn và thực tiễn triển khai. Với năng lực chuyên sâu và kinh nghiệm hiện có của IBM và Prism cùng sự hiện diện của đội ngũ chuyên gia tại địa phương, các doanh nghiệp Việt Nam dễ dàng được cung cấp dịch vụ đa dạng với chất lượng cao.

Mạnh Vỹ